Saturday, July 7, 2007

Trần Đình Hoàng-Tưởng niệm nạn nhân cộng sản? Còn nạn nhân của Mỹ thì sao?

Nguồn: http://www.chuyenluan.net/200706/0706_27.htm

Trần Đình Hoàng

Đài RFA và một số đại lý truyền thông tiếng Việt ở Mỹ cho biết ngày 13/6/2007, tổng thống George W. Bush tham dự buổi lễ khánh thành tượng đài tưởng niệm nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản. Vẫn theo đài RFA, đây là tượng đài để tưởng niệm 100 triệu nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới, và những nước được có tên trong danh sách gồm có Nga, Trung Quốc, Cambodia, và Việt Nam. Các nhóm chống cộng, đặc biệt là những người Mỹ-hơn-cả-Mỹ gốc Việt, lại hý hửng xem dịp đó là một phép lành mà ông Bush đã ban cho họ, để họ tiếp tục con đường chống cộng.

Thật vậy, trong khi dư luận Mỹ chẳng ai quan tâm đến chuyện ông Bush tham dự buổi lễ, thì các đại lý chống Việt Nam lại làm ồn ào xem như là một chứng tích hiếm, một “ngày lịch sử” như ông người Mỹ gốc Việt Nguyễn Chí Thiện nói. (Xin nói thêm để bạn đọc nhớ rằng Thiện là người làm những câu vè chống cộng và chống ông Hồ trong thời nằm tù ở Việt Nam, và nhờ những câu vè đó mà được cái đại lý chống Việt Nam ngoài này ca tụng là “ngục sĩ”). Người Mỹ chẳng quan tâm vì họ biết rằng đó chỉ là một vở tuồng tuyên truyền được thiết kế trong chiến dịch tuyên truyền nhằm lấy lại niềm tin của người Mỹ trong vấn nạn Iraq hiện nay, và cũng để đánh lạc hướng những cuộc tàn sát người Iraq mà quân đội Mỹ đang thực hiện có hệ thống ở Iraq. Những người có học, có suy nghĩ và chịu khó động não sẽ thấy ngay cái con số 100 triệu nạn nhân (tức là 2,5% dân số toàn cầu) là một sản phẩm của những bộ óc nghèo nàn về lý trí nhưng giàu tưởng tượng.

Tuy vở tuồng diễn ra khá kệch cỡm, nhưng nó lại là cơ hội để người ta nhìn lại tính đạo đức giả của Mỹ, hay nói chính xác hơn là của giới chính quyền Mỹ. Một mặt họ tỏ ra là những người có tấm lòng nhớ đến những nạn nhân cộng sản, mặt khác họ lờ đi những nạn nhân của chính họ. Không ai biết bao nhiêu và chưa chứng minh được thế nào nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản hay của bất cứ chủ nghĩa nào, nhưng bấtcứ ai trên thế giới đều có thể thấy rõ nạn nhân của những cuộc chiến do bộ máy chiến tranh của chính quyền Mỹ chủ động tạo nên.

Ai cũng biết Mỹ là nước gây ra chiến tranh nhiều nhất trên thế giới. Và cũng không ngạc nhiên, khi các chuyên gia xếp hạng về Chỉ số hòa bình toàn cầu (Global Peace Index), nước Mỹ đứng hạng 96 trong số 121 quốc gia, còn tệ hơn cả Yemen! Ông Abruzzese (Chủ bút Tổ Tin tức Kinh tế chịu trách nhiệm công bố danh sách này) cho biết lý do Mỹ bị điểm thấp là vì số lần tham dự vào các cuộc chiến tranh, số quân nhân bị tử trận và chi phí cao cho ngân sách quốc phòng.

Thật ra, nếu có ai tính toán số người bị chết hay thương tật trong các cuộc chiến do Mỹ chủ động thì con số chắc còn gấp 10 lần con số “nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản”, bởi vì Mỹ là nước gây hấn nhiều nhất, chủ động gây chiến tranh nhiều nhất, và phạm nhiều tội ác chiến tranh nhất thế giới. Đáng lẽ tổng thống Bush phải xây đài tưởng niệm những nạn nhân người Iraq, Afghanistan, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc, Bosnia, v.v… do Mỹ trực tiếp hay gián tiếp tàn sát mới đúng.

Những ai còn nghi ngờ về phát biểu trên có thể tìm đọc cuốn sách “In the Name of Democracy: American War Crimes in Iraq and Beyond” (Nhân danh dân chủ: Tội phạm chiến tranh của Mỹ tại Iraq và các nơi khác) của Jeremy Brecher, Jill Cutler, và Brendan Smith. Trong sách, các tác giả tường thuật và phân tích những tội phạm chiến tranh của Mỹ tại Iraq và các nước khác trên thế giới. Một số tội phạm đã được đề cập ngắn trên báo chí Mỹ, nhưng đại đa số các tội phạm tày trời và dã man khác hưa bao giờ được đề cập đến.

Trong một bài điểm sách, tác giả Vernon Ford viết: “Trong khi người Mỹ đang đau đớn đánh giá lại cuộc chiến ở Iraq và mối liên hệ của cuộc chiến này trong cuộc chiến chống khủng bố, có nhiều bằng chứng thuyết phục cho thấy tội phạm chiến tranh của Mỹ xảy ra một cách có quy chuẩn, bình thường, chứ không phải chỉ vài trường hợp cá biệt do một số sĩ quan cấp thấp lệch hướng làm điều xằng bậy như báo chí thường mô tả. Cuốn sách này là một sưu tập bao gồm phỏng vấn, tài liệu của FBI, phát biểu của những cựu binh sĩ sau này trở thành những người chống chiến tranh, tất cả cung cấp cho chúng ta một cái nhìn ớn lạnh về cuộc chiến đã được khởi động và thực hiện như thế nào. Phần I cuốn sách viết về các bằng chứng tội phạm chiến tranh của Mỹ (bao gồm những chiến thuật “ra tay trước”, vi phạm quyền con người) qua lăng kính luật pháp quốc tế. Các phần khác khai thác những cá nhân, quan chức chịu trách nhiệm trong những vụ tra tấn tù nhân, và các hành động bất hợp pháp trong cuộc chiến. Sau cùng, cuốn sách thẩm định sự thất bại của các cơ quan pháp luật của Mỹ trong việc khống chế tội phạm chiến tranh của Mỹ.”

Rất nhiều hành vi tội phạm chiến tranh của Mỹ tại Iraq xảy ra hàng ngày nhưng báo chí Mỹ không nói đến, và đài RFA tất nhiên cũng không nói đến. Chẳng hạn như báo The Guardian (Anh) hôm 15/9/2004 cho biết một trường hợp tiêu biểu trong hàng ngàn trường hợp xảy ra hàng ngày ở Iraq như sau. Báo The Guardian cho biết trong một cuộc tấn công vào thường dân tại trung tâm thành phố Baghdad vào ngày Chủ nhật 11/9/2004, máy bay trực thăng Mỹ bắn rocket vào đám đông đang vây quanh một chiếc xe đang cháy trên đường Haifa (gần Khu Xanh, tức khu vực dành riêng cho người Mỹ và Anh). Bộ y tế Iraq cho biết cuộc tấn công giết chết 20 người và gây thương tích cho 39 người. Tất cả nạn nhân đều là thường dân. Họ chết và mang thương tật chỉ vì ở vào một nơi không đúng vào một thời điểm không may.

Nên nhớ rằng đó chỉ là một trong những trường hợp xảy ra hàng ngày ở Iraq ngày nay, nhưng báo chí Mỹ lờ đi. Đó là một tội phạm chiến tranh. Thật vậy, những công nghệ quân sự mà Mỹ đang sử dụng ở Iraq như bom cluster, uranium bẩn (depleted uranium) là những vũ khí bất hợp pháp. Điều 85 của Quy ước Geneva (Geneva Conventions) định nghĩa rõ rằng tội phạm chiến tranh bao gồm "một cuộc tấn công bừa bãi gây tổn hại đến thường dân một cáchc có ý thức". Ủy ban về vũ khí của Liên Hợp Quốc định nghĩa bom cluster là “vũ khí có ảnh hưởng bừa bãi” (weapons of indiscriminate effects). Một ký giả người Anh ở Iraq viết như sau: “Trong số 168 bệnh nhân mà tôi đếm được, không một ai được điều trị khi bị thương vì bom. Tất cả bệnh nhân, đàn ông, đàn bà, trẻ em đều mang trong người những mảnh bom. Những mảnh bom này như những hạt tiêu rải trên cơ thể họ. Da biến thành màu đen. Đầu bị vở ra từng mảnh. Chân tay bị đứt lìa. Một bác sĩ ở đây cho tôi biết ‘tất cả những trường hợp này mà ông đang thấy đều do bom cluster mà ra’. . . Phần lớn nạn nhân là trẻ em và họ chết chỉ vì ở ngoài đường.”

Tội phạm của Mỹ đâu chỉ xảy ra ở Iraq, mà còn ở Afghanistan. Tháng 12 năm 2002 đài truyền hình Đức ARD, đài truyền hình số 5 của Anh, đài truyền hính RAI của Ý trình chiếu một phim tài liệu 45 phút có tựa đề “Massacre in Afghanistan—Did the Americans Look On? (Cuộc tàn sát ở Afghanistan – Người Mỹ có nhìn kỹ?) Bộ phim do một phóng viên và nhà làm phim Jamie Doran (người Ái Nhĩ Lan) thực hiện. Bộ phim cho thấy sau khi Mỹ giải phóng tỉnh Konduz (Afghanistan) vào tháng 11/2001, đồng minh của Mỹ là tướng Abdul Rashid Dostun cùng với sự hỗ trợ của lính Mỹ tra tấn dã man và giết hơn 3000 (ba ngàn) tù nhân Taliban. Sau cuộc tàn sát này, bộ phim cho chúng ta xem cuộc tàn sát ở Qala-i-Janghi. Cùng với tướng Rashid Dostum và quân đội Mỹ tiếp tục tàn sát 3000 tù nhân được “phân loại” từ 8000 tù nhân chiến tranh ở nhà tù Shibarghan. Tù nhân chiến tranh được chở đến Shibarghan trong những thùng container thiếu không khí. Mỗi container chứa 200 đến 300 người do tài xế xe địa phương lái. Một tài xế tham dự vào cuộc chuyên chở này cho biết trung bình 150 đến 160 tù nhân chết trên đường vận chuyển.

Tội phạm chiến tranh mà Mỹ gây ra có một lịch sử rất dài. Trong cuộc chiến ở Nam Hàn vào thập niên 1940s, lính Mỹ cũng từng phạm tội ác chiến tranh. Trong bài viết “American War Crimes: The Two Faces of America” (Tội ác chiến tranh của Mỹ: Hai mặt của nước Mỹ), tác giả Hee Kyoung Chun cho biết lính Mỹ từng tàn sát thường dân nhiều nơi ở Hàn Quốc trong thời đó. Nên nhớ rằng Nam Hàn từng chịu sự cai trị của quân đội Mỹ từ tháng 9/1945 đến 15/8/1948. Chẳng hạn như ngày 3/4/1948, lính Mỹ cùng với cảnh sát Nam Hàn và các lực lượng chống cộng sản tàn sát 30000 (ba chục ngàn) người trên đảo Cheju. Đảo này lúc đó có 300 ngàn dân, do đó con số bị giết lên đến 10%! Một cuộc tội ác đẩm máu khác cũng đo lính Mỹ và lính Nam Hàn gây ra là vụ tàn sát tại tỉnh Nogun-ri. Trong vụ này, lính Mỹ giết hàng trăm người tỵ nạn, phần lớn là trẻ em và phụ nữ, những người bị kẹt dưới chân cầu Nogun-ri trong khi lính Bắc Hàn đang tiến về và lính Mỹ đang tiến tới. Một cựu sĩ quan Mỹ nhớ lại sự việc và cho biết: “Mấy tên chết tiệt này. Chúng ta hãy tiêu diệt tất cả chúng,” và một tay súng khác nhớ lại “chúng tôi chỉ đơn giản thủ tiêu họ”!

Bình luận về tội phạm chiến tranh của Mỹ, nhà bình luận Hee Kyong Chun viết: “Giới chính khách Mỹ thường hay nói đến chuyện nhân quyền, nhưng họ đã từng phạm những tội chiến tranh chống lại con người nhân danh “luật quốc tế” trên khắp thế giới. Tôi thấy hai mặt của nước Mỹ. Trước hay sau gì thì Mỹ cũng phải trả giá cho hành động của họ. Những hành động tàn bạo của họ sẽ không bao giờ quên.”

Nói đến tội ác chiến tranh của Mỹ và nạn nhân của Mỹ mà không nói đến cuộc chiến Việt Nam thì quả là một thiếu sót lớn. Không thể kể hết những cuộc tàn sát dã man và đẩm máu của quân đội Mỹ tại Việt Nam qua một bài báo. Nhưng những ai muốn tìm hiểu thì có thể đọc loạt bài trên tờ Los Angeles Times (2006) để biết thêm chi tiết. Tuy nhiên, một vài trường hợp được ít nhiều người biết đến cần phải được nhắc lại ở đây cho công bằng.

Ngày 16/3/1968, tại xã Mỹ Lai, tỉnh Quảng Ngãi, trung úy William Calley chỉ huy Trung đội 1, thuộc Đại đội Charlie, Tiểu đoàn số 1, Lữ đoàn 11, cùng với Đại đội không kích trực thăng 174, tập trung theo hình chữ V tấn công vào thường dân. Bảy giờ 45 phút sáng, chiếc trực thăng đầu tiên của Calley hạ cánh xuống cánh đồng rìa làng, nơi có một số nông dân đang cày ruộng. Họ không dám bỏ chạy, vì kinh nghiệm cho thấy nếu vậy sẽ bị nghi là Việt Cộng và ăn đạn. Nhưng lần này thì họ không may mắn, vì Calley xem họ là Việt Cộng và ra lệnh cho binh lính xả súng tàn sát tất cả những người nông dân xấu số đó. Máu giết người đang lên mức cao độ, Calley và đồng bọn tiếp tục vào làng càn quét, tập trung dân làng theo từng nhóm nhỏ, lùa vào nhà rồi thản nhiên tung lựu đạn. Một tốp khác đẩy người dân xuống mương rồi xả đạn một cách không thương tiếc. Người, lợn, gà, chó... chạy nháo nhác. Hàng trăm vụ cưỡng hiếp, giết người xảy ra ở mọi nơi. Ngôi làng chìm trong biển lửa. “Thành tích” của Calley là 504 người bị giết chết, trong số đó có 182 phụ nữ (17 người đang mang thai), 173 trẻ nhỏ (56 bé còn ở tuổi ẵm bồng) và 60 cụ già trên 60 tuổi. Tất cả họ đều là thường dân. Cuộc càn quét cũng không phát hiện một Việt Cộng nào!

Sau nhiều tố cáo của chính đồng đội của Calley, mà đặc biệt là chuẩn ý Hugh Thompson, về tội ác giết người hàng loạt của hắn, Mỹ mở phiên tòa xử Calley. Bản cáo trạng của quân đội Mỹ luận rằng tội của Calley là “giết 109 người châu Á”. Họ thậm chí không dám dùng chữ “người Việt Nam”, mà chỉ nói “Người châu Á”! Ngày 29/3/1971, toà án kết tội Calley giết chết ít nhất 22 người Việt Nam. Sau khi nghe tội danh, hắn đã đứng thẳng dậy, hướng về chủ tịch bồi thẩm đoàn, nghiêm trang chào theo kiểu nhà binh. Ngày hôm sau, toà tuyên án tù chung thân và lao động khổ sai. Nhưng chỉ hai ngày sau (1/4/1971) tổng thống Richard Nixon đặc cách cho Calley chỉ phải chịu quản thúc tại gia trong khi tiến hành thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, Calley chẳng nằm tù bao giờ. Calley vẫn tiếp tục được sống dưới mái nhà của mình. Đến năm 1973, mức án của hắn được bộ trưởng Quân đội giảm xuống 10 năm. Ngày 9/9/1974, Calley được ân xá! Đó là công lý kiểu Mỹ.

Nhưng Mỹ Lai chỉ là một trường hợp nổi bật, trong thực tế còn hàng trăm hay cả ngàn vụ tàn sát khác mà chúng ta chưa biết được. Hiện nay, chúng ta biết rằng các cuộc tàn sát sau đây đã xảy ra và báo chí Mỹ hay Âu châu đã đề cập đến. Ngày 25/2/1969, dân biểu Bob Kerrey chỉ huy một nhóm gồm 7 lính đặc công (SEAL) giữa đêm tấn công vào ấp Thăng Phong để truy tìm kẻ thù. Không tìm được kẻ thù, họ quay sang thảm sát 13 phụ nữ và trẻ em. Tất cả các thường dân này bị tập trung lại và lính Mỹ lạnh lùng bắn từng người. Nhưng phải chờ đến 32 năm sau, sự việc mới được báo New York Times tiết lộ vào ngày 20/4/2001. Ngày 19/2/1970, một đơn vị 5 lính thuộc sư đoàn thủy quân lục chiến số 1 tiến vào xã Sơn Thắng, ra lệnh 16 phụ nữ và trẻ em đứng xếp hàng và lạnh lùng bắn giết từng người một. Ngoài các vụ này, hồ sơ tội ác chiến tranh còn ghi lại 7 vụ thảm sát trong giai đoạn từ 1967 - 1971 khiến ít nhất 137 thường dân thiệt mạng, 78 vụ tấn công không tham chiến khiến ít nhất 57 người bị giết, 56 người bị thương và 15 người bị hãm hiếp, và 141 trường hợp lính Mỹ tra tấn những thường dân bị bắt giữ hoặc tù binh chiến tranh bằng nắm đấm, gậy, chày, nước hoặc sốc điện.

Ấy thế mà Mỹ nay lập tượng đài tưởng niệm nạn nhân cộng sản! Không biết khi mở miệng nói chuyện tưởng niệm, giới chính khách cực đoan Mỹ có bao giờ nhớ lại vụ lính Mỹ đã gieo rắc không biết bao nhiêu tàn phá và tàn bạo trên thường dân Việt Nam. Có lẽ cần phải nhắc lại rằng lực lượng “Mãnh hổ” (Tiger Force) của Mỹ đã bắn giết hàng trăm thường dân ở Quảng Ngãi vào năm 1967, và còn man rợ hơn, chúng cắt xén tai của nạn nhân để làm đồ trang sức! Tất cả những hành động giết người man rợ đó đã được giới quân sự Mỹ công nhận là sự thật, nhưng lại dấu nhẹm suốt 35 năm. Ngay cả sau khi được giới báo chí phanh phui và nêu đích danh những phần tử giết người đó trên mặt báo, nhưng chính phủ Mỹ đã phới lờ, đến nỗi giới báo chí phải kêu lên rằng “Chấm dứt một cuộc điều tra mà không có công lý” (“Inquiry ended without justice”, báo The Blade, 21/10/2003). Mỹ có tưởng niệm đến họ không?

Những người Mỹ gốc Việt cực đoan (hay Mỹ-hơn-Mỹ con) có mặt trong buổi “tưởng niệm” như Nguyễn Chí Thiện cho rằng đó là một “ngày lịch sử”. Thế thì Nguyễn Chí Thiện nghĩ gì về những tên tội phạm chiến tranh mang quốc tịch Mỹ đã tàn sát một cách man rợ những người anh em mang họ Nguyễn (như Nguyễn Chí Thiện), họ Trần, họ Lê, họ Phạm, họ Phan, v.v… trên đất Việt Nam. Nguyễn Chí Thiện nghĩ gì khi tổng thống Nixon thóa mạ người Việt như là những sinh vật cấp thấp muốn giết lúc nào thì giết, muốn bỏ bom, kể cả bom hạt nhân, lúc nào thì bỏ. Nếu ai còn nghi ngờ câu văn trên thì xin mời đọc sách của Daniel Ellsberg, vì trong đó ông ghi lại những trao đổi giữa Nixon và Kissinger trước khi dội bom xuống Việt Nam.

Tổng thống Mỹ như Nixon, một người có học, mà còn mang tư tưởng kỳ thị chủng tộc thì chúng ta không thể nào kỳ vọng lính của họ tiến bộ hơn. Những tên giết người không gớm tay, được sinh ra, giáo dục và lớn lên trong xã hội Mỹ, được huấn luyện và trang bị các kỹ thuật giết người tàn bạo không hề biết đến ân hận, ăn năn là gì. Ngược lại, chúng còn rất tự hào với hành động giết người của chúng. Khi được phóng viên hỏi về hành động giết người ở Mỹ Lai, tên tội phạm Calley thản nhiên nói một cách tự hào rằng: “Tôi rất tự hào vì đã phục vụ quân đội Mỹ và tham gia trận Mỹ Lai”. Hắn dùng chữ “trận Mỹ Lai”! Sau đây là những phát biểu của một số tên giết người mang áo quân đội Mỹ khác (trích phát biểu trên tờ Blade 2003): Willian Boyle tham gia trong cuộc tàn sát ở một xã vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói: “Điều duy nhất mà tôi ân hận là tôi không giết nhiều hơn nữa. Nếu tôi biết cuộc chiến sắp kết thúc sớm như thế, tôi muốn sẽ giết nhiều hơn nữa.”

Sau đây là những tường thuật mang tính sinh động, hay nói theo người Anh là “graphical”, về những hành động tội phạm chiến tranh của quân đội Mỹ do chính lính Mỹ kể lại trên tờ Los Angeles Times (5/8/2006):

“Một ai đó bắt được cậu bé trên đồi, và họ lôi cậu xuống đồi, một trung úy hỏi ai muốn giết cậu bé. Hai người tình nguyện bước lên. Một người đá vào bụng cậu bé. Người kia lôi cậu bé ra đằng sau tảng đá và bắn. Họ quăng xác cậu bé xuống sông và báo cáo cậu bé là kẻ địch bị giết trong khi đang hoạt động.”

“Khi tôi quay lại, 2 người đã bắt được ông già, một người tóm tay, một người tóm chân và họ quăng ông xuống đồi lởm chởm đá”.

Hai lính Mỹ dùng một người đàn ông Việt Nam làm mục tiêu để thực tập bắn súng. Họ phát hiện ra nạn nhân đang ngủ trong một túp lều và quyết định giết ông để giải trí. Mọi người điểm xạ vào ông ta, xem ai bắn chính xác hơn.”

“Họ phát hiện một người đàn ông và tình nghi ông ta đã hỗ trợ kè thù. Họ bắt ông đứng trước một xe bọc thép. Họ lái xe lao đâm thẳng vào người đàn ông nhưng không chết vì ông chạy ngoằn ngèo, do đó họ quay ngược xe lại và cán lên người đàn ông một lần nữa”

“Các binh sĩ lôi một cô gái trần truồng khoảng 19 tuổi ra khỏi nơi ở và đưa cô này tới nơi có nhiều thường dân đang bị tập trung vào một chỗ. Cô bị quăng xuống nền đất. Binh lính vây quanh số thường dân này và xả đạn vào họ…Việc đó kết thúc sau vài giây. Máu, thịt, và mọi thứ bắn tung tóe…”

“Tất cả số người trên bị bắt đứng vào hàng và bị bắn chết. Khi cuộc bắn giết kết thúc, tôi quay lại thấy một phụ nữ chạy khỏi nhà ra chỗ đám người bị giết và trông thấy đứa con của mình bị bắn. Chị bế đứa con lên nhưng bị bắn và đứa trẻ lại bị bắn tiếp một lần nữa.”

Mới đây nhất, một cựu quân y sĩ Mỹ, BS Allen Hassan vừa cho ra mắt cuốn sách dạng hồi ký "Không thể chuộc lỗi" (Failure to atone). Một trích đoạn, chỉ nêu một vài chi tiết nhỏ trong tác phẩm này:

"Ba phi công mặc đồng phục vội vã khiêng một chiếc cáng vào hội trường bệnh viện. Trên cáng chất đầy trẻ em. Các cháu có vẻ sạch sẽ, như thể vừa mới được tắm rửa sáng hôm đó.

Tôi đứng nhìn các viên phi công khiêng ba hoặc bốn bé chất đống trên cáng xuống, rồi trở ra trực thăng khiêng tiếp. Tôi và các y tá điếng người khi các viên phi công liên tục mang thêm vào bệnh viện hết cáng này đến cáng khác. Tôi chú ý đến những bàn tay ủ rũ dọc theo thành cáng. Những bàn tay đu đưa này như muốn đặt câu hỏi: “Tại sao? Tại sao lại là cháu? Cháu đã làm gì sai nào?”. Không một lời nào, những phi công đặt nạn nhân bé tí cuối cùng xuống nền nhà. “Chúng nó đấy, bác sĩ!”, cuối cùng, một người lên tiếng. Không ai nói thêm một lời nào khác. Rồi chiếc trực thăng cất cánh, mất hút về phía bìa rừng.

Từng hàng, từng hàng những thân thể đầy thương tích, có lẽ lên đến chừng 40 trẻ em Việt nam từ tuổi còn ẵm ngửa đến khoảng 5 tuổi. Các bé đều có đeo dải băng trên cánh tay và một số các cháu đã chết hẳn. Những cháu còn sống đang cố nhúc nhích chân tay. Ngay lập tức, tôi cố gắng cứu chữa các cháu còn sống. Mỗi một bé trai, bé gái đều bị một viên đạn xuyên qua đầu với vết thương là một lỗ tròn, nhỏ nhưng không thể chữa trị. Máu rỉ ra từ lỗ vết thương trên đầu các cháu. Những đứa trẻ này rõ ràng đã bị bắn ở đầu, kiểu như bị hành hình.

............

Tôi chú ý đến những dải băng trên cánh tay các cháu bé. Tôi bị sốc thật sự. Dải băng plastic có dòng chữ: 'Thủy quân lục chiến Mỹ thẩm vấn'.”.

Vậy thì xin hỏi tổng thống Bush và những người Mỹ gốc Việt đang đứng quanh ông hôm 13/6/2007 trong vở tuồng tưởng niệm rằng có khi nào ông để tâm (thành tâm) tưởng nhiệm những nạn nhân Việt Nam này không? Và còn nhiều hơn thế nữa, những 3 triệu người Việt Nam bị chết hay bị chôn vùi trong 25 triệu hố bom được đào bởi 13 triệu tấn bom và 80 triệu lít chất độc hóa học của Mỹ. Một tượng đài tưởng niệm những nạn nhân này nên được xây trước Tòa bạch ốc thì mới đúng phong cách hào hiệp của Mỹ.

No comments:

Post a Comment