Thursday, February 7, 2008

Trần Chung Ngọc - Cảm ơn TGM Ngô Quang Kiệt

THƯ NGỎ GỬI CÁM ƠN
TỔNG GIÁM MỤC NGÔ QUANG KIỆT
Trần Chung Ngọc
đăng ngày 03/02/2008

Sự thực tôi không biết phải cám ơn ông Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt như thế nào, vì có rất nhiều điều phải cám ơn ông. Trong một bài viết trước đây, tôi đã dùng vài lời không nhã nhặn, cho rằng hành động xách động giáo dân của ông đến thắp nến cầu nguyện nơi tòa khâm sứ cũ, không phải là cầu nguyện mà là đập phá và mang tượng bà Maria và cây giá chữ thập đến cắm đại trong khu vực tòa khâm sứ, là một hành động vô cùng vụng về nếu không muốn nói là ngu xuẩn. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy đó là những lời nói quá đáng, vậy tôi xin thành tâm sám hối và có đôi lời tạ lỗi cùng ông.

Không những tạ lỗi mà tôi còn phải cám ơn ông rất nhiều, vì nhìn vào mặt tích cực, qua biến cố vừa qua ở tòa khâm sứ, tôi cảm thấy có bổn phận phải cám ơn ông về những điều sau đây:

Thứ nhất, tôi xin cám ơn ông vì ông đã giúp cho nhân dân Việt Nam thức tỉnh, bớt thụ động. Điều này phản ánh qua sự việc là, trước vụ tòa khâm sứ, một làn sóng phản ứng của người Việt trên đã nổi lên trên khắp thế giới. Và tuyệt đại đa số những phản ứng này đều chống đối việc làm của tòa Tổng Giám Mục. Những phản ứng này không chỉ có ở các nước ngoài mà còn ở trong nước suốt từ Bắc vào Nam, trên báo chí, trên các diễn đàn truyền thông, và nhất là của những hội đoàn, dân chúng quanh khu vực tòa khâm sứ.

Thứ nhì, tôi xin cám ơn ông vì ông đã giúp cho nhân dân Việt Nam nhớ lại hay biết đến lịch sử về Chùa Báo Thiên, về nguồn gốc và những khía cạnh lịch sử pháp lý liên quan đến tòa khâm sứ. Nay người dân đã biết rõ, Nhà Thờ Lớn Hà Nội mà trong khuôn viên có tòa khâm sứ nguyên là Chùa Báo Thiên của Phật Giáo đã bị thực dân Pháp toa rập với Công giáo Việt Nam cướp đi, phá hủy và xây nhà thờ trên đó. Ngày nay những bằng chứng về sự kiện này là những bằng chứng bất khả phủ bác. Không kể nhiều tài liệu về Chùa Báo Thiên đã xuất hiện trên báo chí và các diễn đàn truyền thông điện tử, tài liệu lịch sử về Chùa Báo Thiên của ông Lê Quang Vịnh, nguyên Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ, là những tài liệu không ai có thể nghi ngờ tính chất xác thực của nó.

Thứ ba, tôi xin cám ơn ông vì ông đã ra lệnh cho giáo dân phải gỡ bỏ tượng bà Maria và cây thập giá ra khỏi khuôn viên tòa khâm sứ mà trước đó ít ngày, giáo dân của ông đã phá sập cổng sắt, ùa vào ngang nhiên bất chấp pháp luật dựng lên những thứ không thể thích hợp ở nơi đó. Chúng tôi hiểu rằng không phải tự ý ông muốn như thế, bởi vì tuy chính phủ đã tỏ rất nhiều thiện chí trước vụ làm càn này, nhưng tòa Tổng Giám Mục vẫn không chịu hợp tác. Nhưng chỉ với vài lời ra lệnh của Hồng Y Bertone ở Vatican thì ông đã không có cách nào chống lại như đã chống chính phủ Việt Nam, và phải dẹp màn cầu nguyện, cắm thập giá, dựng tượng, dựng lều v..v.. một cách không kèn không trống. Chúng tôi hiểu rằng là dân Chúa thì phải nghe lời của Chúa, hay nói đúng hơn, nghe lời của những người tự nhận là “cũng như Chúa”, chứ không thể nghe lời của chính phủ của một đất nước mà mình đang sống trên đó. Vì sự kiện này mà ông đã giúp cho người dân Việt Nam đánh giá đúng mức người Công Giáo trong lòng dân tộc Việt Nam.

Và thứ tư, tôi xin cám ơn ông vì ông đã tạo cơ hội cho người dân Việt Nam để họ nhớ lại hay biết đến lịch sử của Công Giáo La Mã ở Việt Nam. Ông nên tin rằng, vì vụ việc tòa khâm sứ do ông phát động, lịch sử của Công Giáo La Mã ở Việt Nam từ ngày đầu đến ngày cuối sẽ được phổ biến rộng rãi trên khắp đất nước với những tài liệu bất khả phủ bác. Trong tình thế này, người dân sẽ không còn e dè vì sợ mang tiếng là chia rẽ tôn giáo nữa, nên những sự thật lịch sử về Công Giáo La Mã ở Việt Nam cũng như hoàn vũ sẽ được phơi bày, và Giáo hội Công Giáo La Mã ở Việt Nam sẽ không có cách nào còn có thể ngăn chận việc truyền bá những sự thật này như trước nửa. Ông đã giúp cho sự mở mang dân trí và sự tiến bộ trí thức của người dân Việt Nam về lịch sử Công giáo một bước dài.

Sau đây, vì vẫn coi ông Tổng Giám Mục là người Việt Nam, tôi muốn chia xẻ cùng ông vài lời tâm huyết.

Có thể vì ở trong một hệ thống tôn giáo toàn trị không có nhiều tính chất Việt Nam cho nên ông không hiểu rõ về truyền thống văn hóa Việt Nam cũng như tâm lý người dân Việt Nam. Lịch sử Việt Nam đã chứng tỏ rằng người Việt Nam rất yêu nước, và đặt lòng yêu nước trên bất cứ một giá trị nào khác. Với niềm tin tôn giáo của quý ông, quý ông có thể cho rằng “thà mất nước chứ chẳng thà mất Chúa”, nhưng đối với tuyệt đại đa số người dân, tôi tin rằng không có ai nghĩ như vậy. Vì đối với người dân Việt Nam, đây là mảnh đất mà tổ tiên, cha ông của họ đã tốn biết bao xương máu và nước mắt để giữ gìn, xây dựng, và là mảnh đất mà đời đời các dòng họ Việt Nam đã và sẽ sống trên đó. Và lịch sử đã chứng tỏ người Việt Nam đã bảo vệ đất nước của họ với bất cứ giá nào. Đây là những ý niệm đã ăn sâu vào đầu óc người dân Việt Nam, không có cách gì và không ai có thể bứng nó ra khỏi đầu óc của con người Việt Nam nói chung.

Lòng yêu nước của người Việt Nam dính liền với sự không chấp nhận bất cứ hành động nào phương hại đến quyền lợi chung của đất nước. Mặt khác, ý thức tôn giáo của người Việt Nam rất khoáng đạt: chấp nhận mọi tôn giáo nhưng phân biệt rõ ràng giữa tôn giáo và quốc gia. Về tôn giáo thì ai muốn theo tôn giáo nào thì theo, miễn là đừng có toan tính xâm lấn các tôn giáo khác. Nhưng về tinh thần quốc gia thì người Việt Nam không chấp nhận bất cứ một sự độc tôn tôn giáo nào, và nhất là không chấp nhận tinh thần nô lệ ngoại bang dưới bất cứ hình thức nào. Việt Nam có thể có những ảnh hưởng từ các nền văn hóa khác du nhập vào, nhưng tuyệt đối không thể chấp nhận chỉ thị từ một ngoại bang. Và nếu có một tổ chức nào, đoàn thể nào, nhận chỉ thị của ngoại bang, làm việc cho ngoại bang, thì người dân Việt Nam nói chung sẽ không bao giờ chấp nhận, và trước sau gì thì những tổ chức đó, đoàn thể đó cũng phải tự đào thải, nếu không chịu thay đổi để sống với tinh thần dân tộc. Đây là những chân lý lịch sử ngàn đời không bao giờ thay đổi.

Sau cùng tôi có một vấn đề xin đặt để ông Tổng Giám Mục suy nghĩ.

Trong thời đô hộ của Pháp, Công Giáo được đủ mọi đặc quyền đặc lợi. Trong những thập niên trước 1930, và có thể nói đến trước 1945, Việt Nam có thể nói là một khoảng đất trống để cho Công giáo truyền đạo và bành trướng. Phật giáo suy yếu vì nhiều lý do dễ hiểu dù có phong trào chấn hưng Phật Giáo trong thập niên 1930. Ở miền Nam thì Cao Đài và Hòa Hảo lại phát triển. Điều này chứng tỏ trong cuộc sống, người dân cần có một giá trị tâm linh nào đó. Nhưng dù được độc quyền truyền đạo, và trong 9 năm cầm quyền của Ngô Đình Diệm ở miền Nam mà chúng ta đã biết vị thế của Công giáo trong xã hội là như thế nào, và người Công giáo đã làm những gì để phát triển đạo, tỷ lệ trên dân số của người Công giáo vẫn không tăng được, luôn luôn chỉ ở trong vòng từ 5-7 %. Tại sao vậy? Đó có phải là điều đáng để ông Tổng Giám Mục suy nghĩ không? Tôi cũng mong ông Tổng Giám Mục suy nghĩ đến thực trạng hiện nay của giáo hội Công giáo hoàn vũ trên thế giới, nhất là ở Âu Châu, và uy tín thực sự của Giáo hoàng Benedict XVI ngày nay trong cộng đồng thế giới và ngay cả đối với các giáo dân trong các nước văn minh tân tiến.

Sau hết, nhân dịp tết Mậu Tý, tôi xin chân thành kính chúc ông Tổng Giám Mục trong năm mới được nhiều sức khỏe để dẫn dắt đàn chiên của ông trên chánh đạo.

Trần Chung Ngọc

Hoa Kỳ, 3 tháng 2 năm 2008

No comments:

Post a Comment