Wednesday, May 30, 2007

Kinh nghiệm VN: Tom Dooley hay cái chết của một ảo tưởng

http://giaodiemonline.com/noidung_detail.php?newsid=739

DIANA SHAW
( Tâm Bình dịch )

Dr. Tom Dooley (Vietnam era naval doctor) , who risked his life during the Vietnam war years to set up medical clinics throughout Southeast Asia. Dooley authored three books about his time in Southeast Asia. He was dishonorably discharged from the navy in 1956 for his homosexuality.

***

LTS: Cùng với những bí ẩn lịch sử khác chưa được hoặc sẽ được dần dần hé mở, tiết lộ, trong thời gian 40 năm vận nước nổi trôi, câu chuyện Tom Dooley xẩy ra ngay sau Hiệp Định Genève 1954 và vụ Maddox ở Vịnh Bắc Bộ năm 1965 gợi nhớ cho người Việt chúng ta những tác nhân ngoại lai đã góp phần đưa đến thảm trạng của đất nước ta ngày nay.

Tom Dooley, một bác sĩ hải quân Mỹ, một thời vang bóng được chính giới và báo chí Mỹ không tiếc lời ca tụng đã đóng vai trò gì? Thi hành kế hoặch của ai? Tất cả những uẩn khúc ấy đã được Diana Shaw của tờ LA. TIMES vạch rõ.

Giao Điểm xin trích đăng lại bài này của tờ Thời Báo số 181 ở Toronto, để chúng ta kiểm nghiệm lịch sử và cùng tìm lối ra chung cho Đất nước những ngày trước mắt.

*******

Vào thập niên 50 không phải chỉ tại nước Mỹ mà cả thế giới biết đến Tom Dooley qua hình ảnh tuyệt đẹp của một người bác sĩ trẻ dấn thân tận tụy chăm sóc những bệnh nhân nghèo khổ trong rừng rậm Á Châu, nhưng sự thực không đơn giản như vậy bởi vì chính bản thân Tom Dooley có điều bí ẩn cần che dấu, là bác sĩ trong Hải quân nhưng bị phát hiện là đồng tình luyến ái, anh có thể bị sa thải trong điều kiện mất danh dự, và cũng để bảo vệ bí mật ấy anh đã thỏa hiệp tích cực tham gia vào một chiến dịch của CIA tuyên truyền sai lạc về thực trạng của Đông Dương, để chuẩn bị dư luận cho Mỹ từng bước trực tiếp tham chiến tại Việt Nam. Đó là vắn tắt nội dung bài viết của Diana Shaw đã được đăng tải trên tạp chí LA. TIMES số ra ngày 15-12-91, do Tâm Bình N.V. dịch ra tiếng Việt.

****

“Vào một đêm Xuân, tôi không ngủ được và trằn trọc trong nóng bức của thành phố Hải Phòng đang hấp hối, nhưng biết bao người Mỹ trẻ tuổi đang bị cầm chân ở những nơi xa xôi, tôi tự hỏi tôi câu hỏi:” Tôi đang làm gì đây, ở cái địa ngục này?”

…Phía ngoài kia, trong những dãy chòi tạm do tôi dựng lên bằng thứ lều vải quân đội Mỹ, là khoảng hơn 12.000 người Việt, hoặc còn rất trẻ hoặc rất già, hầu hết đều ốm đau tàn tật và cùng khổ. Họ đang trốn chạy những người Cộng sản Bắc Việt với hy vọng sẽ đặt được tới Saigòn một vùng chưa chắc hẳn đã là an toàn. Trước họ đã có hơn 300.000 người sống qua khu lều trại này… Tôi đang chữa những loại bệnh mà các bạn đồng song của tôi cả đời hành nghề chưa hề bao giờ được thấy, thực hiện những cuộc phẩu thuật mà sách vở chẳng bao giờ đề cặp đến. Chẳng hạn phải làm gì cho những đứa trẻ bị cây đủa đâm xuyên vào tai trong? Hoặc làm sao cứu chữa cho một bà già bị đạn bắn vỡ nát cả xương quai xanh?

….Ở nhà thờ các cha đã thuyết giảng hùng hồn dạy tôi về triết học. Nhưng chí nơi hang ổ đia ngục cộng sản này tôi đã học nhiều điều thực tiển và sâu xa hơn về bản chất thực sự của con người…Để bây giờ tôi hiểu tại sao cả bộ máy tổ chức vô thần vẫn không bao giờ có thể hủy diệt được ánh sáng của đức tin nung nấu trong những con người cùng khổ nhất”.

Vào khoảng tháng Tư, 1956 lần đầu tiên dân chúng Mỹ biết qua về Việt Nam qua cái nhìn của Tom Dooley, một sĩ quan Hải quân mới 27 tuổi. Với giọng văn nồng nàn, với rào rạt tình yêu nước từ cuốn sách “ Giải thoát chúng tôi khỏi địa ngục” được trích dẫn đăng tải trên báo Reader’s Digest nói về cuộc Hành Trình tới Tự Do thực hiện bởi Hải quân Mỹ dùng các chiến hạm di tản dân trị nạn trốn chạy cộng sản Bắc Việt vào miền Nam Việt Nam.

Hiệp định Genève 1954 chấm dứt sự chiếm đóng của Pháp tại Việt Nam đồng thời cắt đôi lãnh thổ bằng vĩ tuyến 17 đã lôi kéo theo hàng triệu người tỵ nạn cộng sản mà đội Đặc Nhiệm Hải quân Mỹ 90 phải đảm trách hoàn tất trong vòng không đầy một năm. Đó quả là một công trình phi thường, chưa kể những khó khăn như mưa lũ gió to hoặc thời tiết nóng điên người. Số dân tị nạn trong các trại tạm trú của Dooley ở Hải Phòng ngày càng gia tăng vượt quá khả năng của Đội Đặc Nhiệm, vừa phải lo chỗ ăn ở, xịt thuốc DDT trừ chấy rận cho họ, cả khám và điều trị đủ các loại bệnh truyền nhiệm.

Cuốn sách của Dooley đối với đa số người đọc có ý nghĩa xa hơn chuyện kể một chiến dịch: nó còn phản ảnh xúc đông cùng mối quan tâm tới lý tưởng và tình nhân loại của cuộc chiến tranh lạnh. Dooley đã viết: “Hầu hết dân chúng ở Việt Nam đều mơ ước và phấn đấu cho tự do, họ là những nông dân còng lưng cúi mặt trên đồng ruộng bùn lầy lao động nhọc nhằn, là những đứa trẻ trần trụi nô đùa, là những người bán hàng rong cây trái trên những sông rạch và người tàn tật cụt tay quờ quạng. Nói chung họ chỉ có một giấc mơ: “Tự Do”. Bỉnh bút của tờ New Yorker nhận xét những trang sách đó không chỉ là tài liệu mà cả đầy tính thơ nữa. Và để đáp ứng lời kêu gọi của Dooley, độc giả Mỹ bắt đầu quyên góp cho chiến dịch cứu trợ Việt Nam. Dooley viết: “Với phương tiện nhỏ nhoi của tôi ở Đông Dương tuy cũng giúp ích nhưng chẳng thể đủ để chinh phục nhân tâm. Tất cả kêu gọi với ngụ ý gói ghém trong mấy chữ Viện Trợ Mỹ. Dooley tiếp, tôi tin rằng về đường trường một sự giúp đỡ vô vị lợi như vậy là yếu tố quyết định thắng lợi cho những điều thiêng liên cao cả mà chúng ta vẫn quyết tâm bảo vệ”.

Nhưng thực chất lời kêu gọi trợ giúp khẩn cấp của Dooley đã được tính toán với kế hoạch thổi phồng mặc dầu thành thật trong ý muốn giúp đỡ người Việt và chế ngự Cộng sản, cuộc vận đông của Dooley chỉ là một phần trong toàn kế hoạch bí mật của CIA trong chiến dịch tuyên truyền sai lạc về Đông Dương. Về kết quả tuyên truyền này, xét cho cùng là để đi tới sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam. Dooley dáng người cao gầy, hao hao giống Gary Cooper và thích cương điệu. Anh thích mẫu tự A là đầu tiên đệm cho chữ Auheuser, và anh thuộc một gia đình giòng dõi. Nhưng thực sự A là chữ đầu của tên Anthony, và cha anh vốn là thợ đúc hỏa xa, nghiện rượu nặng, nhưng vẫn hy vọng sự trùng tên này giúp ông trở thành võ sĩ nhà nghề. Dooley với cá tính thích nổi bật và yêu đời, khi chọn học y khoa anh đã làm sững sờ cả bạn hữu và gia đình. Vốn là người công giáo, anh có thể chọn hướng nghề nghiệp như giải thoát cho tính buông thả và các tật khác không thích hợp với kỷ luật nhà thờ. Dooley sắc sảo nhưng lại vô kỷ luật, theo học trường Notre Dame nhưng lại chẳng tốt nghiệp, được nhận vào trường y khoa St. Louis nhờ một chổ bị bỏ trống, và đứng chót trong lớp. Dooley có thể đã bị đuổi ra khỏi trường y khoa nếu không có ông khoa trưởng là bạn cũ của gia đình làm áp lực nhà trường cho Dooley được ở lại. Khoa trưởng Casberg kể lại: “Dooley đã không thích hợp với đời sống nghiêm túc của Đại học, tôi bảo nếu anh ta biết dồn hết năng lực anh có thể làm tốt được mọi chuyện”. Từ trường Y khoa, Dooley gia nhập Hải quân, sau một năm ở trại Pendleton, anh được gửi qua Nhật. Khi Chiến Dịch Hành Trình Tới Tự Do cần tuyển một bác sĩ có khả năng nói tiếng Pháp, Dooley được chuyển qua Đội Đặc Nhiệm 90. Khi Dooley tới Hải Phòng thì mỗi ngày có hàng ngàn người tị nạn được đưa xuống tàu vượt 1.500 cây số đường biển để vào Nam. Dooley dấn thân vào công tác cứu trợ với tất cả nhiệt tình và sự quyết tâm khiến anh được hài hước mệnh danh, nhưng không phải thiếu kinh trọng là “Vị bác sĩ thắng trận chiến tranh Đông Dương”.

Dooley đã hai lần được gắn huân chương trước khi rời Việt Nam một lần được Tổng thống Ngô Đình Diệm tặng huy chương cao quý nhất của miền Nam Việt Nam cấp cho người ngoại quốc, và Dooley cũng là sĩ quan Hải quân trẻ nhất được thưởng Huân công bội tinh của Hải quân Mỹ, thứ huy chương cao nhất được cấp trong thời bình.

Dooley có cách thế riêng để tự làm nổi bật mình. Bình thường các bản báo cáo sinh hoạt hàng ngày lẽ ra được biết băng ngôn ngữ đơn giản và trực tiếp, nhưng Dooley lại sử dụng thể văn hùng biện. Ban Tham mưu biết được tác dụng gây phấn chấn của những bức thư đầy nhiệt tình yêu nước như vậy, nên đã cho phổ biến rộng rãi tới mọi người, từ Phó Đề Đốc tới mỗi thủy thủ đều được nhận đọc.

William Lederer là đồng tác giả với Eugene Burdick trong cuốn sách “Người Mỹ xấu xí”, là một trong số những người xúc động về những bức thư của Dooley. Lúc đó Lederer là tùy viên báo chí của Đô Đốc Hải Quân, thấy được tiềm năng khích động quần chúng của Dooley trên một bình diện rộng rãi hơn: ai mà không xúc động với câu chuyện một bác sĩ Mỹ trẻ chống cộng bằng thuốc trụ sinh Penicilin hoặc giải giới Việt Cộng bằng nụ cười hiền hòa của mình? Lederer đã đề nghị Dooley viết thành một cuốn sách. Một cuốn sách như vậy sẽ giúp Hải quân Mỹ thực hiện thành công chiến dịch Hành Trình Tới Tự Do. Bề ngoài chiến dịch chỉ có một mục tiêu đơn giản – vận chuyển hàng trăm ngàn dân tị nạn vào Nam và đồng thời không để Cộng sản chiếm hữu được số vũ khí của quân đội Pháp bỏ lại.

Nhưng thực sự quan trọng hơn thế nữa là mục tiêu mật: làm sao tạo chính nghĩa cho Diệmchính thể miền Nam. Bởi xuất thân là công giáo, như người Pháp, ba năm sống ở Mỹ trở về Việt Nam, ông Diệm rất dễ bị nghi ngờ là tay sai của Hồng Y Spellman, của Pháp và cả bộ ngoại giao Mỹ. Một chiến dịch bao gồm hai chủ đích để làm nổi bật vai trò của Diệm.

Trước hết đó là cuộc chiến tranh tâm lý do Lansdale trùm CIA tổ chức nhằm gây khiếp sợ cho giới công giáo miền Bắc phải tháo chạy vào Nam. Giai đoạn này bao gồm cả chiến thuật giả oanh kích đổ vây cho Việt Cộng và cả tung truyền đơn báo hiệu người công giáo sẽ bị Việt Cộng tra tấn thủ tiêu, điều ấy có nghĩa là dồn vào miền Nam những người sẽ bỏ phiếuủng hộ chính quyền Diệm.

Giai đoạn hai bao gồm cả một chiến dịch báo chí quốc tế đề cập tới cuộc tản cư của những người dân tị nạn này. Dĩ nhiên với bề ngoài là người dân công giáo tự động rời bỏ miền Bắc khi cộng sản tới. Hoàn toàn không ai biết là cuộc tị nạn này được kích động bởi cơ quan tình báo Mỹ. Do đó báo chí đã được khuyến khích mô tả Saigon như một Ellis Island, hòn đảo hy vọng của Đông Phương và Diệm như một nguồn hy vọng lớn nhất và sau cùng cho chính tình Đông Dương.

Kết hợp chiến tranh tâm lý và báo chí tuyên truyền về chiến dịch di tản hàng triệu người tị nạn do Mỹ tài giúp đã đem lại sự hậu thuẩn từ bên trong cũng như bên ngoài cho Diệm một lãnh tụ thiểu số còn yếu ớt không có hy vọng đứng vững. Nhưng bị lôi cuốn bởi cuộc chiến tranh giành độc lập của Algiers, báo chí đã không quan tâm tới toàn thể chiến dịch này.

Bộ Tư Lệnh Hải Quân thấy trước Dooley sẽ như cục nam châm đối với truyền thông, Anh ta không những đẹp trai và hùng biện mà còn rất tự tin về khả năng chế ngự cộng sản Á Châu bằng phô trương những tiện nghi của lối sống Mỹ mà anh ta rất có tài ảnh hưởng và thuyết phục. Bộ Hải quân đã cấp phép cho anh nghỉ một thời gian để viết một cuốn sách. Dooley vốn là tay mơ mộng và tham vọng, thấy được rằng kết quả chiến dịch quảng cáo này có thể đưa đẩy anh ta tới chức vụ Y sĩ trưởng quân y Hải quân. Khi sửa soạn cho chính thức ấn hành cuốn sách, Bộ chỉ huy đã không được chuẩn bị để đương đầu với sự phát hiện Dooley là đống tính luyến ái. Sự phát hiện kéo dài theo đe dọa trừng phạt đã làm rung động các nhà chính trị đang âm mưu hoạch định tham chiến của Mỹ ở Việt Nam. Dooley đã được tạo dựng nên như một vị anh hùng, nhưng đồng thời cũng là sự phỉnh gạt lớn đối với nước Mỹ.

Ngay từ khởi đầu, chính tham vọng đã biến Dooley thành thứ công cụ thích làm vui lòng người khác. Trong khi anh ta đang sắp xếp ghi chú những chi tiết về chiến dịch “Giải thoát chúng tôi khỏi địa ngục”, Dooley đã được khuyến khích nhắc nhở trong suốt tiến trình hình thành cuốn sách là làm sao biến câu chuyện trở thành bi thương hơn, và đó cũng là điều anh ta rất thú vị để làm. Dooley thường xuyên gặp Lederer và nhiều lần gặp Hồng Y Spellman trong thời gian hình thành cuốn sách để nhận thêm điều chỉ giáo. Điều mà cấp trên khiến Dooley thực hiện là một câu chuyện thật sống động khiến không một người dân Mỹ nào có thể làm ngơ đến những điều đang tạo nên cơn khủng hoảng ở Việt Nam. Khi duyệt qua bản sơ thảo cuốn sách, chủ biên nhà xuất bản cũng có cùng gợi ý yêu cầu như vậy “là phải tạo một hình ảnh bi thươngxúc động hơn về người bác sĩ trẻ bổng chốt phải đương đầu với một nhiệm vụ khổng lồ-với hàng chục ngàn người bệnh cùng với công việc tổ chức hành chánh trong những điều kiện vật chất thiếu thốn khó khăn tới nản lòng….”Kết quả cuốn sách Dooley được xếp hạng trong danh sách những sách bán chạy nhất, đưa một Việt Nam từ xa lạ trở thành mối thao thức của lương tâm người dân Mỹ - và đồng thời biến Tom Dooley trở thành một anh hùng. Cuốn sách có những đoạn mô tả làm thế nào chữa trị những đứa trẻ với đôi bàn chân bị nghiền nát trong những bao bố đá, hay cứu chữa cho vị linh mục bị đóng đinh quanh sọ như một mô phỏng diễu cợt về thiên triều gai của Chúa Giêsu, những hình ảnh tàn bạo đến rúng động này được đưa vào các bài điểm sách đi sâu vào trái tim người đọc. Dooley viết: “ Những sự tàn bạo này hầu như luôn có mang ý nghĩa tôn giáo. Bây giờ tôi không còn xa lạ với công việc khâu víu cho những người đàn ông bị hoạn thiến, những người đàn bà bị xẻo vú hay những đứa trẻ nhỏ bị cắt hết ngón tay hay cả bàn tay. Và dần dà tôi hiểu được rằng những trừng phạt như vậy đều có liên hệ tới đức tin của họ nơi Thiên Chúa”.

Trong một đoạn văn khác, Dooley đã mô tả một linh mục bị treo ngược chân lên xà nhà, bị đánh đập và tra tấn theo lệnh cộng sản ngừng buổi thánh lể nửa đêm. Khi Dooley gặp vi linh mục, ông ta “đang nằm trên một chỏng tre, trông như thoi thóp hấp hối nhưng đôi môi vẫn mấp máy cầu nguyện im lặng. Khi vừa giở tấm đắp bẩn thỉu, tôi phải chứng kiến một thân thể thịt da bầm nát từ vai xuống đầu gối, với bụng thì trương cứng và hạ bộ thì sưng phồng như một trái banh. Tôi chích cho ông một mủi morphin và rồi cấm một mũi kim lớn vào hạ bộ nhằm rút bớt phần nước máu”.

Dooley đã cung cấp một danh sách những chuyện kinh hoàng đổ tội cho cộng sản ấy không hề được đề cập trong thư từ liên lạc chính thức và riêng tư đó của Dooley. Cũng không tìm thấy những chi tiết như vậy trong các bút tích của Dooley cũng như của các cấp chỉ huy Hải quân trong suốt chiến dịch.

Trong nhiều bức thư gửi đi từ Hải Phòng, mô tả tình trạng ảm đạm như là hậu quả của cuộc chiến tranh kéo dài như sự bẩn thỉu mất vệ sinh, bệnh tật và các loại vết thương do chiến tranh, nhưng không hề nói tới những chuyện kinh hoàng như vậy. Và cũng theo Lederer, hiện còn sống ở Peacham, tiểu bang Vermont thì những chuyện kinh hoàng được mô tả trong cuốn sách ấy hoặc chưa bao giờ xẩy ra hoặc có thể do lính viễn chinh Pháp phạm phải. Tôi đã từng đi khắp xứ và chưa bao giờ chứng kiến những chuyện như vậy. Và tôi cũng không được nghe Dooley kể những chuyện như vậy cho đến khi cuốn sách được phát hành.

Norman Baker ở Santa Fe Spring, đã từng là thủy thủ dưới quyền Dooley khi còn ở Hải Phòngcũng đã phát biểu “ Nếu tôi thấy một linh mục bị treo ngược chân và bị đóng đinh trên đầu, thì tôi chắc cả trại đều được nghe qua. Điều lạ là Dooley không hề nói tới những chuyện ấy”.

Có lẻ điều dễ hiểu nhất là cách Dooley phóng đại vai trò quan trọng của mình trong công tác cứu trợ - tới mức khi cuốn sách phát hành, anh được mọi người biết đến như là “Một bác sĩ Mỹ - Dr. America” . Theo Lederer thì thực sự Dooley cũng có làm một số điều tốt, nhưng anh ta chỉ là một trong số nhiều người khác. Và điều này làm cho một số người nổi giận. Có lần Ann Miller thuộc Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, nguyên là một trong số 50 nhân viên dân sự, đã gửi thư tới nhà xuất bản Farrar Strauss Cuhady, để phản đối những tường thuật quá đáng về vai trò của mình trong trại tị nạn bằng công lao của những người khác, nhiều người đã làm việc như anh ta nếu không muốn nói là cực nhọc hơn”

Dooley còn tạo ra cảm quan rằng đa số người Việt là công giáo như đa số người tị nạn nhưng thực tế chỉ có khoảng 10%* (?). Dooley viết: “Người lớn với trẻ con nai trên lưng, và cả những đưa trẻ lớn hơn bồng trên tay những em bé khác, gồng gánh trên vai họ là những thúng mủng với các vật dụng nghèo nàn gồm áo quần chén bát và đồ linh tinh khác nhưng không bao giờ thiếu cây thánh giá”

Lý do bóp méo đó thật hiển nhiên. Khó mà quy tụ được sự ủng hộ cho ông Diệm trong một xứ sở có tới 90% dân chúng khác với ông ta, coi ông như chứng tích của chế độ thuộc địa Pháp. Khi viết về nổi sợ hãi của người công giáo sợ bị hành quyết trả thù như là một thảm họa chung cho mọi người Việt, Dooley đã khiến toàn thể dân Mỹ phải tích cực quan tâm đến số phận của xứ sở này. Ký giả Robert Sheer trong bài nhận định 10 năm sau, rằng “Công trình hoàn tất lớn nhất của Tom Dooley …đã thuyết phục được quần chúng Mỹ là Hoa Kỳ phải yểm trợ dân chúng Việt Nam bảo vệ tự do, của họ với Chúa và ông Diệm

Những phản đối về sự chân thực của cuốn sách đều bị bỏ qua, Robert Giroux, chủ biên nhà xuất bản sách không nhất thiết phải nói thật, “nhưng mang đặc tính căn bản của sự thật”. Và Giroux đưa ra nhận định là trong không khí chiến tranh như hiện tại, thì như vậy là đủ tốt”

Hải Quân Mỹ thì nhiệt tình hậu thuẩn cuốn sách-Đô Đốc Arleig A. Burker, chỉ huy chiến dịch đã viết tựa cuốn sách. Mọi nghi ngờ về tính xác thực của cuốn sách nếu có trong giới Hải quân thì cũng được ém nhẹm đi. Và ngay khi ra mắt, cuốn sách trở thành bán chạy nhất.

Sau cuốn sách, khi Dooley hết phép trở về, thay vì trở lại nhiệm sở cũ, anh ta chỉ được giao cho một công việc bàn giấy ở Bệnh viện Hải quân ở Betheda.. Khá thất vọng, Dooley tình nguyện đi một vòng thuyết trình để quảng cáo cho chiến dịch Hành Trình Tới Tự Do được hoàn tất. Và khi chuyến du thuyết bất thần bị hủy bỏ ở Seatle sau ba tháng, Dooley hiểu tại sao Bộ Hải Quân không gửi anh trở lại nhiệm sở cũ bởi vì họ phát hiện được anh là người đồng tính luyến ái.

Trong suốt chuyến đi, các thám tử của Tình báo Hải quân đã theo dõi sát Dooley, với tường trình dài hơn 700 trang: bao gồm hàng trăm giờ nghe lén trong các phòng khách sạn, tiệm rượu, đến ngồi ngay sát một thanh niên mặc thường phục, và chỉ điểm viên tường trình đoạn nghe lé như sau: “Đương sự và người thanh niên rời quán rượu và đi lên buồng khách sạn”. nếu các tay điều tra Hải quân chỉ muốn chứng minh Dooley là người đồng tính luyến ái thì điều mà họ gây ra quả là một sự ra tay quá đáng. Họ muốn chứng minh hành vi của Dooley làm hại tới Hải quân. Bằng chứng đó cũng có nghĩa Dooley không còn thích hợp cho quân ngũ ( vai trò và đặc nhiệm của Dooley đã xong, NDVN). Một sĩ quan trẻ tuổi nhất được tưởng thưởng quân công bội tinh mà lại bị sa thải trong điều kiện mất danh dự, kèm theo sự dè bỉu của dư luận quần chúng? Theo thủ tục thông thường Bô Hải quân sa thải những người đồng tính luyến ái bằng một cách thế làm mất thể diện, lột lon họ trước hội đồng sĩ quan và quân nhân…Nhưng Bộ Hải quân đã không thể sa thải Dooley bằng một cách thế như vậy. Hơn thế nữa, họ cũng không thể đẩy Dooley ra đi. Gắn huân chương rồi nhiệt tình ủng hộ cuốn sách, mọi chuyện sẽ trở thành vô nghĩa nếu bí mật của người bác sĩ bị tiết lộ. Do đó, Dooley và các sĩ quan đặc trách sa thải anh cũng đồng lõa cho một “âm mưu làm như không biết”. Dooley sẽ tuyên bố rời khỏi Hải quân để phục vụ dân chúng Việt Nam theo cách thể của anh ta.

Trong một thư viết để an ủi ba mẹ, Dooley viết: “Bộ Tham mưu bảo bây giờ ra khỏi Hải quân con có vẻ Hải quân hơn khi thực sự ở trong đó”. Dooley cũng không muốn mẹ thực sự hiểu cái ý nghĩa cái ý nghĩa đằng sau câu nói ấy. Bây giờ thì Bộ Hải quân có thể hại Dooley. Cuộc điều tra đã phá vỡ tham vọng trở thành y sĩ trưởng Hải quân của anh. Chỉ cần một chút sơ hở thận trọng là có thể tan vỡ mọi giấc mộng. Dầu sao Hải quân cũng không có ý muốn tách Dooley hoàn toàn ra khỏi mình.

Tác giả cuốn sách bán chạy nhất ấy vẫn luôn luôn có mặt trước quần chúng, nhà xuất bản đã tổ chức chuyến du hành quảng cáo cho Dooley và đi đến đâu anh cũng thu hút quần chúng ái mộ. Dooley đặc biệt quan tâm tới giới chức có tiền và thế lực có thể giúp anh ta trở lại Việt Nam. Theo Ted Werner, vừa là bạn cũ vừa là phi công trong một thời gian ngắn cho Dooley ở Lào, thì mặc dầu nổi tiếng và rất được quần chúng hâm mộ, anh ta vẫn sống trong cái cảm giác bi lăng nhục khi bị đuổi ra khỏi Hải quân. Vốn đã quen được ca ngợi và xưng tụng, bây giờ anh cảm thấy bị hắt hủi và phản bội. Vẫn theo Werner, “Dân chúng Việt Nam yêu mến Dooley, do đó anh ta muốn được trở lại nơi anh được kính trọng và ái mộ”.

Vào giai đoạn đầu của chuyến du hành quảng cáo, tại một khách sạn ở Washington, Dooley thuyết trình trước nhóm vận động Những Người Mỹ Bạn của Việt Nam, anh đã gặp Leo Cherne và Angier Biddle Duke là hai người có thể giúp anh trở lại Việt Nam.

Cherne vốn là thành viên lâu năm trong ban cố vấn tình báo của Tổng Thống và đồng thời cũng là Chủ tịch Ủy Ban Cứu Trợ Quốc tế, một tổ chức nhằm giúp người tị nạn chính trị trốn thoát khỏi sự tra tấn trả thù. Ông Ngô Đình Diệm ở trong số những người được giúp lánh nạn với sự che chở của Hồng Y Spellman, sau đó lại tổ chức cho ông ta (Diệm) trở lại Saigòn như một cố vấn “không chính thức”. Biddle Duke cũng là Chủ tịch của Ủy Ban Cứu Trợ Quốc Tế đồng quan điểm với Cherne cho rằng Dooley có thể là công cụ đáng kể cho chiến dịch vận động hỗ trợ cho ông Diệm.

Dooley thì nghĩ rằng với sự nổi tiếng và được quần chúng biết tới như vậy có thể giải thoát anh khỏi những hệ lụy với bên Hải quân. Nhưng anh đã lầm. Cả Cherne và Biddle Duke đều biết qua về tường trình mật của tình báo Hải quân; điều này khiến họ khá bối rối. Biết rõ Dooley vốn khinh xuất, nếu thả lỏng anh ta tự hành động có thể đi xa khỏi mục tiêu và gây nguy hại cho chiến dịch. Hai người đã yêu cầu Gilbert Jonas, vốn là một chuyên viên quảng cáo đồng thời cũng là Tổng thư ký Hội Những Người Mỹ Bạn của Việt Nam, theo sát Dooley cập nhật hóa các mục tiêu ngoại giao và cản bớt tính kênh kiệu. Jonas kể lại rằng Dooley tỏ ra nhanh nhẹ nhưng bướng bỉnh. “Anh ta cho rằng mục tiêu và phương án của chiến dịch quá phức tạp. Doolry thực sự tin rằng có thể chiến thắng cộng sản một cách giản dị bằng cách cung cấp cho dân chúng thực phẩm, nhà cửa và thuốc men”.

Dooley phát biểu: ‘Nếu nước Mỹ không quan tâm tới nhu cầu vật chất của dân Á Châu mà chỉ nói chuyện đạo suông, chúng ta đã giúp cộng sản xác minh tôn giáo của chúng ta là một thứ thuốc phiện đối với dân chúng và thứ bánh vẽ trên thiên đàng”. Và Dooley đang muốn trở lại Nam Việt Nam để chứng minh lý thuyết của mình và đồng thời phô trương với bên Hải quân. Nhưng Ủy Ban Cứu Trợ Quốc Tế lại có ý nghĩ khác, Dooley sẽ chẳng tiến hành được gì nếu không được tổ chức này yểm trợ.

Trong bữa dạ tiệc khỏan đãi Dooley, anh ta được thông báo về Chiến Dịch Huynh Đệ, đó là phái đoàn y tế Phi Luật Tân do CIA huấn luyện và tổ chức nhằm yểm trợ nhu cầu y tế cho Việt Nam.

Đồng thời Dooley được giới thiệu với đại sứ Lào Suovanavong và được mời sang mở một bệnh xá ở gần thủ đô Vạn Tượng. Lúc đó cộng sản Pathet Lào đang phát triển, hiệp định Genève cấm chỉ quân đội ngoại quốc hiện diện, trong khi Pathet Lào tuyên truyền chính quyền Vạn Tượng là tay sai bù nhìn của đế quốc Mỹ. Do đó chính phủ Vạn Tượng muốn tao hình ảnh chứng minh thiện chí của Hoa Kỳ.

Sự “gợi ý” để Dooley sang Lào trong bữa tiệc gần như có tính cách áp đặt bởi các tay bảo trơ. Và Dooley đã không ở một vị trí có thể thách đố và chối từ. Nhu cầu hợp tác với Ủy Ban Cứu Trợ và đồng thời cũng là nhu cầu giải tỏa nổi hỗ thẹn bị giải ngũ trong điều kiện mất danh dự đã ràng buộc Dooley với những người có quyền lực tạo dựng hoặc hủy diệt anh ta. Lansdale, trùm “tâm lý chiến” của CIA tại Việt Nam là một trong số những tay quyền lực này Lansdale biết rõ tình trạng sa thải và ước muốn của Dooley muốn trở lại Đông Dương. Ông ta cũng đã chứng kiến Dooley những ngày làm việc ở cảng Hải Phòng , biết cả năng lực và tính hài hước của anh ta có thể là “tác nhân ảnh hưởng” rất hữu hiệu cho chiến dịch tuyên truyền. Lansdale tin rằng Dooley sẽ rất hữu ích ở Lào, nên chính ông ta đã bắn tiếng qua Ủy Ban Cứu Trợ để sau đó Bộ trưởng Y Tế Lào ngỏ lời yêu cầu.

“Nhiệm vụ độc lập” của Dooley tại Lào sự thực lệ thuộc vào CIA và cả bên Hải quân. Dooley được coi là quá hớ hênh để được giao phó nhiệm vụ quan trọng về tình báo, nhưng vốn là tay chống cộng hùng biện dấn thân vào các công tác xã hội, nên cũng được kể là đi đúng đường hướng. Dooley sẽ hữu ích như một phát ngôn viên, một biễu tượng và ở mức độ nào đó có thể là một điệp viên và là tay giao liên. Ủy Ban Cứu Trợ yêu cầu Dooley hằng tuần phát hành “Những bức thư từ Lào quốc”, và cả bên Hải quân cũng muốn có những bản”tường trình” từng kỳ.

CIA còn muốn Dooley thi hành một nhiệm vụ khác nữa đó là ngoài tiếp liệu y tế và thuốc men, anh còn phải nhận vũ khí để chôn dấu, tự hậu có thể dùng cho các lực lương quân sự đia phương. Bề ngoài bệnh xá của Dooley được quảng cáo như một tiền đồn của hòa bình nhưng toàn thể bên trong là chuẩn bị cho chiến tranh, với tuyển mộ thanh lọc thanh niên Lào cho lực lượng quân sự. Bệnh xá Dooley được coi như nổ lực động viên rất sớm ở một vùng được coi như là trung lập ở Đông Dương.

Dự án bệnh xá của Dooley ở Vạn Tượng chỉ là sự trá hình. Các nhân viên phụ tá của Dooley không được huấn luyệnthiếu khả năng cần thiết để duy trì sinh hoạt của một bệnh xá. Dược phòng thì bao gồm những thuốc men quá hạn do hảng thuốc Pfizer cho không vì không còn được phép bán ở Mỹ. Trong khi đó thì các bài tường thuật trên các báo Life, Look, Newsweek và Times ca ngợi đây như là một khuôn mẫu lý tưởng điển hình với những hàng tít rất kêu như “Một người Mỹ chói sáng”, “Bác sĩ Schweitzer của Á Châu” (Theo Ann Miller thì Schweitzer không thấy được khen tặng gì hơn qua sự so sánh này. Ông coi Dooley như một tay háo danh và là một thứ lang băm).

Dennis Sheepard là nhân viên chí nguyện từng làm việc nhiều tháng với Dooley ở Lào kể lại rằng mỗi khi có phái đoàn tới thăm, Dooley đã cho tật trung lại để gây ấn tượng hoạt động nhộn nhịp cho bệnh xá. Thực tế Dooley chỉ có một vài người bệnh và cả bệnh xá hầu như trống rỗng. Cũng theo Sheepard và nhiều người khác kể lại thì các nhân viên CIA thường lui tới để xem Dooley có phát hiện được sư di chuyển nào của Trung Cộng trên đất Lào, và họ cũng muốn bảo đảm là các vũ khí gửi tới cùng với thuốc men đã được che dấu cẩn thận. Dooley muốn thổi phồng vai trò quan trọng của mình nên có thể đưa ra cả tin tức phỉnh gạt. Đoạn phim mô tả chuyến di chuyển của Dooley tới Nam Tha trên một chiếc thuyền chở đầy súng ống với các cận vệ, nhằm võ trang cho các đơn vị quân sự Lào.

Theo Ted Werner, Dooley đã phóng đại một cách quá đáng vai trò hữu ích của anh đối với CIA. “Có dấu hiệu CIA cũng không tin cậy ở Dooley, họ yêu cầu tôi tường trình về một số vấn đề khi tôi tới viếng thăm Dooley”. Các vũ khí che dấu đã biến bệnh xá thành một tiền đồn quân sự trái ngược hẳn mục tiêu rêu rao.

Trong khi đó bệnh xá của Dooley vẫn được quảng cáo một cách ngoạn mục ở Mỹ như trong bài tường thuật của báo New York Daily News: “Tôi đã đi nữa vòng trái đất để tường trình một trong những câu chuyện bi tráng nhất của nền y khoa hiện đại. Một cuộc hành trình khó có thể tưởng tượng được trên đất Lào tới một vùng còn sơ khai chỉ cách biên giới Trung Cộng có năm dặm, nơi bác sĩ Dooley điều hành một bệnh viện tại Nam Tha.”

Đã từ lâu, Dooley trở thành quen thuộc với các buổi phát thanh và truyền hình, kể cả những chương trình rất được ưa chuộng của Godfrey và Jack Paar. Anh cũng có cả một chương trình phát thanh riêng tại St. Louis trên đài KMOX, tường trình hàng tuần từ Lào. Nhưng cũng theo Werner có mặt trong nhiều buổi thu âm. Dooley thường mở máy ghi âm ở những lúc được coi như thực sống động trong sinh hoạt của bệnh viện, trong khi đó thì Werner và những người khác tạo giả những âm thanh của rừng già. Dooley còn được là khách mời của chương trình “Đây là đời bạn”, mà một lần nữa thính giả đã bị phỉnh gạt. Lẽ ra chương trình được diễn ra cạm bẩy bất ngờ nhưng với Dooley thì anh ta được chỉ dẫn và biết trước. Khán giả chẳng thể ngờ là phản ứng của Dooley không phải là tự nhiên.

Tóm lại Dooley hiện diện ở mọi nơi và thường có mặt ở Mỹ nhiều hơn là với bệnh nhân của anh ở bệnh xá. Sau nổi tiếng của anh liên hệ chặt chẽ với truyền hình và giới tài tử điện ảnh. Tới Lào sau nhiều tháng Dooley nhận được thư mẹ cho biết ký giả Hedda Hopper ở Hollywood và một số khác đang bóng gió mỉa mai chuyện Dooley rời bỏ Hải quân và hỏi Dooley muốn bà làm gì để ngăn chận lời đồn đãi ấy, kể cả yêu cầu FBI điều tra và bắt giam kẻ đặt chuyện. Dooley gửi ngay điện tín cho mẹ đừng làm gì cả . Anh bảo; “Nếu làm vậy sẽ là một sai lầm nghiêm trọng”. Dĩ nhiên là như vậy và mẹ Dooley có thể sẽ biết rõ sự thật.

Tiếp theo điện tín, Dooley viết thư cho mẹ biết rằng anh đã biết mọi tin đồn đãi kể từ khi anh đột ngột rời khỏi Hải quân. Và người nào đã đọc sách và biết anh, không ai có thể tin được những điều vô nghĩa ấy, ám chỉ rằng Dooley đồng tính luyến ái không thể nào có mức độ hoạt động như anh. Đó là những hệ lụy của sự nổi tiếng. “Con có thể chịu đựng được, và cả mẹ cũng nên chuẩn bị vượt qua”

Sự thực các tin đồn này đã bị bóp chết từ trong trứng nước bởi những thế lực đã đầu tư tạo dựng nên huyền thoại Dooley. Hải quân lên tiếng phủ nhận, đông thời minh xác Dooley từ chức khỏi Hải quân chỉ để tiếp tục công tác nhân đạo của anh ở Đông Dương. Báo Life chạy ba trang lớn đầy những hình ảnh làm việc và sinh hoạt của bác sĩ Dooley. Các nhà thờ, trường học và các xí nghiệp đều quyên góp tiền gửi về cho Dooley. Báo Reader’s Digest thì đang tranh dành với các nhà xuất bản khác để được độc quyền phổ biến tác phảm sắp tới của Dooley.

Trong vòng một năm, Dooley đã đi khắp nước để vận động yểm trợ cho cơ quan MEDICO do anh sáng lập nhằm tạo mạng lưới các bệnh xá tại vùng thế giới kém mở mang. Dooley cũng có dự kiến tiến xa hơn lên vùng Bắc Lào, gần biên giới Trung Hoa để có thể hoạt động hữu hiệu nếu có tình huống xẩy ra.

Nhưng trên chặng đường Bắc tiến đó, Dooley dã bị nạn ngã đập vai và nổi bướu. Vài tuần sau, Dooley đã yêu cầu Van Valin đang là bác sĩ thường trú giải phẩu, cắt cục bướu. Valin vẫn thực hiện cuộc phẩu thuật cho dù rất e ngại phải mổ cho một bác sĩ nổi danh như Dooley, Valin kể lại “Tôi mổ với gây mê cục bộ, Dooley vẫn hoàn toàn tỉnh táo khi tôi lấy cục bướu khỏi ngực, lớn bằng trái banh và màu đen, Dooley biết đó là bướu ác tính, là ung thư”

Dooley đã lần lữa trở về Mỹ mổ triệt căn. Nhiều người giải thích sự chậm trể này là ý muốn được chết của Dooley. Về căn bản Dooley luôn luôn mâu thuẫn với các tổ chức và cá nhân hậu thuẫn anh ta, kể cả nhà thờ và chính phủ Mỹ. Anh biết rằng chỉ có thể tin cậy họ chừng nào anh ta còn tỏ ra có ích cho họ. Bác sĩ Vincent Fontana, nguyên giám đốc bệnh viện Foundlings kể lại bữa ăn tối với Dooley trong thời gian anh về trị bệnh ở New York. “Khi chúng tôi ngồi trong quán ăn, Dooley bảo chẳng ai ưa tôi cả” Fontana phản ứng ngạc nhiên “Anh nhận được bao nhiêu thư mỗi ngày từ khắp nơi trên thế giới, mọi người đều yêu mến anh”. Nhưng Dooley lắc đầu. Anh nghĩ rằng không ai có thể yêu mến anh bởi vì chẳng có ai hiểu được anh. Nếu họ hiểu được anh chắc họ cũng tởm anh nữa. Khác với những người đồng tính luyến ái khác, Dooley đã chẳng bao giờ có thể kết hợp khuynh hướng tình dục của mình vào trong cuộc sống nghề nghiệp. Anh mang mặc cảm bị miệt thị và tự cô lập mình.

Dooley dàn xếp để cuộc điều tra ung thư cuỷa mình trở thành biến cố thời sự. Anh đã mời hảng truyền hình CBS quay phim tường trình cuộc phẩu thuật tại trung tâm y khoa Sloan Kettering. Trên màn ảnh nhỏ trái ngược với vóc dáng bề thế của Howard Smith, nhân viên truyền hình CBS, Dooley trông gầy gò một cách thảm hại. Anh ta đồng ý cho truyền hình vụ mổ theo anh là để trấn an các bệnh nhân ung thư khác và đồng thời để vận động cho tổ chức MEDICO. Với nhan đề “Tiểu sử của một bệnh ung thư” được phát hình trên toàn quốc ngày 21 tháng 4, 1960 và được kết thúc bằng một chi tiết phấn khởi. Trên truyền hình bác sĩ điều trị cho Dooley bảo rằng anh có thể sống thêm nhiều năm nữa. Thực sự, chính Dooley hiểu rằng anh còn cùng lắm là một năm để sống.

Dooley lại nổi danh như cồn sau vụ truyền hình. Theo viện Gallup anh được xếp hạng ba sau Tổng thống Eisenhower và Giáo hoàng trong số 10 nhân vật được dân chúng Mỹ ái mộ nhất. Dooley đã nhận được hàng trăm ngàn Mỹ kim cho tổ chức MEDICO như một di sản của anh về sau này. Vào tháng Chạp năm 1961, cũng là sinh nhật ngày thứ 34, Dooley suy mòn đến kiệt quệ, anh phải trở lại trung tâm Sloan Kettering. Theo Fontana cũng là bác sĩ riêng của Hồng Y Spellman thì chính Hồng Y đã vào thăm Dooley cho dù cố vấn của ngài ngỏ ý tin đồn đãi về khuynh hướng tích cực của chính Hồng Y. Y sĩ trưởng Hogan của Hải quân cũng vào thăm Dooley, mang theo giấy tờ giải ngũ mới cho Dooley xác nhận anh từ nhiệm trong danh dự thay vì trong điều kiện “kém danh dự” như trước kia.

Ngày Dooley từ trần cũng là ngày bệnh xá của anh bị Pathet Lào tràn ngập. Hàng ngàn người tham dự đám táng của Dooley trong tuyết lạnh ở St. Louis. Tổng thống Kennedy ân thưởng cho anh huân chương Tự Do. Nhưng do mục tiêu chính trị của Mỹ ở Việt Nam và Lào lúc bấy giờ, thông điệp hòa bình của Dooley đã bị bỏ qua. Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho chiến tranh trong đó Dooley hoặc những người như anh đã làm nhiệm vụ dọn đường. Dooley đã phục vụ cho mục tiêu ấy, dân chúng Mỹ đã thật sự quan tâm tới phần của thế giới mà trước Dooley không được ai biết tới.

“Dooley là một anh hùng và cũng là điều rũi may cho đất nước Mỹ”, Ledererđã nhận xét. “Chính cái tôi khổng lồ, cái nhu cầu muốn được mọi người biết về anh ta, đã dẫn dắt chúng ta tới cái vùng đất rối bời ấy.”

Diana Shaw

Tâm Bình dịch

No comments:

Post a Comment