Hạnh phúc từ thương yêu, hạnh phúc không lấy từ vật chất…Làm sao để con người khi giải quyết vấn đề đều bắt đầu từ tình thương, sự hiểu biết...
Những ngày qua không chỉ có báo chí Mỹ mà báo chí của nhiều nước trên thế giới đã đưa tin, bày tỏ sự đau xót trước vụ thảm sát cùng một lúc chết 33 người (kể cả hung thủ). Lí do phẫn nộ và đáng kinh ngạc là vụ thảm sát diễn ra ngay trong trường học - một môi trường nhân văn, đào tạo con người và người thủ ác lại chính là sinh viên.
Một hành động đầy bạo động, và ở một khía cạnh tâm lí, y học cho rằng do bệnh lí tâm thần hoặc do chủ nghĩa vị kỉ, cá nhân! Tôi cũng đồng tình với quan điểm này, sinh viên 23 tuổi người Hàn Quốc Cho Seung Hui đã thể hiện sự bất bình trước thế giới mà anh ta đang sống một cách mù quáng, điên rồ và anh ta cảm thấy đau khổ, thất vọng. Sau đó, trong suy nghĩ Cho hình thành tính cách lầm lì, phản kháng, muốn tiêu diệt nó.
Lại một lần nữa dư luận lại đặt ra một câu hỏi rằng "Xã hội Mỹ nói riêng và xã hội ở những đất nước phát triển, giàu có như Âu châu liệu đã mang đến hạnh phúc cho con người?". Nếu vật chất, sự phồn hoa, hưởng thụ những khoái lạc mang lại hạnh phúc cho con người thì tại sao số người (đặc biệt là người trẻ) lại tự tử nhiều đến thế, tại sao họ lại luôn bạo động? Câu hỏi đặt ra và ngấp nghé một lời giải thích hùng hồn từ thực tế khách quan đang hiện hữu ở chính xã hội được đề cao tự do cá nhân, giàu có đó rằng: những giá trị vật chất chưa đủ mang đến cho con người hạnh phúc. Có thể sự tôn trọng giá trị vật chất đang làm cho con người trở nên ích kỷ hơn và đến một lúc họ trở nên ích kỷ tột độ và kết thúc là phản kháng theo cái kiểu "xã hội đen" mang màu sắc bạo lực, dã man như hành động của sinh viên Cho trong vụ thảm sát vừa rồi.
Vấn đề tiếp tục được đặt ra cho những nhà tâm lí, những nhà xã hội học, truyền thông, nhân học rằng "Đâu là gốc của hạnh phúc, đâu là đường hướng giáo dục, tuyên truyền để bồi dưỡng nhân cách cho con người?". Với tôi, gốc rễ sâu xa của hạnh phúc bắt đầu từ tâm hồn và lối sống của mỗi người. Chủ nghĩa cá nhân phải có nhưng không nên tôn sùng nó như một cách để tự khẳng định mình. Nếu anh biết yêu cộng đồng và những người xung quanh sau khi yêu bản thân mình thì hẳn nhiên anh sẽ không nỡ xuống tay phá hoại sự bình yên và kết cấu của xã hội anh đang sống. Nuôi dưỡng hạnh phúc ở trong chính mỗi con người chính là làm sao để họ cảm thấy thương yêu là hạnh phúc chứ không phải được cung phụng, được thụ hưởng, được thỏa mãn nhu cầu cá nhân.
Nhìn từ xã hội Mỹ, xã hội Âu châu mà tôi cảm thấy lo lo, bởi những người trẻ phương Đông trong đó có Việt Nam hình như đang học đòi lối sống ấy. Kiếm tiền, thụ hưởng và theo cá nhân chủ nghĩa, điều đó tôi không lên án hay phản bác đúng - sai, bởi cái gì cũng có hai mặt của nó. Tất cả những điều đó không có tội tình gì nếu chúng ta không lạm dụng và nâng nó lên mức chân lý cho sự phát triển và hạnh phúc.
Người ta vẫn chê người Việt Nam sao có vẻ thiếu tính cá nhân, quá thiên về lối sống cộng đồng, thiếu quyết đoán, "Hai Lúa" quá… Điều đó chúng ta thừa nhận, nhưng đừng lên án hoàn toàn khi trong lối sống như vậy chúng ta - những người Việt Nam đã ít có những bạo động, ít có những hành xử dã man, điên rồ.
Văn hóa phương Đông, văn hóa Việt từ xưa với Nhân, Lễ, Nghĩa…của Nho giáo, học làm một con người theo nghĩa người Quân tử nghe có vẻ cầu kỳ nhưng thật đáng học, đáng để suy nghĩ và vận dụng ngay trong thời buổi nhiễu nhương, coi trọng đồng tiền, hưởng thụ này. Rồi văn hóa Phật giáo với yếu chỉ "Từ bi", "Hỉ xả" đã giúp cho nhân cách con người được hoàn thiện, được nâng cao ở mức: Sống với nhau hãy đối đãi bằng lòng từ bi, thương yêu với mọi người, kể cả với những loài khác! Với lề lối và cách sống đó đã giúp cho bạo động không hề có trong lịch sử Phật giáo. Nên chăng, mỗi người cũng nên đặt vấn đề tìm kiếm hạnh phúc ở nội tâm của mỗi người thay vì cứ kêu gọi tìm kiếm hạnh phúc từ bên ngoài! Hạnh phúc từ thương yêu, hạnh phúc không lấy từ vật chất…
Với một góc nhìn xã hội học, phải chăng khi xã hội càng phát triển con người càng lao vào guồng máy của làm - làm - làm… và suốt ngày chỉ biết có hai chữ CÔNG VIỆC mà quên rằng "Gia đình là bến đỗ bình yên nhất". Những ông bố, bà mẹ bỏ bê con, chỉ biết công việc và tiền, thương con theo cách cung phụng nhiều vật chất cho con làm con trẻ thiếu tình thương - vốn là gốc rễ của hạnh phúc. Từ đó, cá nhân con trẻ thấy cô đơn và vẽ cho mình một thế giới khác, đầy những bạo lực, hưởng thụ vật chất. Điều đó đang có mầm mống ở xã hội VN, một mầm mống mà chúng ta đang mang từ những xã hội phát triển về.
Bạn nghĩ sao, nếu tôi khuyên bạn hãy bỏ qua một số cơ hội kiếm tiền để ăn một bữa cơm gia đình, để chia sẻ với người mình thương, để nghe tâm tư con trẻ…? Và tôi cho rằng gia đình thiếu sự quan tâm đến con trẻ cũng là một trong những nguyên nhân gây đổ vỡ nhân cách con người!
Tất nhiên, khi nói những điều này tôi không hề lên án chuyện kiếm tiền, phát triển sự nghiệp cá nhân bằng việc chăm chỉ với công việc. Nhưng bất cứ một sự chọn lựa và một cách hành xử nào đó cũng có hai mặt, chúng ta phải trả giá cho mặt nào đó mà mỗi người phải suy nghĩ lợi nào hơn, hại nào hơn để quyết định. Bạo lực là kết quả của sự bất bình trước xã hội mình đang sống, và bạo lực chắc chắn dẫn đến chết chóc, hận thù. Làm sao để con người khi giải quyết vấn đề đều bắt đầu từ tình thương, sự hiểu biết. Điều đó không nằm ở sự kêu gọi chung chung của tôi, hay một cá nhân nào đó mà ở sự chung tay của mọi người, của xã hội. Bài học ở xã hội Mỹ thiết nghĩ đang nóng bỏng ở xã hội Việt Nam, xin hãy chung tay làm một cái gì đó đi…
Kết thúc bài viết này, bạn nghĩ sao với thông tin này "Thêm một ngày đẫm máu tại Baghdad, Iraq khi bốn vụ đánh bom lớn cướp đi sinh mạng của ít nhất 160 người và làm hơn 200 người khác bị thương. Một vụ đánh bom khác tại thành phố Sard làm 30 người chết (Theo hãng AP)".
LƯU MẠNH KHÔI
No comments:
Post a Comment