Một trong những sự kiện thường được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử cuộc chiến 30 năm là cuộc di cư 1954-1955. Sự kiện này được nhắc đến như một bằng chứng về sự bất nhân của Cộng Sản. Nhưng nếu chúng ta dừng lại suy nghĩ một chút thì sẽ thấy nó rất vô lý.
Tại sao dân phải sợ Việt Minh mà bỏ chạy khi Việt Minh lúc đó cũng chính là dân? Không lẽ mình lại đi sợ chính mình? Việt Minh mà khủng bố dân thì có khác gì lấy dao tự đâm vào ngực mình tự sát?
Việt Minh mà không được dân ủng hộ thì lấy đâu ra mấy chục ngàn người bao vây đánh Pháp phải đầu hàng ở Điện Biên Phủ. Điều mà các phong trào chống Pháp trước đó có nằm mơ cũng không thấy được?
Chỉ có một loại người có thể sợ Việt Minh đến nỗi phải bỏ chạy. Đó là loại dân Việt theo Pháp chống lại Việt Minh trước đó. Đây gần như là khả năng duy nhất.
Tài liệu dưới đây đã cho biết khá rõ ràng về sự kiện này, qua đó chúng ta sẽ thấy ai đã làm cho người dân sợ mà bỏ chạy và những người bỏ chạy là loại người nào. Nên nhớ việc họ phải bỏ chạy khi Việt Minh thắng và việc Việt Minh có phải là ác độc hay không là hai chuyện hoàn toàn khác nhau!
Nên nhớ người Pháp đã cắm rễ ở VN cả thế kỷ, có rất nhiều người Việt làm việc cho Pháp chống lại dân tộc họ cả mấy đời. Đám người này thường hay thích chửi ngược lại người ta. Mình theo giặc giết người ta trước thì không sao. Khi thời thế đổi thay, người Việt sắp trở lại nắm quyền, thì tự mình sợ tội bỏ chạy rồi còn ngoái đầu lại chửi người ta ác!
Loại người thứ hai bỏ chạy là vì kết quả của chiến dịch tuyên truyền phá hoại của CIA Mỹ. Chiến dịch này có tên gọi là Đường Tới Tự Do (tạm dịch từ Passage To Freedom).
Theo tài liệu dưới đây, ông Diệm lúc đầu chỉ dự tính sẽ có khoảng mười ngàn người di cư, người Pháp dự tính con số đó là ba mươi ngàn, nhưng trung tá Edward Lansdale của CIA nhắm tới hai triệu người.
Người Mỹ cần thật nhiều người di cư vào Nam vì hai mục tiêu:
Thứ nhất:
Ông Ngô Đình Diệm cần một lực lượng ủng hộ càng mạnh trong dân càng tốt để có thể tồn tại. Ông Diệm là một cái cây được Mỹ bứng từ Mỹ về trồng ở Việt Nam nên cần có một loại đất thích hợp ở Việt Nam để bám rễ vào mà đứng vững.
Và loại đất thích hợp này chính là dân Công Giáo. Nhưng dân Công Giáo phần lớn lại sống ở miền Bắc, cho nên Mỹ đã quyết định (chứ không phải ông Diệm), cần có một cuộc di dân chiến lược.
Thứ hai:
Cuộc di dân chiến lược này cũng sẽ tạo một ảnh hưởng tuyên truyền trong quần chúng Mỹ và trên thế giới về sự ác độc của Việt Minh để vận động ủng hộ cho sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Dập tắt những tiếng nói chống đối can thiệp vào Việt Nam trong dư luận Mỹ. Đổi màu sắc của một cuộc can thiệp của đế quốc nhằm nắm đầu một nước nhược tiểu vừa thoát khỏi bàn tay thực dân trở thành một sự can thiệp nhân đạo cứu rỗi cho những người dân vô tội.
Tài liệu dưới đây nói đến hai nhân vật trong chiến dịnh truyên truyền và hoạt động phá hoại, tổ chức di dân thời đó.
Nhân vật thứ nhất là Tom Dooley, một Bác Sĩ của Hải Quân Mỹ, ông này nổi tiếng ở Mỹ vì cuốn sách bán chạy nhất: "Đem Chúng Tôi Thoát Khỏi Quỹ Dữ" (tạm dịch từ Deliver Us from Evil). Dooley làm việc trong những trại tị nạn thời đó và cuốn sách này được coi như là một tư liệu về tội ác của Việt Minh.
Dooley đã trở thành nổi tiếng như một anh hùng trong dư luận khi trở về Mỹ và xuất hiện trên radio và show truyền hình. Lúc đó ông ta đứng thứ hai trong ba người được ngưỡng mộ nhất ở nước Mỹ. Người thứ nhất là Giáo Hoàng John XXIII và người thứ ba là Tướng Douglas MacArthur, ông Tướng mà Nhật ký giấy đầu hàng sau Thế Chiến II, người cai quản nước Nhật từ 1945 - 1951, chỉ huy phe LHQ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên trong hai năm 1950 - 1951. Tom Dooley còn được đề cử phong thánh của đạo Công Giáo nhưng không được thông qua!
Nhân vật Tom Dooley này có vai trò phục vụ cho mục tiêu thứ hai của cuộc di dân như đã nói ở trên.
Nhân vật thứ hai là trung tá CIA Edward Lansdale, một nhà phù thủy trong ngành tâm lý chiến có rất nhiều kinh nghiệm ở Đông Nam Á, người đã dạy dỗ và huấn luyện ông Phạm Xuân Ẩn.
Lansdale chịu trách nhiệm tổ chức những chiến dịch tuyên truyền láo khoét và phá hoại, reo rắc sợ hãi trong dân chúng để họ phải lên tàu bỏ chạy vào Nam với số lượng thật lớn.
Ông này là người chỉ huy thực hiện mục tiêu thứ nhất đã nêu ở trên.
Những câu chuyện như "Chúa vào nam" , "Đức Mẹ Fatima vào nam" đều được nhắc đến trong tài liệu này và còn nhiều chi tiết quan trọng khác nữa.
Một điểm đáng chú ý là Dooley phục vụ cho mục tiêu tâm lý chiến của thầy phù thủy CIA Lansdale mà không hề hay biết. Dooley là một con bài có khả năng thích hợp và xuất hiện đúng lúc trong ván bài người tị nạn của Lansdale.
Trong thời Pháp thuộc phần lớn người Việt Nam là nông dân chất phác mù chữ, hơn nữa họ đang sống ngay trong thời loạn lạc đó thì họ có bị mắc bẫy những chương trình tâm lý chiến qui mô như vầy là chuyện bình thường.
Nhưng bây giờ câu chuyện đã qua hơn 50 năm. Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin, và chưa bao giờ nhân loại có thể đến gần với sư thật lịch sử như ngày nay. Trên 90% dân số VN biết đọc biết viết, 20 triệu người VN sử dụng internet, con số du học sinh chắc chắn là lớn chưa từng có trong lịch sử Việt Nam, nhưng nhiều người được học hành tử tế và tự cho mình là trí thức vẫn còn mù tịt về những sự kiện lịch sử quan trọng này! Có những người cho rằng ở trong nước bị bưng bít thông tin, nhưng khi có điều kiện ra ngoài, họ vẫn dốt như thường!
Không thích tìm hiểu lịch sử cũng không sao nhưng điều kỳ lạ là họ thiếu kiến thức lịch sử trầm trọng mà lại thích phán xét!
-----------------------------------------------------
Trích dịch:
Ý niệm cho rằng nước Mỹ là nước của Thượng Đế luôn như là một bàn tay đè nặng lên lịch sử Hoa Kỳ. Từ lúc khởi đầu, bàn tay này đã hiện hữu khi John Winthrop nói với tín đồ rằng Thượng Đế chấp thuận và tham gia trong hành trình của họ đến Châu Mỹ. Nó cũng được thấy vào năm 1961, trong diễn văn nhậm chức của Tổng Thống Kennedy, khi ông cam kết giúp đỡ những dân tộc đang khốn khổ trên thế giới, nhấn mạnh rằng niềm tin của chúng ta đến từ bàn tay của Thượng Đế, và trên trái đất này việc làm của Thượng Đế phải là do chúng ta đảm nhận.
JFK không phải là người đầu tiên nhìn vai trò của chúng ta ở Viêt Nam qua cặp mắt của một nhà truyền giáo. Một thập kỷ trước đó, Hoa Kỳ đã giúp lãnh tụ Việt Nam, Diệm, trở thành thủ tướng của Nam Việt Nam. Jean Baptiste Ngô Đình Diệm là một nhân vật được ưa thích bởi một số chính trị gia có ảnh hưởng của Mỹ (thí dụ như Thượng Nghị Sĩ John Kennedy) cũng như Nhà Thờ Công Giáo La Mã của Mỹ. Diệm chiếm lấy quyền lực năm 1954, năm mà Việt Nam được tạm thời chia đôi theo Hiệp Định Geneva. Hồ Chí Minh, lãnh tụ Cộng Sản của Bắc Việt, được ủng hộ của người dân nhiều hơn Diệm. Một khó khăn khác cho Diệm là ông ta là một người Công Giáo, nhưng lại muốn làm lãnh tụ trong một nước mà đại đa số theo Phật Giáo.
Hiệp Định Paris ấn định bầu cử để thống nhất đất nước vào năm 1956. Điều này tạo cho chế độ Diệm khó khăn. Nếu được tiến hành, phe Cộng Sản sẽ thắng (Tổng Thống Eisenhower ước tính Hồ Chí Minh sẽ thắng với 80% phiếu). Diệm it được biết đến và ủng hộ trong dân miền Nam, điều này có nghĩa là nếu bầu cử được tiến hành thì không thể nào ông ta có thể giữ được vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên, có một điều khoản trong hiệp định cho phép một giai đoạn 300 ngày để người dân được tự do di chuyển từ vùng này tới vùng khác. Điều này tạo cho Diệm và những người Mỹ ủng hộ ông ta một cơ hội.
Cộng Sản miền Bắc coi người Công Giáo Việt Nam là cộng tác viên của giặc. Họ tịch thu tài sản của nhà thờ và bắt giam giáo sĩ. Vì phần lớn những người Công Giáo này chiến đấu cùng với Pháp chống lại Việt Minh và lãnh đạo Công Giáo đã là thù địch với Hồ Chí Minh, nên việc di cư vào nam sống dưới một chế độ Công Giáo trị là một chuyện tốt đẹp hơn cho họ. Điều có lợi cho Nhà Thờ Công Giáo, chính quyền miền Nam, và bảo trợ của họ, người Mỹ, là đem được tối đa số người Công Giáo vào nam. Cố gắng để đem người tị nạn từ bắc vào nam (1954-1955) từ đó được đặt cho cái tên là Chiến Dịch Đường đến Tự Do. Tom Dooley đã xuất hiện trong bức tranh đó ở chỗ này.
Dooley được giáo dục tại một trường Công Giáo ở St. Louis. Ông ta tham gia trại hè hướng dẫn bởi tu sĩ Benedictine và, theo người viết tiểu sử của ông ta, tập trung sức lực nói chung vào đoàn thể Công Giáo ở St. Louis. Dooley vào Đại Học Norte Dame trong vài khóa, rồi vào khoa y Đại Học St. Louis. Ông ta lĩnh bằng y năm 1953 và được nhận vào Quân Y thuộc Hải Quân. Đại úy Dooley thử việc ở Trại Pendleton, California và vào 14/7/1954, được lệnh trình diện ở Tàu Mỹ Montague ở Philippines.
Theo hiệp định Geneva, người Pháp phải chịu trách nhiệm chính trong việc di chuyển người tị nạn, nhưng ông Diệm cho rằng người Pháp không đủ sức nên đã nhờ đại sứ Mỹ giúp đem những người Việt chống Cộng vào nam. Vào tháng 8/1954, Tàu Montague đến Vịnh Hạ Long, và bắt đầu công việc đưa người tị nạn đi Sài Gòn. Dooley, vì giỏi tiếng Pháp, đã làm công việc thông dịch khi chuyển người từ tàu Pháp sang tàu Mỹ. Vào tháng 9, Dooley được phái lên bờ để thành lập một trạm y tế ở Hải Phòng và giúp đỡ người Pháp và Việt.
Và Dooley đã viết về những trải nghiệm của mình. Ông ta có năng khiếu viết. Những miêu tả của ông ta không khô khan và thẳng tuột như kiểu viết trong những báo cáo của quân đội mà đầy tình cảm và hùng hồn. Chỉ huy Hải Quân đã phân phát rộng rãi trong hạm đội để cổ võ tinh thần binh lính. William Lederer, sĩ quan thông tin công cộng của tổng chỉ huy Hạm Đội Thái Bình Dương, đã nhận thấy khả năng có thể đem những quan sát của Dooley đến với một đối tượng người đọc rộng rãi hơn. Lederer khuyến khích Dooley tiếp tục viết nhật ký của mình, giúp Dooley soạn thành một bản thảo, và giới thiệu Dooley với những chủ bút của tạp chí Reader's Digest để họ giúp xuất bản sách. Cuối cùng, Đem Chúng Tôi Thoát Khỏi Quỉ Dữ đã trở thành một cuốn sách bán chạy nhất.
Dooley miêu tả về hoàn cảnh của người Việt tị nạn thường liên quan tới tôn giáo. Ông ta miêu tả Việt Minh trừng phạt những người nghe cầu nguyện bằng cách dùng kềm xé một phần tai của người đó ra và để lủng lẳng ở đó.
Một người Việt tên Cham bị Cộng Sản thiêu sống vì anh ta là người cầm đầu một nhóm phong trào thanh niên Ki-tô.
Việt Minh bắt giữ một nhóm con nít ở một sân làng. Bảy đứa trẻ được bảo ngồi dưới đất, tay bị trói ra sau. Đám trẻ này vừa đọc giáo lý xong. Để xử tội, Việt Minh nắm đầu của mỗi đứa, và với tất cả sức lực, họ đóng đũa vào cả hai tai đứa bé. Người dạy những đứa trẻ này bị họ lấy kềm lôi lưỡi ra, và cắt đầu lưỡi bằng lưỡi lê.
Theo Dooley, một cha đạo người Việt bị trừng phạt vì tổ chức lễ vào buổi tối. Ông ta bị treo lên một cây gỗ thô và bị đánh bằng cây tre hàng giờ để đuổi ma quỉ ra khỏi ông ta. Kết quả của trận đòn này là "một đống thịt bị thâm đen từ vai xuống tới đầu gối". Hạ bộ bị sưng lên bằng trái bóng. Một cha đạo khác bị bị trừng phạt tương tự như "Đấng Giải Thoát mà ông ta đã giảng" khi Việt Minh đóng tám cái đinh vào đầu ông ta. Những cái đinh này đủ lớn và được đóng đủ mạnh để dính trong sọ ông ta. Dooley cho đó là phiên bản Vương Miện bằng Gai của Chúa Jesus do Cộng Sản sáng tác. Thật đáng kinh ngạc là không có ai trong những người bị tra tấn hành hình này bị chết cả; tất cả đều được cứu và khỏe mạnh lại bởi Bác Sĩ Dooley.
Đến tháng 5/1955, giai đoạn di chuyển người tị nạn sắp kết thúc. Nhân viên quân sự Pháp và Mỹ rút khỏi Hải Phòng. Nhà thờ Công Giáo gần như trống rỗng, tu sĩ và nữ tu đều được gửi vào nam. Niềm tự hào còn lại của nhà thờ là bức tượng Đức Mẹ Fatima, được trao tặng cho người Công Giáo Hải Phòng bởi Giáo Hoàng. Dooley muốn đem bức tượng vào nam với người Công Giáo. Người cha đạo ở lại không đồng ý, ông nói rằng bức tượng phải ở lại.
Và Tom Dooley kể, chúng tôi leo lên cái bàn thờ nhỏ và bắt cóc bức tượng theo đúng nghĩa của nó. Chúng tôi gói nó trong một cái chăn Viện Trợ Mỹ trên sàn xe jeep và chạy nhanh ra sân bay...và đó là cách mà Đức Mẹ Fatima, với sự nâng đỡ của Viện Trợ Mỹ, đã lên đường tìm tự do.
Cùng với chiến dịch nhân đạo trên là một chiến dịch chính trị của CIA mà Dooley không hề biết đến. Chiến dịch này bao trùm cả thời gian mà ông ta làm nhiệm vụ di chuyển người. Nó gồm có hai phần: đem tối đa có thể được số người vào nam, và tạo ra sự chú ý trên thế giới về hoàn cảnh của họ. Vào tháng 6/1954, CIA gửi Trung Tá Edward Lansdale đến Việt Nam làm chỉ huy hoạt động bí mật ở Công Sứ Quân Sự Sài Gòn.
Lansdale biết miền Bắc đông dân hơn miền Nam. Một mình yếu tố này cũng đủ ảnh hưởng tới kết quả của bất kỳ một cuộc bầu cử nào. Khởi đầu, Diệm mong có khoảng mười ngàn người tị nạn. Người Pháp lên kế hoạch cho ba muơi ngàn người. Lansdale nhắm đến hai triệu.
Tin tưởng, Diệm cho Lansdale được phép thuyết phục người Bắc rời bỏ nhà họ. Để làm được điều này, phải làm cho họ tin rằng tình hình ở miền Bắc sẽ trở nên khó khăn không thể chịu đựng nổi.
Và do đó một cuộc chiến tranh tâm lý đã được phát động. Lính miền Nam mặc quần áo thường dân được gửi ra bắc để phao tin đồn rằng: Việt Minh đã thỏa thuận và cho phép quân Trung Quốc tiến vào Việt Nam. Đám lính này đang cướp bóc và hãm hiếp. Một truyền đơn được phát tán chỉ đạo thương gia chuẩn bị kho hàng của họ để bị tịch thu bởi chính quyền Cộng Sản. Số lượng người đăng ký tị nạn tăng gấp ba sau khi truyền đơn xuất hiện. Lansdale thuê thầy bói dự đoán tai họa không thể tránh khỏi cho lãnh tụ Việt Minh và một giai đoạn dài phú cường sắp đến ở miền Nam. Cha đạo răn đe giáo dân của họ rằng "Chúa và Mẹ Đồng Trinh đã vào Nam; chỉ có Quỉ còn lại ở miền Bắc".
Những câu chuyện tra tấn hành hình được tung ra. Nhân viên sứ quán Mỹ Howard Simpson nhớ lại đã cãi nhau với Lansdale về câu chuyện con nít Việt Nam bị đâm thủng mành nhĩ bằng đũa trong một cuộc tra tấn. Simpson không tin chuyện này. Khi được hỏi, Lansdale chỉ "cười với nụ cười biết tất cả và lảng sang chuyện khác".
Cuối cùng gần một triệu người Bắc đã di cư vào nam, vì những lý do thật và tưởng tượng. Họ được ổn định cuộc sống ở miền nam, đặc biệt là xung quanh Sài Gòn, họ dần nắm những vị trí cao trong quân đội và chính quyền Diệm với tỉ lệ cao hơn nhiều so với ngững nhóm dân khác.
Những bài viết về Chiến Dịch Đường đến Tự Do được xuất hiện trên Tập San Bộ Ngoại Giao, những tạp chí như Life, Look, National Geographic, New York Times, Newsweek, Time, và US News. Vào tháng 5/1955, ông Diệm đích thân phong tặng Dooley vì "hoạt động xuất sắc" trong trại tị nạn ở miền bắc. Dooley cũng không biết rằng, không ai khác hơn là Lansdale đã gợi ý cho Diệm trao tặng phần thưởng đó -- bản tuyên dương đó xuất phát từ ngay chính chiếc máy đánh chữ của Lansdale.
Cuối tháng Năm, Dooley lên tàu đi Nhật. Trên tàu ông ta soạn bản thảo mà sau này trở thành cuốn sách Đem Chúng Tôi Thoát Khỏi Quỉ Dữ. Khi đến nơi, ông ta được đón nhận như một anh hùng. Hải Quân chuẩn bị một máy sửa chính tả và cả một đơn vị thư ký quân đội để đánh máy lại bản thảo với tốc độ nhanh như ông ta nói. Lederer, một người bạn của Lansdale, thì giúp chỉnh sửa bản thảo. Hải Quân tặng thưởng Dooley huy chương Legion of Merit và phân công ông ta đến làm việc ở Bệnh Viện Hải Quân Bethesda.
Dooley là một nhân vật quan trọng: ông ta đã cung cấp những hình ảnh đầu tiên về Việt Nam Cho người Mỹ. Nhưng ông ta có phải là một nhân chứng trung thực không? Theo người viết tiểu sử của Dooley, cuốn sách Đem Chúng Tôi Thoát Khỏi Quỉ Dữ "là một sản phẩm tuyên truyền".
Nó có 32 trang ảnh chụp. Không có tấm hình nào của nạn nhân bị hành hạ. Sự khủng khiếp được miêu tả trong cuốn sách là không có căn cứ. Dooley không hề nhắc đến những sự tàn bạo này trong thư từ cá nhân hoặc văn phòng trong suốt thời gian ở Việt Nam. Không có những tường thuật nào giống như của Dooley trong những cuốn nhật ký khác được các chỉ huy hải quân lưu giữ. Người thầy của Dooley, William Lederer, nói thẳng, "những chuyện đó không hề xảy ra. Những sự tàn bạo đó không bao giờ có...tôi đã từng đi khắp mọi nơi trên đất nước đó và không bao giờ nhìn thấy bất cứ cái gì giống như vậy."
Norman Baker là một quân y dưới quyền Dooley ở Hải Phòng trong thời gian di chuyển người tị nạn. Cái nhìn của Baker khớp với Lederer, chứ không phải là Dooley: "Nếu tôi thấy một một tu sĩ bị treo ngược và bị đóng đinh vào đầu, tôi sẽ làm cho cả trại nghe về chuyện đó". Nhưng Dooley không bao giớ làm như vậy. Daniel Redmond, một cựu nhân viên của Chiến Dịch Đường đến Tự Do, thì thẳng thắn hơn khi nhận định về Dooley, ông này gọi Dooley là một "nghệ sĩ nói phét".
Tom Dooley, là một công cụ của chính sách về nước ngoài của Mỹ và là một anh hùng của quốc gia, đã được tặng thưởng Huy Chương Tự Do sau khi chết. Nhà Thờ Công Giáo đã từng cân nhắc phong thánh cho ông ta trong một thời gian ngắn. Ông ta là một nhân vật chủ chốt trong chiến dịch tuyên truyền giả dối lần thứ nhất trong cuộc chiến Việt Nam, ông ta đã hoàn thành được vai trò tuyên truyền hết sức quan trọng của mình trong việc làm người Mỹ hiểu biết về Việt Nam theo một hướng có lợi cho việc sẵn sàng chiến đấu chống Cộng ở vùng Đông Nam Á.
No comments:
Post a Comment