Trên một tờ báo phát hành ngày 2-6-2009 có đăng tin nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã hoàn thành tượng giáo sĩ A-lịch-sơn Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) bằng đá hoa cương trắng, nặng 4,3 tấn và sẵn sàng hiến tặng thủ đô Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long lịch sử. Ảnh chụp tượng bán thân, đội mũ giám mục đầy những chữ cái La Tinh và những dấu nặng, sắc, hỏi, ngã …
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng (người ngồi bên phải) bên tác phẩm điêu khắc tượng giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes)
Về thiện tâm của nhà điêu khắc thì đã rõ : Không nghĩ đến lợi lộc – Đó là nét đẹp thời nay hiếm có. Tuy nhiên giá trị của một pho tượng người không chỉ phụ thuộc vào sự khéo léo của đôi tay nghệ sĩ, nó còn tùy thuộc không ít vào tình cảm của công chúng với con người ấy. Nhân vật này nổi tiếng bởi tên ông gắn liền sự ra đời chữ quốc ngữ của ta. Bởi cách đưa tin lắt léo dây dưa dẫn dụ nên cần xem rõ sự thật thế nào. Xin giới thiệu lược sử con người này để nhiều người rõ.
Alexandre de Rhodes (1593-1660), người Pháp, gia nhập Dòng Tên (Jesuite) lúc 19 tuổi, là giáo sĩ thừa sai của giáo đoàn hải ngoại Pháp sang mở sang mở mang nước Chúa ở phía Đông Nam Á, nhiều năm ở Đàng Trong, Đàng Ngoài. Tuy nhiên, lúc ấy Đàng Trong (Cochin) chưa phát triển, ông mở đạo ở Đàng Ngoài, khi ấy kinh kỳ còn có tên là Đông Kinh (Tonkin) – phân biệt với Tây Kinh (Thanh Hóa, nơi khởi nghiệp của vua Lê Thái Tổ).
Sự phát triển của đạo Gia-tô gắn liền với những cuộc Thánh chiến đẫm máu, kết quả những cuộc tàn sát hàng loạt (ngày nay gọi là diệt chủng) những người ngoại đạo hoặc chống lại Giáo hoàng. Tiêu biểu là cuộc Thánh chiến Albigense và cuộc Thánh chiến của các trẻ vị thành niên ở thế kỷ XIII. Năm 1493, Giáo hoàng Alexander VI tự cho Gia-tô giáo cái quyền thống trị hoàn cầu, đã chia thế giới ra làm hai vùng ảnh hưởng : Toàn thể Mỹ châu (trừ Ba Tây ra) là thuộc Tây Ban Nha (Spain). Còn Bồ Đào Nha (Portugal) thì được Ba Tây (Brazil) và tất cả đất đai nào chiếm đượcở châu Á và châu Phi. Vua Pháp Francis I bất bình, phản ứng ra lời : “Ai có thể chỉ cho ta thấy di chúc của ông tổ Adam giao tất cả thế giới cho Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha?” Cùng với sắc lệnh phân chia vùng ảnh hưởng kèm theo điều qui định : Song song với việc chiếm cứ đất đai là bổn phận phải kết hợp các dân địa phương vào trong giáo hội Gia-tô. Do đó, đi cùng với đoàn quân xâm lăng là những linh mục (sách Missionaries) … Những công vụ truyền giáo của Ki tô giáo không bao giở chỉ là thuần túy truyền giáo. Những công cụ truyền giáo này luôn luôn hoặc theo sau, hoặc đồng hành, hoặc làm cho đạo quân tiên phong cho những kho hàng Tây phương. Bất kể sự diễn tiến như thế nào, kết quả đều giống nhau : những dân tộc châu Á mất đi hoặc một phần, hoặc toàn phần sự tự do của họ, bất cứ khi nào và ở nơi nào mà cái Thánh giá cùng với mũ Tây phương xuất hiện (Avro Mahattan - Chủ nghĩa đế quốc của Gia-tô giáo và sự tự do của thế giới). Giáo hội được tín đồ. Thực dân được thuộc địa. Ngay từ buổi đầu, hai chủ thể ấy cố kết chặt chẽ với nhau cùng tồn tại và bành trước.
Alexandre de Rhodes thuộc số hiếm hoi lính xung kích đầu tiên của chủ nghĩa thực dân Pháp tới An Nam. Ông đến xứ này khoảng năm 1620. Sau 10 năm truyền đạo, ông gửi về một bản phúc trình mô tả rất chính xác về tiềm năng thương mại, chính trị và chiến lược … Lã Mã và Ba Lê xem những hoạt động này như những bước khởi đầu không thể tách rời khỏi sự dẫn đến việc chiếm đóng về chính trị và quân sự trên các quốc gia này. Lúc đầu, dù ở đâu, các giáo sĩ đều được dân chúng cảm mến và nhà cầm quyền ưu ái. Nhưng sau đó, những việc làm của họ kích động dân cư, gây bất an cho xã hội, bị dân chúng tẩy chay và giới cầm quyền không chứa chấp. Cha Đắc Lộ không là ngoại lệ. Là bầy tôi của Chúa, giáo sĩ thừa sai De Rhodes vác cây Thánh giá Thầy tới kiệt cùng trời đất nhưng vẫn không quên mình là con nước Pháp. Ông qua La Mã xin Giáo hoàng hủy bỏ đặc ân Chúa cho Bồ Đào Nha ở châu Á. Không được chấp nhận, ông về nước vận động giới giáo sĩ, thương nhân và Pháp hoàng Louis IV cung cấp những chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Đông phương giàu tiềm năng này. Rõ ràng, sứ mạng của ông linh mục này khác hẵn với tinh thần hiến nguyện vô tư của ông thầy thuốc Yersin, một lòng bác ái vị tha. Vào thời điểm đó, do nhiều hạn chế lịch sử, ý đồ của người con nước Pháp đã dâng mình cho Chúa ấy chưa nhận được sự hưởng ứng rộng rãi nhưng nó đã mở đường cho đế quốc Pháp xâm lược nước ta hơn 200 năm sau đó. Ông đúng là mẫu người cần cho nước Pháp như hoàng đế Napoléon I từng nói thẳng ra : Áo nhà tu che chở và giúp họ che đậy được mục đích chính trị và thương mại. Họ chẳng mang một danh nghĩa chính thức nào mà lại tốn kém ít và được người bản xứ kính nể. Họ không thể làm cho chính quyền phải liên lụy hay bị sĩ nhục. Lòng nhiệt thành về tôn giáo khích lệ các tu sĩ làm việc và mạo hiểm hơn cả một viên chức dân sự nhiều.
Về chuyện chữ quốc ngữ của ta. Cho đến nay đã rõ, Alexandre de Rhodes không phải là người khai sáng ra chữ Việt viết theo mẫu tự La tinh mà ta quen gọi là “chữ quốc ngữ”. Công chính là của hai giáo sĩ thừa sai người Bồ Đào Nha đến xứ này trước ông, là linh mục Gaspa de Amaral và linh mục Antonio Barbosa. Ông trước biên soạn cuốn từ điển An Nam – Bồ Đào và ông sau biên soạn cuốn từ điển Bồ Đào – An Nam. De Rhodes đã nói : Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La-tinh theo lệnh của Hồng y rất đáng tôn - Đó là cuốn từ điển Việt - Bồ - La ra đời vào năm 1651.
Tôi tán thành ý kiến của nhà nghiên cứu sử Bùi Kha là : Dân tộc ta nên ghi công của linh mục Alexandre de Rhodes đã có phần cải tiến chữ quốc ngữ (chứ không phải là người sáng nghĩ ra chữ quốc ngữ) và nên kết tội ông là kẻ gián điệp sớm nhất trong lịch sử xâm lược của phương Tây và nước ta.
Dù không chủ tâm, de Rhodes vẫn là nhà ngôn ngữ học, như một người làm khoa học. Hẳn ông không thể chui xuống đất lần thứ hai khi có người chụp lên đầu ông cái mũ khắc đậm những chữ quốc ngữ Việt Nam gồm 18 phụ âm, 11 nguyên âm và 5 cái dấu đặc trưng của sự phát âm tiếng Việt bổng – trầm – bằng – trắc. Có khác chi cố tình chụp xuống đầu ông ta không chỉ một cái vòng Kim cô nghiệt ngã!
Vì sao hàng mấy trăm năm, người ta cố tình để người Việt mình lầm lẫn một sự đã hai năm rõ mười như thế? Vì De Rhodes là con đẻ và An Nam là con nuôi của đại mẫu quốc Phú-lang-sa. Dù là khoa học mà sự cạnh tranh văn hóa như thế diễn ra không chỉ ở một nơi, một lúc trên nước Chúa mênh mông. Tuy nhiên, người Pháp và cái chính quyền gọi là tay sai kia còn tỏ ra biết điều khi họ chỉ dựng lên một tấm bia đá đặt ở khoảng trống bên đền Bà Kiệu, giữa chốn người qua lại đông đúc, trong khi họ nắm quyền lực trong tay, lại không thiếu tiền dựng những tượng Pasteur, Paul Bert, Đầm xòe, cả tượng tên lái buôn Jean Dupuis (Đồ phổ nghĩa) và nhiều tượng nữa. Vì họ thấy công của Đắc lộ được thế đáng rồi, làm lớn sợ đời cười! Phải chăng họ còn biết ngượng?
Thực ra các giáo sĩ Tây phương dày công nghiên cứu tìm ra một dạng chữ đồng dạng với mẫu tự tượng thanh của họ, trước hết để họ dễ học một ngôn ngữ mới, làm phương tiện tác nghiệp, thâm nhập vào chúng dân bản xứ; lâu dài hơn là phục vụ cho một âm mưu thôn tính một xứ sở xa lạ, không đồng hóa chủng tộc được thì phải đồng hóa trước là ngôn ngữ và sau là văn hóa để lập nên một nước Pháp nhỏ ở Viễn Đông (Puiginier-Giám mục). Khi đặt nền móng vững chắc cho sự cai trị, họ thẳng tay bức tử chữ Hán-Nôm truyền thống của người Việt!
Sự chống trả của giới sĩ phu bản xứ không lại được trước áp lực của chính quyền thực dân nắm trong tay cả một guồng máy khổng lồ quân sự, chính trị, kinh tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, tổ chức xã hội … Ngay trong chính giới thuộc địa Pháp cũng có những ý kiến bất đồng : sự hủy bỏ nền giáo dục Hán-Nôm đồng nghĩa với sự hủy bỏ về giáo huấn đạo lý mà chúng ta sẽ không có gì để thay thế vào bộ môn đạo đức đã bị tiêu diệt này … Đối với học sinh An Nam, mỗi chữ viết (Hán-Nôm) đều chứa đựng ý nghĩa sâu rộng, khi đọc hoặc viết, chúng tiếp nhận được một cảm xúc mạnh. Còn sách vở của ta, họ tiếp nhận với một tậm trạng khác hẳn. Đó là tập tục của một xã hội khác biệt với họ, các thầy giáo cũng khác ông thầy đồ-người mà họ coi có thể thay thế cha mẹ của họ. Nhưng bản chất của chủ nghĩa thực dân chỉ cần sự chiếm đóng, khuất phục và lợi nhuận. Văn hóa nếu có, chỉ duy nhất một nền văn hóa chính quốc mà tinh hoa của nó không bao giờ được xuất khẩu sang thuộc địa.
Người ta ngoa ngôn tự quảng bá rằng : Khi cho Việt Nam các mẫu tự La tinh, Alexandre de Rhodes đã đưa Việt Nam đi trước đến ba thế kỷ! Có ai dễ tin điều đó? Các ký tự kia chỉ giúp dễ nhận âm để ghi lại từng lời ra chữ. Nhưng ai cũng biết tiếng Việt là một thứ tiếng khó học để diễn đạt được ý và tình, phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam! Thử hỏi đã có ai dùng chữ quốc ngữ vượt qua các bậc tiền nhân với chữ Hán-Nôm mà đạt đến đình cao tư duy và mỹ cảm như Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Công Trứ, Bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương … và xa hơn nữa là Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi … hay chưa? Trải hàng trăm năm phát triển đại trà, bây giờ người ta dùng chữ quốc ngữ làm thơ hiện đại … người chấm giải thi cũng không biết nhà thơ nói gì! Người đọc giỏi lắm chỉ thuộc một hai câu không thô thì tục dù chỉ một bài thơ ngắn ! Nhìn sang nhiều nước lân bang như Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc … họ dùng mẫu tự tượng hình theo truyền thống Á Đông nhưng ai dám bảo người ta lạc hậu? Và có người Việt nào dám to mồm khoe khoang mình đi trước họ đến ba thế kỷ chăng? Chính là do quân chiếm đóng dùng cường quyền tước đoạt mất cái chữ truyền thống, hòng cắt đứt hết gốc rễ tinh hoa của ta, chứ không phải vì cái chữ của ta rối rắm nghèo nàn phải thay vào loại chữ do người Tây phương chế ra mới học được và đủ khả năng chuyển tải thông tin.
May mắn là sự khắc nghiệt của lịch sử đã luyện cho người Việt có biệt tài từ trong cái khó ló ra cái khôn, biến cái không thuận lợi thành ra thuận lợi. Chỉ trong một thời gian ngắn , những người trí thức tâm huyết vẫn giữ được truyền thống văn hóa cổ truyền và tiếp thu tinh hoa nền văn hóa mới Hy-La, quảng bá chữ quốc ngữ để nâng cao dân trí. Đặc biệt từ khi nước ta dành được độc lập, đã mau chóng biến chữ quốc ngữ thành quốc bảo. Thật vậy, chữ quốc ngữ ra đời từ nửa sau thế kỷ XVII, tới đầu thế kỷ XX nó mới được nhiều người biết đến nhưng vẫn còn hạn chế rất nhiều. Khi nhân dân ta giành được quyền làm chủ vận mệnh quốc gia mà còn tới 90% người mù chữ!
Từ trong muôn vàn khốn khó, một dân tộc quyết đứng lên đồng thời cùng chống ba loại giặc nguy hiểm như nhau là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trên thế giới này có dân tộc nào vừa gan lỳ vừa lãng mạn như thế? Cái nỗi nhục phải chui qua cổng mù (chữ) không kém gì nỗi nhục của người cu ly còng lưng kéo xe rồi bị thằng Tây đá đít quỵt tiền! Bụng chỉ có lưng cơm vẫn cố nồi thêm vào mấy chữ. Bởi học chữ để biết cái nghĩa ở đời, đứng dậy mà đi! Từ em bé đến người già đề học chữ. Không có giấy thì viết lên đất. lên lá. Không có bút lấy mẩu que, cục than mà viết. Học chữ của Tây để đánh lại Tây, khác chi cướp súng giặc giết giặc đâu. Biến chữ Tây thành chữ của ta như tổ tiên đã từng biến chữ Hán thành chữ Nôm thuở trước. Vậy cái xác chữ chẳng là gì. Cái thần của chữ mới làm nên văn hóa. Cái thần ấy gọi là hồn nước, tiềm ẩn trong tâm thức của người dân Đại Việt.
Ông G.Dumoutier, một nhà giáo dục học người Pháp có lương tâm ở Việt Nam từng trăn trở : Nếu những đứa trẻ An Nam xuất thân từ các trường học của ta (Pháp), mà không biết đọc và viết chữ Hán-Nôm thông dụng, thì chúng sẽ trở thành người ngoại quốc trên chính đất nước của chúng. Đó là điều nhắc nhở chân tình nghiêm túc mà đến bây giờ dường như đang lập lại!
Tuy nhiên, thời nay chỉ người điên mới đòi bỏ đi chữ quốc ngữ, trở về với chữ Hán-Nôm. Nhưng nếu xếp xó lại chữ Hán-Nôm coi như đồ bỏ, khác nào người để mất một báu vật gia truyền mà không biết! R.Tagore ví như con rắn thần mù không biết trên đầu mình mang viên ngọc quý – Tổ quốc ta là rắn khác gì đâu! Vật báu gia truyền ấy là gì? Thật đáng buồn nếu ta không nhận ra! Dù nó chưa biến đi đâu nhưng đấy là một sự tìm kiếm cực nhọc lâu dài nếu ta muốn chính thực là ta.
Biết trách ai khi việc đáng làm người ta lại quên đi mà cuồng lên chỉ trích, nhắm mắt đòi tôn vinh này nọ?!
Trí Nhân
No comments:
Post a Comment