Sunday, April 1, 2012

Trần Thanh Tịnh - Dăm đại gia nắm nửa già thế giới

TS James B. Glattfelder, nhà toán học trẻ tuổi ở Viện Công nghệ Cao cấp Zurich (Thụy Sĩ) đã phát hiện ra rằng, chỉ có 147 công ty hiện đang sở hữu nửa già số của cải trên hành tinh chúng ta. Và đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tồn tại nguy cơ rằng, “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, thế giới có thể đang bị chi phối bởi một nhóm dăm ba cự phú đã tập trung vào tay mình đại bộ phận nguồn lực của nhân gian.

Phát hiện lớn từ những điều đơn giản nhất

Viện Công nghệ  Cao cấp Zurich (Thụy Sĩ) là một trung tâm trí tuệ nổi tiếng thế giới với những tên tuổi rất lừng lẫy của hơn 20 nhà khoa học từng được nhận giải Nobel. Đây cũng là nơi làm việc của nhà thiết kế tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới (V-2) Wernher von Braun (1912-1977). Nhà khoa học đại tài này từng phục vụ cho chế độ Quốc xã nhưng sau Chiến tranh thế giới thứ hai, bí mật sang Mỹ cư trú và trở thành công dân Mỹ, cũng đã làm việc cho dự án tên lửa đạn đạo liên lục địa ở đây, rồi gia nhập đội ngũ Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) với chức vụ Giám đốc Trung tâm vũ trụ Marshall và Kiến trúc sư trưởng của tên lửa vũ trụ Saturn đưa các nhà du hành Mỹ đặt chân lên mặt trăng…

Chính tại trung tâm trí tuệ này mà TS James B. Glattfelder đã khởi xướng dự án riêng độc đáo của mình để tìm hiểu về việc: liệu có mối liên hệ bí mật nào hay không giữa những công ty hàng đầu thế giới?  Dự án này nảy sinh từ một câu hỏi xem ra không có gì phức tạp: trên thế giới hiện đang hoạt động ít nhất là gần 37 triệu công ty, tức là có ít nhất cũng gần 37 triệu CEO (giám đốc điều hành). Liệu giữa họ có mối liên hệ nào không? Biết đâu giữa họ cũng có những thân bằng cố hữu? Hoặc bạn đồng môn? Biết đâu, nhiều người trong số lãnh đạo các công ty này lại phụ thuộc vào nhau bởi các mối quan hệ trên dưới, ngang dọc trong các công ty mẹ và công ty con, hoặc trong các tập đoàn?

Trong thời đại thông tin rộng mở hiện nay, tìm ra câu trả lời cho một vấn đề tưởng chừng nhiêu khê như thế không quá dễ nhưng cũng không phải quá khó. Và câu trả lời hiện ra rất đáng kinh hãi: Dường như thế giới hiện nay đang bị điều hành chỉ bởi một “siêu tập đoàn” và chính nó đang giật dây mọi sự đang diễn ra trên quy mô toàn cầu.

Để xây dựng mô hình toán học của hệ thống siêu tập đoàn toàn cầu, các chuyên gia dưới sự chỉ đạo của TS James B. Glattfelder đã phải xử lý một khối lượng khổng lồ các dữ liệu phản ánh các mối quan hệ sở hữu giữa các công ty xuyên quốc gia hàng đầu trên thế giới. Theo lời TS James B. Glattfelder, “hiện thực phức tạp tới mức chúng tôi đã phải rời bỏ các giáo điều sẵn có, kể cả lý thuyết âm mưu (conspiracy theory) hay lý thuyết thị trường tự do. Những phân tích của chúng tôi chỉ dựa trên những dữ liệu thực tế”.

Bằng các thuật toán của mình, phân tích các dữ liệu về 37 triệu công ty và các nhà đầu tư có trên máy chủ Orbis C từ năm 2007, TS James B. Glattfelder cùng các đồng nghiệp  đã  lọc ra chỉ còn một nhóm tương đối độc lập hơn gồm 1.318 công ty mà quan hệ giữa chúng với nhau khó có thể gọi bằng từ gì khác ngoài “chung một dòng máu”. Mỗi một công ty trong nhóm này bị phát hiện là có những mối liên hệ chặt chẽ với hai hoặc từ ba công ty khác trở lên (chỉ số trung bình các công ty mang tính họ hàng này là 20!). Và mặc dầu thu nhập chính thức của các công ty này không vượt quá 20% lợi nhuận kinh doanh toàn cầu chung nhưng thông qua các công ty con của mình, chúng gần như sở hữu đại bộ phận các hãng trên thế  giới hoạt động trong khu vực kinh tế “thực tế”. Bằng cách này, vòi bạch tuộc của các “tập đoàn khủng long” nắm trong tay khoảng 60% doanh thu toàn cầu.

Rồi từ đó, các nhà khoa học lại lọc tiếp để có danh sách 147 công ty có  quan hệ với nhau chặt chẽ và rõ ràng hơn. Cổ phiếu của những công ty này giao cắt nhau tới mức trong thực tế chúng cùng tạo nên một tổng hòa  tài chính kiểm soát tới 40%  vốn liếng của thế giới.

Từ nhóm trên, TS James B. Glattfelder cùng các đồng nghiệp lại lọc tiếp ra một top-ten các công ty “siêu hàng đầu” (danh sách này có thể thay đổi theo thời gian), có thể được coi như là 10 đại gia còn gắn bó với nhau siêu hơn nữa. 10 công ty này chung nhau ở một số rất ít “cự phú” (giấu mặt) nào đó. Thí dụ như một công ty bề ngoài cực nhỏ nào đó ở bang X nơi thâm sơn cùng cốc  nào đó của nước Mỹ…

Đồng “tiền” tương ứng

Dưới con mắt của TS James B. Glattfelder, 10 công ty hàng đầu đó chủ yếu ở hai nước Mỹ và Anh. Đó là:
1. Barclays (Anh, giá trị cổ phiếu: 55 tỉ USD; lãnh đạo: Marcus Agius thuộc gia tộc Rothschild; hoạt động trong lĩnh vực tài chính); 
2. Capital Group (Mỹ, 1 nghìn tỉ USD; David Fisher, thành viên Hội đồng quản lý Quỹ Tiền tệ thế giới; tài chính); 
3. FMR Corporation (3,3 nghìn tỉ USD; Mỹ; gia đình Johnson; tài chính); 
4. AXA (90 tỉ USD; Pháp; Henri de Castries, thành viên đời thứ năm của dòng họ Castries; bảo hiểm); 
5. State Street Corporation (730 triệu USD; Mỹ; Jay Hooley, thành viên Diễn đàn dịch vụ tài chính; tài chính); 
6. JP Morgan Chase (2,3 nghìn tỉ USD; Mỹ; James Dimon, cựu lãnh đạo City - Group; tài chính); 
7.Legal & General Group  (500 tỉ USD; Anh; John Stewart; tài chính); 
8. Vanguard Group (1,6 nghìn tỉ USD; Mỹ; William McNabb, cựu thành viên chính phủ; đầu tư);  
9. UBS AG (1,7 nghìn tỉ USD; Thụy Sĩ; Sergio Ermotti, từng làm việc ở UniCredit và Merrill Lynch; tài chính, ngân hàng); 
10. Merrill Lynch & Co. (1,6 nghìn tỉ USD; Mỹ; được Bank of America mua lại; tài chính).

Có thể thấy rằng, lãnh đạo các hãng lớn này đều thuộc loại tinh hoa quốc tế. Thí dụ như Marcus Agius (sinh năm 1946) chẳng hạn, được đánh giá là một trong những đại diện xuất sắc nhất của gia tộc Rothschild từ thế kỷ XVIII tới nay vốn đã có không ít những anh tài trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Marcus Agius từng học ở Trường Cao đẳng St. George, Weybridge và từng có bằng thạc sĩ  MBA về cơ khí và kinh tế tại Trinity Hall, Cambridge và tại Trường Kinh doanh Harvard.

Marcus Agius vào làm Giám đốc không điều hành Tập đoàn Barclays từ ngày 1/9/2006 và từ ngày 1/1/2007 lên làm Chủ tịch hội đồng giám đốc ở đây. Ông cũng là Giám đốc không điều hành trong ban quản trị mới của Hãng BBC. Mức lương hàng năm của ông tại Tập đoàn Barclays là 750 nghìn USD…

Các nhà lãnh đạo khác trong các công ty thuộc top-ten trên có thể không phải “con dòng cháu giống” như Marcus Agius nhưng cũng từng ở những vị trí lãnh đạo ở nhiều đơn vị kinh tế lừng lẫy khác cũng thuộc top-ten này. Bởi vậy, rất đáng ngạc nhiên nếu những công ty này không duy trì những mối quan hệ thân hữu ngoài luồng với nhau ngay cả trong hiện tại. Trong khi đó để tìm các nhà quản lý chuyên nghiệp trước đây không hề dính líu tới top-ten này để giao cho họ nhiệm vụ quản lý chúng là một việc đâu có quá phức tạp.

Cũng rất dễ thấy rằng, các nhà quản lý lừng lẫy đang trụ ở những vị trí quan trọng ở các công ty thuộc top-ten trên thường là đồng môn, tức là đã cùng học, có thể trong những giai đoạn khác nhau, ở một số học đường thượng lưu nào đó.

Trong tiểu sử các nhà quản lý trên còn có những chi tiết khá thú vị. Có người trong số họ từng là thành viên nội các (như William McNabb ở Vanguard Group). Người khác từng làm việc tại IMF (như David Fisher ở Capital Group)… Còn như Jay Hooley ở State Street Corporation thì còn tham gia cả Diễn đàn dịch vụ tài chính. Địa chỉ của Diễn đàn này là ở Washington và như được giới thiệu một cách mù mờ trong tiểu sử chính thức của Hooley, đó là “một tổ chức không chính thức liên kết 18 nhà quản trị doanh nghiệp”.Thực sự chỉ là “liên kết” thôi ư? Một khi những CEO thành đạt mang dáng vẻ người Anh - Saxon (Hooley đúng là người có ngoại hình như thế) gặp mặt nhau thì họ sẽ làm gì? Chỉ ngồi bên lò sửa uống whisky thôi ư? Hay chỉ chơi golf thôi ư? Ai mà biết được!

Tiềm ẩn nguy cơ

Nếu thực sự thế giới đang bị giật dây bởi một nhóm nhỏ dăm ba những siêu tập đoàn như trong công trình nghiên cứu của TS James B. Glattfelder và các đồng sự, điều gì sẽ xảy ra? Thực ra, hiện tượng trên không có gì mới mà đã từng được mô tả trong các trước tác của Lênin. Và các nhà nghiên cứu người Anh và người Đức cũng đã từng đề cập tới việc này trước Lênin. Đồng tiền bắt đầu ra mặt cai quản hệ thống chính trị thế giới từ những năm đầu tiên của thế kỷ XX. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, khi tài nguyên thiên nhiên và các nguồn năng lượng ngày càng cạn kiệt, vấn đề trên sẽ trở nên trầm trọng và nguy hiểm hơn.

Theo nhận định của chuyên viên người Nga Aleksandr Osin trong trao đổi với phóng viên báo Komsomolskaya Pravda, cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế hiện nay tất yếu sẽ làm nảy sinh cuộc chiến tranh công khai giữa các chính phủ “chính danh” với các thể chế trong “bóng râm” như các tập đoàn siêu quốc gia. Mục tiêu của các tập đoàn siêu quốc gia này là giành cho mình toàn quyền điều hành. Có thể ở thời điểm hiện nay, cán cân thế lực vẫn chưa nghiêng về phía các tập đoàn xuyên lục địa có tiềm lực kinh tế thậm chí là lớn hơn cả trữ lượng của một số quốc gia nhưng hơi thở lạnh của chúng thổi vào gáy các định chế hợp hiến không phải là không làm e ngại.

Nói rằng đang tồn tại một chính phủ toàn cầu ngoài luồng nào đó của các doanh nghiệp cỡ bự có thể là hơi sớm nhưng thực sự là đang tồn tại một nguy cơ như thế. Và đấy cũng là một trong những lý do khiến nảy sinh phong trào biểu tình “Chiếm phố Wall” chống lại sự chi phối quá đà của giới làm ăn, phát sinh từ nước Mỹ và lan rộng ra trên thế giới

1 comment:

  1. Can gi phai la nha toan hoc moi biet
    ai hieu chu nghia tu ba biet lien la giua cac cong ty chi co mot dieu chung chi phoi
    Loi Nhuan, ???

    ReplyDelete