Tuesday, November 4, 2014

CẤM VẬN KINH TẾ CUBA: NHỮNG MỤC TIÊU CỦA CHÍNH SÁCH ĐẾ QUỐC

Cấm vận kinh tế lên Cuba nhằm mục đích kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên bằng cách khuất phục nước này.  Lịch sử bạo lực với các cuộc chinh phục những vùng đất mới của Mỹ đã chứng minh rõ ràng điều đó.

Giữa thế kỷ 19, William Gilpin, một người theo chủ nghĩa bành trướng của Mỹ đã tuyên bố: 'Vận mệnh của người Mỹ là chinh phục châu Mỹ.'  Mục đích chính của Hoa Kỳ là đảm bảo nguồn tài nguyên của các nước Nam Mỹ luôn được giữ trong tay của Mỹ.  Trường hợp của Cuba là đặc biệt bởi vì nó là quốc gia duy nhất dám từ chối đi theo những trật tự được đặt ra bởi Mỹ như hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội nhằm quản lý tài nguyên nhân lực nước này.

Mỹ đặt ra thuyết Monroe vào đầu thế kỷ 19 để nói rõ cho các thế lực đế quốc Châu Âu biết rằng Hoa kỳ không chấp nhận các hành động can thiệp vào Tây bán cầu.  Qua đó thiết lập quyền lực của Mỹ trên toàn châu lục mà không bị cản trở.  Thuyết này cho thấy mục tiêu đế quốc và bá quyền của Mỹ.  Khi Mỹ trở thành một nước công nghiệp mạnh, điều đầu tiên mà họ nhắm đến là tài nguyên của châu lục để nuôi dưỡng và phát triển nền công nghiệp đó.

Cuba lúc đó còn là một thuộc địa béo bở của Tây Ban Nha(TBN) nhưng đầu tư cũng như nhập khẩu của Mỹ ở thị trường này đã vượt xa TBN.  Do đó khi người Cuba nổi dậy làm cách mạng đánh đuổi thực dân TBN thì Mỹ đã tìm cách không để cho phe cách mạng Cuba giành được chủ quyền.  Khi quân TBN gần bị thua hoàn toàn thì Mỹ đem quân nhảy vào buộc hai bên phải ngừng giao tranh, và sau đó Mỹ sang Paris ký một hiệp định đình chiến với TBN.  Người Cuba bị gạt ra ngoài những cuộc đối thoại đó.  Một điều khoản sửa đổi trong hiệp định đó cho phép Mỹ đặt quyền kiềm soát chính trị, kinh tế lên Cuba.  Mỹ đã thay thế TBN làm ông chủ thực dân mới ở Cuba.  Vào ngày 1 tháng 1 năm 1899, sau khi quân TBN cuốn gói, cờ Mỹ đã được kéo lên trên bầu trời La Havana chứ không phải là cờ Cuba.  Điều khoản bổ sung trên được hủy bỏ vào năm 1934.

Sau khi kiểm soát gần như tất cả các ngành kinh tế ở Cuba, Mỹ đã nhiều lần giết người biểu tình vào các năm 1912, 1917, 1933 để giữ vững trật tự do mình áp đặt.  Trước cách mạng 1959, các công ty Mỹ làm chủ 80% dịch vụ, mỏ, nông trại, và các cơ sở lọc dầu, 40% ngành sản xuất đường và 50% của ngành đường sắt.  Chính quyền Batista được Washington ưu đãi vì nó đã phục vụ rất tuyệt vời cho quyền lợi của Mỹ.  Dân Cuba phải đợi đến 1959 để nếm mùi vị của độc lập sau gần 500 năm bị thực dân cũ và mới thống trị.  Nhưng cũng vì chuyện như tát vào mặt Mỹ này, Cuba phải trả cái giá cao nhất có thể.

Vào ngày 7/2/1962 Mỹ phong tỏa hoàn toàn hòn đảo này nhằm tái thiết lập nền thống trị đối với Cuba.  Dùng sự đói ăn như một vũ khí chính trị chống lại người Cuba.  Lý do để vây hãm Cuba được thay đổi theo thời gian.  Trong Chiến tranh Lạnh,  Mỹ bảo Cuba là một đe dọa cho an ninh quốc gia và thúc giục Mexico ủng hộ mình bằng cách cũng áp đặt một chính sách thù địch với Cuba, nhưng một nhà ngoại giao Mexico đã trả lời: 'Nếu chúng tôi cũng tuyên bố rằng Cuba là một mối đe dọa đối với an ninh của chúng tôi, bốn mươi triệu người Mexico sẽ bị cười đến chết.'

Lý do Chiến tranh Lạnh được dùng trong 30 năm là dối trá vì nếu đó là sự thật, họ đã bình thường hóa quan hệ sau sự sụp đổ của khối Soviet.  Mỹ cũng đã bình thường hóa quan hệ với TQ bắt đầu từ đầu thập niên 70.  Thay vào đó Mỹ còn tiếp tục tăng cường cấm vận với những làn sóng cấm vận kinh tế nặng nề hơn với Đạo luật Torricelli vào 1992 và Helms-Burton vào 1996.  Khẩu hiệu bây giờ không phải là ngăn chặn cộng sản nữa mà là 'tái lập dân chủ' ở Cuba, một nền 'dân chủ' phục vụ cho những quyền lợi của Washington.

Từ năm 1992, cấm vận kinh tế trên Cuba đã bị cộng đồng thế giới lên án bởi tuyệt đại đa số, chỉ có vài ba nước bỏ phiếu chống hoặc từ chối bỏ phiếu.

Mục tiêu duy nhất của Mỹ là trừng phạt những nước Thế giới thứ Ba dám chống lại trật tư do mình áp đặt và đặt Cuba vào vòng ảnh hưởng của mình theo như ý nguyện của các Tổng thống Thomas Jefferson và John Quincy Adams muốn.  Bắt Cuba đứng ngay vào hàng, đưa xã hội Cuba trở lại tình trạng bất bình đẳng trước cuộc cách mạng.

Mỹ tiếp tục đặt Cuba trong danh sách những nước ủng hộ khủng bố năm thứ 30 liên tiếp làm trò cười cho cộng đồng quốc tế, mặc dù chính nước Mỹ đã dung dưỡng những nhân vật khủng bố chống Cuba.

Condoleeza Rice, Cố vấn An ninh cho Bush gọi Cuba là 'trường hợp không thể tha thứ được' và thật sự Cuba là 'không thể tha thứ' vì nó là một nước thuộc Thế giới thứ Ba nằm ngay sát nách Mỹ lại dám ưỡn ngực trước ông chủ của thế giới, dám quyết định dùng tài nguyên quốc gia cho mình chứ không để cho các nhóm tài chính, kinh tế của Mỹ thao túng.  Cuba là 'không thể tha thứ' vì đã gồng nổi một chính sách cấm vận mà ngay cả một cường quốc châu Âu cũng khó có thể chịu đựng nổi và vẫn tiếp tục ưỡn ngực sau gần nửa thế kỷ bị cấm vận như thế.

Và còn tệ hơn nữa, báo cáo của Ủy ban Kinh tế châu Mỹ Latin và các nước Caribbean thuộc LHQ khen Cuba: 'Chính sách xã hội không thể bàn cãi là mặt mà Cuba thể hiện xuất sắc bằng cách bảo đảm một sự chia sẻ công bằng thu nhập và phúc lợi cho dân chúng, cùng lúc đầu tư vào vốn liếng con người'.  Nước Mỹ không thể tha thứ tà thuyết này.

Nếu Cuba đầu hàng, ngả theo trật tự mà Washington muốn, chấp nhận dâng chủ quyền và tài nguyên cho những tập đoàn đa quốc gia háu ăn, vứt đi nhu cầu của người dân trong quá trình đó, nó sẽ được chấp nhận vào 'thế giới dân chủ'.  Nhưng nếu khi nào Cuba vẫn chưa chịu đáp ứng những điều kiện đó, nó sẽ tiếp tục là mục tiêu tấn công của Washington.  Như lời của anh hùng trong chiến tranh giành độc lập 1898, José Martí: 'Tự do rất là đắt giá và chúng ta cần phải quyết định hoặc chấp nhận sống không có nó, hay phải mua với đúng giá của nó.'  Và người Cuba đã chọn quyết định của họ.

Chừng nào Cuba còn tiếp tục thách thức sự thống trị của giáo thuyết thị trường tự do bằng cách đưa ra một ví dụ sống cho thấy sự khả thi của việc giải phóng một quốc gia khỏi sự khốn cùng của tình trạng kém phát triển không phải bằng cách áp dụng những mệnh lệnh của Ngân hàng Thế giới và Quĩ Tiền tệ Quốc tế, mà bằng cách đặt con người vào trung tâm của các kế hoạch xã hội, thì Cuba vẫn sẽ tiếp tục là nạn nhân của những cuộc tấn công bán quân sự do Mỹ tổ chức.  Chừng nào nó vẫn từ chối áp dụng những khuôn phép thị trường và lợi nhuận thì sự khủng bố kinh tế từ Mỹ vẫn sẽ không giảm đi.

Gốc rễ của sự vây hãm này không phải có từ năm 1959 mà là từ đầu thế kỷ 19, khi những tên theo chủ nghĩa đế quốc ở Mỹ luôn muốn có được Cuba.  Năm 1902, một nhà sách phổ biến bản đồ Cuba dưới tựa đề: 'Thuộc địa mới của chúng ta: Cuba'.  Hoa kỳ sẽ làm bất cứ điều gì trong khả năng để đưa Cuba trở về tình trạng như thời trước cách mạng, biến Cuba thành một Puerto Rico, Haiti hay Cộng hòa Dominican, những nơi mà sự giàu có của thiểu số nổi lên thật sắt nét so với sự bần cùng của phần còn lại và nơi mà các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ chiếm được những khoản lợi nhuận choáng người.   Mỹ sẽ không mệt mỏi bám vào những lý do lỗi thời nhàm chán cũ và những đại diện của nó sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại chúng.

Bài viết của Salim Lamrani, Đại học La Sorbonne, Paris, bổ sung vài chi tiết từ Sandy Goodman, Báo Huffington Post.

M lược dịch

No comments:

Post a Comment