Bài này hay và sâu sắc è nhe, nói về nhiều vấn đề thuộc về một vấn đề, dài, nhiều dữ kiện nhưng lại...dễ nuốt.
--------------------------------------------
Hoàng tôi thường không khỏi cảm thấy bối rối khi nghe ai nhắc đến ăn Tết đến mừng sinh nhật, mừng xuân hay nói chuyện ngày mai, tuần sau, tháng sau, sang năm!
Ăn Tết trong tháng sáu âm lịch và sau tiết tháng Bảy Đông Chí?!! Đông đã hết chưa mà vội nói chuyện mùa xuân đây?
Để cho chắc ăn, Hoàng tôi chạy ra vườn nhìn lại cây anh đào kép đang nụ lăn tăn như hạt tiêu. Chẳng thấy hoa đào mùa xuân đâu cả!
Nhìn lui nhìn tới chỉ trừ cây trà mi và mấy chậu lan khoe sắc nhưng cây trà mi mới về với tôi nên không biết mùa nào có bông, còn lan là hoa thu đông! Chưa kể chậu freesia e ấp như an ủi Hoàng tôi khỏi nhớ cảnh phong trang trên núi và liên tưởng đến những câu thơ trong bài Ta Về của Tô Thùy Yên:
Trời cho sống chín hay nghiệp còn nặng thì bất quá cũng chỉ có 10 bó để xài.
Kiếp người, giỏi lắm thì cũng chỉ ngáp ngáp vỏn vẹn 36.000 ngày, 1.200 tháng, 5.200 tuần, hay 864.000 giờ, nói chung là 10 bó tối đa. Mà 10 bó thì đâu có nhiều nhặn gì cho cam sao người ta cứ vội xài như xài bạc giả? Đúng là đùa với thời gian!
Nhưng cự nự thì cũng dê kêu thôi. Kiếp người hình như ai cũng mang cái bệnh chưa đi đã đến, bỏ hiện tại mà chạy lơn tơn đi đón tương lai như người tin thiệt ngày mai ăn phở khỏi trả tiền!
Hoàng tôi có người anh em thân hơn ruột thịt, chỉ phải một tội mê gái.
Một hôm trời mưa hắn ghé tôi mặt buồn xo như cái mền ướt. Tôi làm bộ ngạc nhiên:
-Ơ hay, sao đi một mình vậy, cái cối xay thịt đâu?
-Ôi, ông đừng hỏi nữa, tui cho bả nghỉ chơi rồi?
- Thiệt không đó? Chi mà trầm trọng dzậy há? Thôi làm ly cà-phê đã. Trăm phần trăm! Đâu còn có đó...
Nhâm nhi ly cà phê hắn kể cho tui nghe lý do hắn Tarzan nổi giận.
Thì ra cứ mỗi lần gặp nhau là cô nàng cứ như cóc bỏ dĩa, thỉnh thoảng lại liếc nhìn đồng hồ như mấy tên khủng bố gài bom nổ chậm. Rồi hết đòi về đi thăm mẹ đến về vì có hẹn với con, hay với bà con chị em...nghĩa là chẳng có thì giờ tâm trí nào dành cho hắn, ngồi với hắn mà tâm trí để đâu đâu.
Hắn nóng mũi sững cồ: - Sao em không làm xong mấy chuyện ấy rồi đến???
Thế là hai đứa gây nhau. Hắn mệt mỏi vì mối tình chàng trong cánh cửa, thiếp ngoài chân mây đó nên đổ quạu bảo cô ấy tự hậu đừng đến nữa!
Thế là...xong om củ chuối, bai bai, em đi đường em, anh đi đường anh, cho nên trời mưa buồn quá hắn đành vác xác gặp tôi! Tội nghiệp.
Hoàng tôi định tìm lý do giảng hòa hay an ủi hắn. Nhưng tìm mãi không ra.
Từ đầu, khi hai đứa có vẻ chịu đóng đèn, tôi đã tiên liệu chuyện này, và nói xa nói gần mối nguy bắc cóc bỏ dĩa, thực bất tri kỳ vị này...
Đáng buồn là hắn không hiểu còn người hắn yêu thì không nghe...Thôi thì, thôi thì thôi...
Con người đã bội tình với hiện tại chỉ vì ham chạy theo tương lai và rề rà với quá khứ ảo mà ra.
Không ai tắm hai lần trên cùng một giòng sông. Nhưng cũng không ai quyết tắm hai lần trên cùng một giòng sông. Biết vậy nên tôi rất ngại thề hứa, bởi thề hứa là tự đông đá đời mình trong quá khứ và đày biệt xứ đời mình trong tương lai chưa đến.
Ngày xưa còn đi làm, sáng thức dậy tất bật chạy ra trạm xe buýt chờ.
Nhiều lúc, nhất là sáng thứ hai đầu tuần kế tiếp weekend phất phơ phè cánh nhạn, nghĩ đến một ngày dài ở trường, với bao khó khăn nhàm chán tôi nản quá muốn bỏ cuộc quay về... Nhưng quay về thì lấy chi mà ăn tiêu?
Rồi đến một ngày tôi tự thấy cái lo bao lo biến vô bổ tai hại của mình nên tự nhủ: Mẹ kiếp, đâu còn có đó! Đã đến trường đâu mà lo!
Rồi tôi nhìn mặt trời qua vòm lá cây, lắng nghe chim hót và nhiều khi ư ử hát một bài hát hay ngâm một vài câu thơ mà tôi thích. Những bạn đồng hành chờ xe buýt nhìn tôi như thằng chạm điện... kệ họ, tôi khỏi bị cái văn phòng trường ám ảnh quấy rầy là được...
Xem TV thỉnh thoảng thấy đài quảng cáo hai ngày nữa chiếu phim X, tuần tới chiếu phim Y..., Hoàng tôi cứ nhún vai tơ lơ mơ như nghe chuyện tào lao. Hôm nay sống chưa hết ngày, tuần này sống chưa hết tuần tại sao phải băn khoăn hai ngày nữa hay tuần tới!?
Mới đây, Hoàng tôi đã tình cờ được đọc một đoạn sách nhắc tôi chớ bỏ mâm cơm trước mặt mà chạy theo Mac Donald free ngày mai. Đoạn sách đó kể thế này...
... “Xưa kia ba ông già bàn đến việc đời vô thường [không bền bỉ]. Có một ông già nói rằng:
nghĩa là:
Một ông già khác lại nói: -Ông nói xa vời lắm!
nghĩa là:
Ông thứ ba bèn nói: -Ông nói cũng còn xa!
nghĩa là:
Con người sống cũng giống như khách hàng vào nhà băng xin credit card có thời hạn hiệu lực.
Một trăm năm là mức nợ mà ngân hàng cho mình tha hồ xài. Xài không hết là ngân hàng tự động lấy lui, credit card tự động vô hiệu lực.
Cho nên hết trăm năm là finito, là phơi áo, là cháy túi, là hai năm mươi, là đi...đong!
Điều kỳ lạ là ai cũng ham mượn nợ nhưng không ai xài hết nợ được ủy cho, ai cũng dè sẻn từng xu nhưng không ai chịu tằn tiện với thời gian cả. Dĩ nhiên, không kể mấy ông mấy bà liều ham phê ham choác coi chuyện quá liều lượng như dê kêu, hoặc mấy ông ham đánh cướp có vũ khí được ăn không được đền, hoặc các ông số con rệp phải đi quân dịch bên Iraq hay Afghanistan...Bằng không thì chẳng mấy ai xài cạn láng, xài tuốt cả 10 bó, ngay cả những thiên tài vĩ nhân muốn đội đá vá trời hay lật trời đổ nước...
Cứ kể tên và tuổi thọ của họ theo thứ tự abc mà Hoàng tôi còn nhớ thì đủ rõ. Này nhé, tính theo tuổi tây chứ không ăn gian thêm một kiểu tuổi ta thì...
Alexandre Đại Đế 33 tuổi chẵn, Lê Duẩn 79, Gandhi 79, Thành Cát Tư Hãn 65, Hitler 56, Hồ Chí Minh 79, Jesus 33, Khomeini Ayatollah 89, GH John Paul II 85, Khổng tử 72, Lão tử 73, Lenin 54, Lê Lợi 48, Lincoln 59, Lý Thường Kiệt 69, Mao Trạch Đông 83, Muhammad 62, Napoleon 52, Nguyễn Huệ 40, Nguyễn Hoàng 88, GH Paul VI 81, Phật Thích Ca 80, Stalin 74, Tần Thủy Hoàng 49, Washington 67...
Đó là chưa kể mấy ông bà dzua Ai Cập, hở ra là xây kim tự tháp để thách thức với sa mạc, như Tần Thủy Hoàng xây Vạn Lý Trường Thành để đùa dai với lòng dân.
Nhìn vào danh sách đó hẳn phải thấy là chẳng có ngài nào lột da sống đời, chẳng có cụ nào sống trọn vẹn 36 ngàn ngày cả, ngay cả trượng phu hiền nhân quân tử, ngay cả những ông thần nước mặn, trời thần đất lở, thầy chạy nghe tên đã ớn lạnh ...
Cho nên trăm năm tính cuộc vuông tròn là nói mà chơi, nghe qua rồi bỏ đó chứ đừng tưởng bở!?
Bài nhạc Dư Âm của Nguyễn văn Tý nghe rất sến, nhưng có một câu đáng để ý đó là câu: Hẹn em từ muôn kiếp trước...
Không biết Vũ Hoàng Chương hay Đinh Hùng, ai đã từng than thở kể công chung tình với người yêu:
Phải chờ đợi ba mươi năm nghe đã nản thế mà NVT dám kiên nhẫn chờ từ muôn kiếp trước!
Không biết khi nói như vậy, NVT có nghĩ đến chữ kiếp dài bao nhiêu không?
Không biết NVT có đọc Nhị Khóa Hiệp Giải [2] giảng về Kinh A Di Đà không, về kỳ gian của kiếp không?
Thật vậy, kiếp hay còn gọi là thời kiếp, chỉ một thời gian dài.
Có người đã cố gắng đưa ra một ví dụ như sau. Muốn biết một kiếp sơ sơ dài bao lâu thì cứ tưởng tượng một người dùng tấm khăn lụa chà láng một khối đá vuông vức 1 dặm hay 1,6 kilômét cho đến khi khối đá đó mòn hết. Nói thế khác, thời gian dùng để hóa kiếp cho khối đá biến mất là một kiếp[3].
Theo Hòa Thượng Khánh Anh thì mỗi kiếp, dù là tiểu kiếp, cũng sơ sơ dài 16 triệu năm[4]
Theo Đoàn Trung Còn, 10 tiểu kiếp là một trung kiếp.
Kiếp dài mút chỉ như vậy, nhưng Phật giáo còn nói đến A-tăng-kỳ kiếp. A là vô, không kể số, không thể đếm, a-tăng-kỳ kiếp là vô số kiếp, không kể hết, không đếm được[5].
Trở về lời bài nhạc Dư Âm, hiểu một cách nôm na bình thường thì muôn là 10 ngàn và muôn kiếp trước kiếp trước là 10 ngàn kiếp trước. Như vậy là 160 ngàn triệu năm trước hay 160 tỷ năm trước hai người đã gặp nhau và đã hẹn hò? Thật không?
Nghe qua thì tưởng NVT cương hoảng, nhưng nghĩ lại lời Phật nói hay kết quả tính toán của khoa vũ trụ học hay khoa vật lý thiên văn không khéo NVT nói khơi khơi vậy mà đúng?!
Nói cho cùng thì NVT cũng chỉ nhai lại một cách văn vẻ lời Phật nói mà thôi. Phật nói:
...Trước khi ta được làm người, ta đã từng làm đất đá, cây cối, chim chóc và muông thú. Các con cũng vậy... Trong những kiếp xa xưa, các con cũng đã từng làm đất, đá, cây cối, chim muông. Ngày hôm nay ta được gặp các con cũng có thể là vì trong những kiếp trước ta và các con đã từng gặp nhau. Chúng ta có thể làm cho nhau sướng, chúng ta đã có thể làm cho nhau đau khổ[6]
Tiền kiếp của Phật là đất đá, cây cối, chim chóc và muông thú? Thật không? Chẳng lẽ Phật xạo hay cà khịa những kẻ chấp nhận Phật là đấng đại giác sao?
Để khỏi mang tiếng giỡn mặt Phật, Hoàng tôi thử gắng nhìn vào những lý chứng khoa học dù thừa biết Phật không nói ngược khoa học nhưng cũng không vụ lý vụ thực như khoa học. Phật chỉ đi trước và đi sau khoa học. Cái khoa học chưa thấy thì Phật đã thấy và cái khoa học không chịu thấy thì huệ nhãn của Phật ghi nhận.
Vậy thì, theo vật lý thiên văn, vũ trụ học và nhân chủng học...từ đất đá chim muông đến người thì bao nhiêu kiếp, bao nhiêu năm?
Câu trả lời cuối cùng có lẽ là của Stephen Hawking:từ Tiếng Sấm Ban Sơ, từ Big Bang [7]
Không kể đến lý thuyết cổ xưa làm cho người ta nghĩ ba lơn rằng Hoàng Thiên Thượng Đế rảnh rỗi không có chi làm nên khơi khơi bày ra vũ trụ càn khôn và không thèm nói cho ai biết là nếu cái gì mà cũng nhất định có kẻ bày ra thì ai bày ra Hoàng Thiên Thượng Đế?
Nhưng như Tử Lộ Từ Đạo Hạnh[8] nói đã có thì phải có tự mảy may, nên ít ra thì kiếp chúng sinh, kiếp người ít ra thì cũng khởi đầu từ một mảy may nào đó. Như chính tâm của Phật giáo, đồng quy nhi thù đồ của Nho giáo, thiên địa chi thủy của Lão giáo vậy...
Thôi cứ tạm cho mảy may đó là phôi bào[molecule]. Phôi bào đó có từ địa cầu hay từ đâu đến là điều đang làm nát óc các nhà khoa học. Nhưng xin đừng vội dẹp đi mà các nhà thế mạt luận, vũ trụ luận, thần học, vật lý thiên văn, thiên văn học thất nghiệp, tội họ. Cứ để cho họ có việc làm, có cớ mà nói qua nói về với nhau.
Phôi bào biến thành cua cá tôm nghêu sò ốc hến lội dưới nước là khoảng bao lâu?
Ted Daeschler thuộc Viện Tự Nhiên học Philadelphia đã thử trả lờ câu hỏi đó...
Daeschler là kẻ đã phát hiện ra trên đảo Ellesmere thuộc Canada con cá Tiktaalik đã hóa thạch sống cách nay 375 triệu năm.
Tiktaalik cũng có vi có vẩy như cá chỉ khác là có thêm chân, có cổ có sườn và những bắp thịt phôi thai như thú[9]
Như vậy, Tiktaalik mà khoa học gọi là Fishopod, nửa cá nửa thú, có phải là con cá đầu tiên vượt biên lên bờ làm thú và là tổ tiên của các loài khỉ, tinh tinh, đười ươi...không thì còn chờ khoa học trả lời.
Điều chắc chắn là cá bỏ nước lên bờ làm thú là hiện tượng từng xảy ra cách nay 375 triệu năm!
Chưa kể thời gian trước đó có thể khoảng 3 tỷ năm[10] từ tiếng sấm ban sơ cần thiết cho trái đất nguội đi, cho nước nguội đi thì phôi bào mới phát triển thành hải sản và hải sản mới mong sinh sôi nẩy nở được chứ không sôi như kiểu phún thạch từ hỏa diệm sơn...
Nói chuyện cá bỏ nước lên bờ làm khỉ làm Hoàng tôi nhớ đến một lý thuyết tại sao khỉ hay tinh tinh đi bốn chân mà người lại hai chân?
Không lý Hoàng Thiên Thượng Đế đã cắc cớ bày ra khỉ bốn chân mấy trăm triệu năm trước giờ lại bày ra người hai chân?
Lý thuyết đó được đưa ra hình như là khi người ta khám phá ra người Bắc Kinh xuất hiện trên trái đất cách nay khoảng 500 ngàn năm.[11]
Thuở ấy tổ tiên loài người hao hao giống Tôn Hành Giả bò bốn chân. Khi đồng bằng rừng núi lụt lội phải leo lên cây mà sống, phải vịn cành mà đi, riết rồi xương sống cong vì bò đã thẳng dần ra vì phải vịn níu cành mà đi.
Hết lụt, nước rút đi, trở xuống đất sống thì quen đi thẳng xương sống, khỏi bò nữa! Người Bắc Kinh bắt đầu định hình...
Nói nghe cũng được, chỉ kẹt một cái là chuyện ấy xảy ra cách nay nửa triệu năm nhưng người đứng thẳng thì có ít ra cũng 6 triệu năm, nghĩa là xưa ít ra cũng gấp mười lần người Bắc Kinh, khoa học gọi người đứng thẳng là upright hominid [11]
Một giải thích mới đây là của Andrew Sockol trong khi nghiên cứu làm luận án tiến sĩ về nhân chủng học của đại học California-Davis.
Sockol cho rằng loài khỉ bỏ kiểu bò bốn chân để đi hai chân là để tiết kiệm nhiên liệu, nghĩa là bớt cảm thấy đói, bớt phải ăn, thế thôi, và chuyện ấy đã từng xảy ra từ mười triệu năm trước.
Qua nhiều nghiên cứu thí nghiệm cẩn thận với người và các loại khỉ, Sockol đưa ra những số liệu chứng minh rằng đi hai chân thay vì bò bốn chân đã giúp sinh vật tiết kiệm 75 % nhiên liệu, nghĩa là xài ít đi đến 75 % nhiên liệu, và thay vì ăn bốn bữa chỉ phải ăn một bữa là đủ.[12]
Khám phá của Sockhol có hai điều đáng ghi nhận.Thứ nhất, hú hồn hú vía, nếu mấy trăm triệu năm trước đây mà loài khủng long dù đã ăn chay với cỏ cây, lá cành thôi, mà cũng nhịn ăn bằng cách đi hai chân cho đỡ tốn calorie, khỏi phải thấy đói, khỏi phải ăn thì biết đâu, thế giới ngày nay đã là một Jurasic Park rồi? Thứ hai, mấy bà mấy cô thay vì tốn tiền cho thuốc ốm hay đám đầu cơ bí quyết giảm cân, cứ tập đi bốn chân tiêu hủy hết calorie, ăn vào chừng nào là tiêu hủy hết chừng đó thì riết rồi phải ốm. Ừa, sao mấy bà mấy cô không thử đi bốn chân xem sao? Đã đỡ tốn mà vui nữa!
Người tây phương có lẽ băn khoăn vì cốt khỉ nên hơi bận tâm về những gì là khỉ, cho nên họ có rất nhiều tên để chỉ...đồ khỉ vì ngoài loài khỉ [monkey] chung chung ra từ ngữ Tây phương còn có ape [khỉ không đuôi, khỉ hình người], gorilla hay orang-utan [đười ươi] chimpanzee [loài tinh tinh], gibbon [vượn]...
Thông tấn xã Reuters đã tường thuật phát hiện của Tiến Sĩ Elwyn Simons của đại học Duke về các thú vật thượng đẳng như người, tinh tinh hay khỉ không đuôi cho biết đã tìm ra xương sọ của một giống khỉ trong sa mạc Ai Cập, lâu chừng 36 triệu năm. Về niên đại của loài khỉ này thì Simons quả quyết: Nếu bạn tìm cách vén màn lịch sử nhân loại thì đây là chương thứ nhất. Năm tới biết đâu sẽ có kẻ có thể phát hiện một chương sớm hơn nữa, nhưng ngay bây giờ thì đây là chương thứ nhất.
Simons đặt tên la-tinh cổ cho chủng loại thượng đẳng gần với nhân loại đó là Catopitecus[13]
Theo Jared Diamond thì thời gian 36 triệu năm cũng chính là thời gian cần cho loài khỉ hình người [ape] trở thành nửa người nửa ngợm [upright hominid], nghĩa là đứng thẳng đi thẳng với hai tay thòng đánh đòng xa như người.[14]
Bởi nguyên lai tùm lum tề lê như vậy cho nên người Tây phương mới dùng chữ la-tinh cổ để chỉ từng giống loại. Ví dụ như giống đười ươi được nói là gần với tổ tiên người aborigine ở Australia thì được gọi là Australopitecus. Ngoài ra còn có Pongo pygmeaeus [đười ươi], hoặc Pan troglodytes [tinh tinh], hoặc Hylobates [vượn], nửa người nửa ngợm thì có Australopitecus hominid, Australopitecus africanus, homo habilis, Australopitecus robustus, homo erectus, homo sapiens.
Hominid xuất hiện cách nay 6 triệu năm, homo sapiens xuất hiện cách nay 500.000 năm. Còn vấn đề tại sao không gọi homo sapiens là Australopitecus sapiens mà lại gọi là homo sapiens thì khoa học lờ đi mặc dù theo Jared Diamond thì gene của tinh tinh hay vượn có đến 99,9% giống người! [nguyên văn: The remaining 98.4% of our genes are just normal chimp genes.
Về căn cốt di truyền thì Jared cũng nói chi tiết nguyên văn:... the common[ancestor] and pygmy chimps share about 0.7% of their DNA and diverged about three million years ago; we share 1.6% of our DNA with both chimps and diverged from their common ancestor about seven milion years ago; gorillas share about 2.3% of their DNA with us or with chimps and diverged from the common ancestor leading to us and the two chimps about ten million years ago.[15]
Có thể có người hôm nay còn tin địa cầu là cái rốn của vũ trụ, rằng trái đất phẳng như cái bàn ủi và người là hậu duệ trực tiếp của Adam-Eve cách nay 6 ngàn năm. Dù không biết Eve đẻ được mấy con thì nghỉ đẻ và đến mấy tuổi thì Eve nghỉ đẻ...những vị đó mà nghe nói mình có bà con với khỉ thì không khỏi cự nhoi lên như...khỉ nghe mùi ruốc hay ăn ớt cho mà xem!
Nhưng ngôn ngữ của loài người, ít ra là người Việt, lại không hoàn toàn phủ nhận cái cốt khỉ hay dấu tích của kiếp khỉ trong con người qua những cụm từ như nửa người nửa ngợm, làm trò khỉ, đồ khỉ, đồ yêu tinh, đồ chằn tinh...
Chằn tinh không hẳn là tinh ma vì có ai chắc thấy ma đâu mà quả quyết là giống ma?!
Yêu tinh hay hắc tinh tinh có thể là giống khỉ lùn tịt Tây phương gọi là pygmy chimpanzee đi bốn chân cũng được mà hai chân cũng xong như con khỉ của Tarzan trong các phim Tarzan.
Với lại, bị mắng là khỉ hay người không ra người, đười ươi không ra đười ươi... thì chắc là không thích rồi nhưng chuyển kiếp mà phải làm khỉ như Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký thì thử hỏi ai mà không ham?!
Tóm lại, trước khi làm người, biết đâu Bất Hoàng tôi hay ít ra tổ tiên của Hoàng tôi chẳng phải đi qua cái cầu, hay kiếp, phôi bào rồi cá, rồi đủ thứ khỉ, đủ loài khỉ. Có gì mà phải quê, Phật còn bảo tiền kiếp của mình là cỏ cây, đất đá, muông thú đó thì sao?!
Từ phôi bào đến người là mấy triệu năm.
Sinh sôi nẩy nở từ cá, nghêu sò ốc hến đến khỉ đủ loại đến người thì cần mấy kiếp và mấy năm? Đã không tin khoa học thì thôi, tin khoa học rồi thì không thể bỏ qua sự kiện là cả vũ trụ càn khôn đã có từ tiếng sấm ban sơ hay Big Bang cách nay 13.7 tỷ năm.[16]
Một trong những phát hiện của vũ trụ học năm 1929 là vũ trụ không đứng yên mà co vô dãn ra hoài.
Và co dãn nhúc nhích là bị cuốn hút vào những hố đen [Black Holes] và tung toé ra theo theo luật tỷ trọng và nhiệt lực, nghĩa là lại theo luật thành trụ hoại không mà cấu thành những khối vân tinh hay những dải thiên hà như dải thiên hà của chúng ta.
Sau tiếng sấm túi bụi càn khôn đó, những mảnh bụi vụn họp nhau mà làm thành những khối vân tinh. Khối vân tinh trong đó có thái dương hệ, và trong thái dương hệ đó có quả đất tí tẹo gọi là dải ngân hà ước tính khoảng 400 tỷ ngôi sao.[17]
Ba vạn sáu ngàn ngày! nghe dài thườn thượt nhưng có thiệt như vậy không?
Con người hay đứng núi này trông núi nọ. Chưa hết buổi mai đã lo buổi hôm, chưa hết hôm nay đã lo hôm mai, chưa hết tuần nay đã lo tuần sau, chưa hết năm nay đã lo sang năm.
Dĩ nhiên, lo xa thì vẫn hơn là bắt nước đuổi gà. Nhưng lo bao lo biến mà quên hiện tại thì cũng bất công không phải với hiện tại mà với chính mình nữa.
Hoàng tôi chào đời vào năm hòa bình của nhân loại. Nhưng chỉ mấy tháng sau là thiên hạ nhào dô giết nhau bằng thích. Hè nhau đòm đòm hóa kiếp nghe đâu cũng đến 55 triệu mạng.
Ánh chớp chói lòa của hai quả bom nguyên tử ở Nhật làm cho những người hiểu biết trên thế giới thấy rằng mình đang chơi dại, đang đùa với lửa, nhất là lửa nguyên tử.
Hawking kể là năm 1945, Tạp Chí Các Nhà Khoa Học Nguyên Tử [Bulletin of the Atomic Scientists], đã bảo trợ một hội đồng gồm các nhà khoa học và chính khách có thế lực cùng 18 người được giải Nobel đã họp nhau để bàn tính xem còn bao lâu nửa, và bằng cách gì thì nhân loại sẽ chết chùm, quả đất thành tro bụi?
Hai năm sau, năm 1947, nhóm này dựa vào mức tàn phá và sự phổ biến của vũ khí nguyên tử để đi đến kết luận là nhân loại chỉ còn 5 phút để sống còn!
Cái đồng hồ chỉ giờ nhân loại tận thế được được hội đồng này bảo quản và hiện đang cất giữ ở Chicago đã được các thành viên hội đồng đồng ý vặn kim chỉ đúng 12 giờ kém 5.
Năm 1953, khi có tin Mỹ đã thí nghiệm vũ khí hạch tâm hay bom khinh khí thành công thì kim giờ kim phút của đồng hồ tận thế này được đẩy tới 11 giờ 58 phút , nghĩa là nhân loại đang tiến lần đến chỗ tận diệt thêm 3 phút!
Nghĩa là với bom khinh khí nhân loại chỉ còn 2 phút nữa để tiêu tán thòn![18]
Đó cũng chính là lúc những người có lòng bắt đầu nói đến tiếng MAD.
Mad có nghĩa là khùng điên, nhưng đồng thời cũng là chữ tắt của cụm từ Mutual Assured Destruction, đại để có nghĩa như chết chùm là cái chắc! Nhưng nhân loại vẫn sống nhăn! Cho nên hai phút mới kéo dài 54 năm!
Hú hồn hú vía, vậy mà bao nhiêu năm nay Hoàng tôi vẫn nghĩ chỉ có vụ hỏa tiễn ở Cuba năm 1963 là nhân loại cận kề với thảm họa tiêu ma, còn ngoài ra từ 54 năm nay, thì chỉ thót bụng nín thở chờ... Big Bang!
Nghe lời Phật rồi so sánh với những kết quả hiển nhiên của khoa học và nhớ lại những lời nhạc của Trịnh công Sơn như /ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau/ hay /làm sao em biết bia đá không đau/ hay /hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/... thì mới thấy Sơn không cường điệu quá đáng mà quả thực Sơn đã thấm đậm nhãn quan a tăng kỳ kiếp luân hồi của nhà Phật hơn Hoàng tôi!
Nhưng tự ví tiền kiếp của mình là hạt bụi thì có hơi tự thị không?
Bởi so với vũ trụ càn khôn thì dải ngân hà còn là epsilon huống nữa là địa cầu. Mà dải ngân hà trong đó có thái dương hệ và quả đất sơ sơ cũng khoảng 400 tỷ ngôi sao, vậy thì quả đất là cái gì và con người trên quả đất là cái gì? Có đáng tự nhận là một hạt bụi trong đám bụi 400 tỷ đó không?
Chiến tranh thứ hai chấm dứt, nghe đâu nhân loại chỉ hơn hai tỷ, loay hoay sao mà bây giờ đã gần 7 tỷ bất kể sức tàn hại của hơn những cuộc chiến lớn nhỏ trên 121 quốc gia.
Cũng có thể vì người ta đã gờm tay mệt mõi trong đại chiến thứ nhì?
Cũng có thể người ta đã thấy yêu thương dù sao cũng... khoái hơn đâm chém bắn giết nhau?
Phải chăng vì vậy mà dấu hiệu peace now hay make love not war tượng trưng bằng ba khẩu súng gác theo thế thao diễn nghỉ thấp thoáng hình ảnh hai người đang làm tình?
Theo Reuters ngày 30/05/07 thì năm 2002, chỉ có 15 ngàn người chết vì danh nghĩa chiến tranh, nghĩa là theo nguyên tắc, quốc gia này đánh nhau với quốc gia khác. Số đó năm 2003 đã lên quá 20 ngàn vì chiến tranh Iraq. 20 ngàn là số thân thiện thôi, thực tế chắc còn cao nữa!?
Văn phòng tình báo [The Economist Intelligence Unit] ở Na Uy do tạp chí kinh tế của Anh [The Economist] bảo trợ xét theo các chỉ số hòa bình toàn cầu [Global Peace Index] đã liệt Mỹ vào hạng 96 trong 121 nước hiếu hòa trên thế giới. Có lẽ cũng vì TT Bush nóng mũi vì mấy ông al- Qaida ở Afghanistan và bin Laden ở Iraq?
Điều ngạc nhiên là ngày nay người ta không chết vì chiến tranh mà vì tự tử hay vì nóng mũi hay nổi máu gà say nên đâm chém hay bắn nhau èn èn vì sẵn súng sẵn đạn.
Thông tấn xã AFP loan báo thống kê của tổ chức Y Tế Quốc Tế [WHO] của Liên Hiệp Quốc cho biết năm qua đã có khoảng một triệu người chết lãng xẹt vì những lý do kể trên, nghĩa là chết vì những nguyên nhân có thể đề phòng được. Nước Mỹ chẳng hạn...
Trong khi mà tiến bộ kỹ thuật có thể giúp Mỹ đưa người lên mặt trăng và đi về dễ như chơi thì ở Mỹ mỗi năm có khoảng 200.000 người đã bỏ mạng vì bác sĩ sơ ý hay cho thuốc ẩu.
Theo phúc trình của tổ chức Health Grades Foundation của Mỹ thì mỗi năm có 195.009 người chết vì bác sĩ sơ ý lỡ tay! [19]
Cho nên, nhìn vào tiến trình thành trụ hoại không của vũ trụ càn khôn, Hoàng tôi tự thấy nghĩ rằng mình là hạt bụi của những hạt bụi trong vũ trụ này đã là quá đáng cũng như qua bao nhiêu biến thiên thăng trầm của nhân loại và chính quê hương mình, xét cho cùng, Hoàng tôi chỉ là kẻ sống sót kẻ được hưởng án treo.
Mỗi sáng thức dậy, Hoàng tôi thường ngồi phơi nắng vừa nhai trái cây vừa quán mặt trời, vừa tưởng tượng đến tam thiên đại thiên thế giới, vừa lẩm nhẩm niệm lục đại tự minh chú để cho đầu óc khỏi bận bịu vì cặp giò làm reo!
Nhiều lúc nổi cáu vô duyên với đôi chân của mình thì Hoàng tôi bày ra cách hành hạ khổ sai chúng bằng tâm nguyện sẽ hồi hướng khơi khơi công đức những bước đi nặng nề khổ nhọc cho những kẻ đồng bệnh như Hoàng tôi để lấy đó mà cố gắng, nghĩa là bắt đôi chân phải lao động! Dù sao thì ít ra tôi có đau khổ cáu sườn cũng có ích chứ?!
Nắng ấm buổi sáng mùa Đông mơn man trên tóc, trên mặt, trên ngực và Hoàng tôi không khỏi cũng thấy hạnh phúc...ít nữa thì cũng hơn những người Iraq đang dáo dác tỵ nạn chiến tranh hay nhìn tới nhìn lui xem có bom biết đi biết chạy không. Ít nữa thì cũng sướng hơn những người đang bì bõm trong mưa lụt khắp nơi trên thế giới.
Hoàng tôi tự nhắc nhở mình rằng một ngày yên hàn an lành là một tặng phẩm của nghiệp báo, một bonus của thời gian.
Hoàng tôi thấy mình nhỏ bé quá nên cố gắng giản lược những ước mơ và dự tính cho nhỏ bé bằng 10 bó mà số kiếp đã giao cho, bằng quả đất trong dải ngân hà, và giải ngân hà trong càn khôn vũ trụ thì càng tốt.
Hoàng tôi nhớ lại lời nhắc nhở của Einstein: giá trị mỗi người tùy thuộc thành quả giản lược cái ngã của mình.
Thôi thì cứ tà tà mà sống, được nhỏ bằng hạt bụi trong dải ngân hà càng khoẻ!
Hoàng tôi cứ như người bộ hành cà nhong hay con chim khuyên nhởn nhơ nếm những trái cây mình đã lận đận vun xới, hoặc những trái cây mà quá khứ mình ăn rồi vô tình phun hột bên vệ đường...giờ đến tháng đến ngày mọc chín như mấy cây bình bát hay nhãn lồng bên vệ đường hay dọc bờ kênh vùng Miền Tây.
Dại gì sống vội mùa xuân chưa tới. Dại gì tiễn xuân đi khi xuân chưa hết?
Hôm nay là xuân, mai còn xuân mà!
Hình như đó là Nguyễn Bính nói chứ không phải Hoàng tôi!
Nhưng ai nói thì nói, mình cứ mừng xuân đi, tội gì, phải không?
Hoàng Nguyên Nhuận
GHI CHÚ :
1-Nguyễn minh Thiên - Dưỡng Chơn Tập - Saigon 1957, Thiền Lâm tái bản, Houston 1995. tr18-19]
2-Thích Khánh Anh - Nhị Khóa Hiệp Giải - Phật Học viện Quốc Tế tái bản 1989]
3-Chân Nguyên-Nguyễn tường Bách-Từ Điển Phật Học - Thuận Hóa, Huế 1999 tr214.
4-Thích Khánh Anh – sđd, tr319].
5-Đoàn trung Còn- Phật Học Từ Điển I Khánh Anh tái bản, tr145]
6-Minh Thiện & Diệu Xuân - Lịch Sử Đức Phật Thích Ca - Đặc san HIỆN THỰC Số 11/2007, tr100]
7-Stephen Hawking - A Brief History of Time From Big Bang to Black Holes [Bantam Books - London, 1988]
8-Nguyễn quốc Thắng-Nguyễn bá Thế- Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử VN, nxb Văn Hóa 1993- tr934 - Phan kế Bính dịch -Nguyễn đăng Thục trích - Lịch Sử Tư Tưởng VN I - nxb TPHCM 1992, tr119.
9-Fossil Discovery - Pbs.org ngày 06/04/2006].
10-Stephen Hawking- sđd - tr131.
11-Jared Diamond- The Rise and Fall of the Third Chimpanzee, Vintage, London 1992, tr30.
12-Michael Kanellos -Why do humans walk on two legs? To save energy - CNET news.com 30/06/07.
13-Bones of our first forebears - The Sydney Morning Herald,03/07/1995.
14-Jared Diamond- sđd – tr30.
15-Jared Diamond-sđd - tr17.
16-Stephen Hawking- sđd - tr121&tt.
17-AFP 22/02/06.
18-Doomsday clock moves closer to the end-The Australian số ngày 19/01/2007 viết theo Reuters và London Telegraph.
19-Thông tấn Aljazeera tổng hợp ngày 08/07/2004.
No comments:
Post a Comment