Đăng ngày 22/05/2008
Từ hơn bốn chục năm nay, chưa bao giờ chúng ta tổ chức một lễ Phật Đản lớn như lần này. Lớn về cả mọi mặt: về tôn giáo, về văn hóa, về xã hội, và, xin nói thẳng, về cả chính trị. Tại sao tôi dám nói: về cả chính trị? Đơn giản quá, vì rằng thủ đô của chúng ta, Hà Nội, là thủ đô Phật giáo của thế giới trong ba ngày vừa qua. Mà không phải chỉ trong ba ngày. Cả năm!
Cả năm nay, từ ngày Việt Nam đăng cai tổ chức “Ngày Phật Đản của LHQ” 2008, cả thế giới đều biết Việt Nam không phải chỉ là một nước đã có chiến tranh, cũng không phải chỉ là một nước đang trên đà phát triển kinh tế: Việt Nam sáng lên như một nước có văn hiến, có bản sắc, trong một thế giới mà nhiều người cho là đang đi đến đồng bộ. Như vậy chẳng phải là một thắng lợi chính trị của Việt Nam hay sao?
Năm ngoái, trước ta, Thái Lan đã được vinh hạnh tổ chức ngày Đại Lễ này, và ngày đó, năm ngoái, trùng hợp với ngày nhân dân Thái ăn mừng thượng thọ Nhà Vua 80 tuổi. Năm nay, ta ngần ngại gì mà không nói: ta tổ chức Phật Đản và ăn mừng chiến thắng chính trị và văn hóa của nước ta?
Hãy nói lên một lần nữa: trong ba ngày vừa qua, Hà Nội là thủ đô Phật giáo của thế giới; trong Ngày Trăng Tròn năm nay, Huế, tiếp nối Hà Nội, cùng với cả nước, là thủ đô của thế giới Phật giáo. Hà Nội vừa biểu dương khí thế chính trị và văn hóa của nước; đến lượt Huế biểu dương khí thế tôn giáo và văn hóa của dân.
Đất cố đô này, và toàn cả nước, bày ra cho thế giới thấy một xã hội tôn giáo đầy chất sống, rực rỡ màu sắc, sẵn sàng tạo hậu thuẫn cho một Nhà nước “vì dân, từ dân, lấy dân làm gốc”. Chính trong tinh thần đó mà tôi hân hoan chào mừng sự hiện diện của chính quyền trong Ban tổ chức Đại Lễ Phật Đản 2008.
Tôi không xem đây như việc chính quyền xen vào nội bộ tôn giáo. Đặc biệt, tôi xem đây như một việc làm rất có ý thức, thể hiện điều tôi vừa nói: Nhà nước và Phật giáo cùng tổ chức ăn mừng chung một thắng lợi chung, một ngày rực rỡ chung.
Ý nghĩa của Phật Đản 2008 là như vậy. “Ngày Phật Đản của LHQ” này nói lên 3 sự kiện nổi bật. Một, là Phật giáo nói chung lớn mạnh trên thế giới. Hai, là Việt Nam lớn mạnh trên thế giới. Ba, là Phật giáo Việt Nam lớn mạnh trên thế giới. Đó là 3 điểm mà tôi sẽ triển khai.
Điểm thứ nhất: Phật giáo lớn mạnh trên thế giới
Phật giáo lớn mạnh, trước hết là vì bản chất của Phật giáo. Phật giáo mang đến giải pháp cho con người, con người nói chung, chứ không phải riêng gì cho người xứ này xứ nọ. Không như Ấn Độ giáo chỉ liên quan đến người Ấn, Thần giáo chỉ liên quan đến người Nhật, hoặc Do Thái giáo chỉ liên quan đến người Do Thái, Phật giáo, trái lại, đã là người thì ai cũng có thể đón nhận thông điệp của đức Phật.
Phật giáo lớn mạnh, thứ hai, là vì bản chất của chính thông điệp Phật giáo. Chiến tranh, hận thù, nghèo đói, bạo lực, áp bức, thời nào cũng có, nhưng thời nay, với phương tiện truyền thông nhanh như chớp, bao nhiêu hiện tượng đó nằm ngay trước mắt bất cứ ai, dù không phải là nạn nhân.
Nạn nhân khổ đã đành, người xem cảnh khổ trên màn ảnh cũng không thể không suy tư về cái khổ. Cái khổ diễn ra muôn hình vạn trạng. Ở xứ nghèo, khổ vì đói. Ở xứ giàu, khổ vì cô đơn, vì bất an trong nghề nghiệp, vì lạnh lẽo trong gia đình, vì mất an ninh trong xã hội, vì bị đe dọa ngay cả trong thức ăn và không khí, vì mất phương hướng trong cuộc sống.
Và dù giàu hay nghèo, ở đây hay ở đó, nhân loại nói chung, không trừ ai, đều là nạn nhân của một phi lý khiếp đảm, phi lý của cạnh tranh bất chính, bất lương, đưa cạnh tranh lên mức tận diệt môi trường, hủy hoại trái đất, đe dọa đời sống của thế hệ tương lai. Và như thế để làm gì? Để đè bẹp kẻ khác, để thống trị, để làm bá chủ.
Trước một thế giới bạo lực như vậy, ai có tư duy mà không nghĩ đến hình ảnh ngọn lửa trong kinh, lửa tham, lửa sân, lửa si? Hiển nhiên, đức Phật nói đến ngọn lửa thiêu đốt trong tâm con người, nhưng lửa đang thiêu đốt thế giới có xa lạ gì với lửa thiêu đốt con người? Tìm ở đâu cho thế giới hôm nay tiếng nói hòa bình đích thực, thuần khiết, tiếng nói từ bi thuần khiết, đích thực, nếu không phải nơi thông điệp của đức Phật?
Cho nên các ông tổng thư ký LHQ không ngớt lời nhắc nhở điều đó mỗi mùa Phật Đản. Họ nói: “Thông điệp đó ngày nay còn quan trọng hơn bao giờ cả”.
Phật giáo lớn mạnh, thứ ba, là vì con người ngày nay, trong thời hiện đại, gặp nhiều vấn đề tâm linh và tâm lý khó giải quyết và họ tìm được nơi Phật giáo giải pháp thích hợp nhất. Đó là lý do giải thích tại sao Phật giáo không ngừng lớn mạnh tại Âu Mỹ trong vòng phần tư thế kỷ vừa qua.
Khoa học, kỹ thuật đã mang lại cho con người nói chung bao nhiêu lợi ích vật chất, và đã mang lại cho Âu Mỹ trù phú về vật chất, tự do về tư tưởng. Thế nhưng con người vẫn là con người, nghĩa là vẫn ham muốn vô cùng tận, bao giờ cũng thấy thiếu.
Ngày xưa, cái cảm giác thiếu ấy đã khiến con người ở các xứ đó tạo ra thượng đế để lấp vào chỗ thiếu; ngày nay, thượng đế ở trên trời không đóng nổi vai trò ấy nữa, một thượng đế khác ở dưới đất thay thế ngay, và một tôn giáo khác điền chỗ vào: ấy là tôn giáo tiêu thụ. Ông thần ấy đánh đúng vào tâm lý thiếu của con người: một nhu cầu được thỏa mãn lập tức biến ngay thành thiếu. Từ nhu cầu căn bản đến nhu cầu hưởng thụ, con người hiện đại chạy theo cái thiếu hụt hơi.
Các bạn trẻ đang nghe tôi nói, một trong những vấn đề làm các bạn khó hiểu nhất khi đến với đạo Phật lại chính là vấn đề căn bản nhất mà nếu hiểu thì cái gì cũng hiểu. Sau khi chứng ngộ dưới cây bồ đề, đức Phật tuyên bố chân lý đầu tiên: cuộc đời là khổ. Các bạn đừng hiểu chữ khổ một cách nông nổi, cạn hẹp.
Đức Phật đã phân tích trạng thái khổ dưới nhiều dạng khác nhau. Khổ vì thân xác: đau yếu, bệnh tật, già chết. Khổ vì tinh thần: yêu mà không được yêu, yêu mà phải xa cách, ghét mà phải gần gũi, muốn mà không có được, có mà không giữ được, có mà hóa ra lầm, tưởng thế mà không phải thế ... Các bạn sẽ nói: thiếu gì giây phút hạnh phúc!
Quả vậy, nhưng hãy chiêm nghiệm mà xem: hạnh phúc có đấy nhưng đã qua vèo, không có cái gì thường còn trong đời sống này. Các bạn lại sẽ hỏi: vậy thì đạo Phật bi quan rồi? Không! Vậy thì đạo Phật lạc quan? Cũng không! Đạo Phật chỉ thấy sao nói vậy; đạo Phật chỉ vào sự thật mà bất cứ ai biết nhìn, biết chứng nghiệm với chính kinh nghiệm bản thân, đều thấy.
Các bạn lại hỏi nữa: như vậy đạo Phật không biết đến hạnh phúc hay sao? Đâu phải! Hạnh phúc chính là chuyện mà đạo Phật nhắm đến. Đức Phật nói khổ là để tìm nguyên nhân của khổ, rồi con đường dẫn ra khỏi khổ. Và tận cùng là gì? Là hạnh phúc! Hạnh phúc thực sự chứ không phải là những thú vui mà ta cứ tưởng lầm là hạnh phúc.
Khi ta biết rằng những thú vui rồi sẽ đi qua, đừng chạy theo nó hụt hơi nữa, thì đồng thời ta cũng sẽ thấy cái gì ở lại với ta: cái đó là hạnh phúc, hạnh phúc thực sự.
Bây giờ, tôi trở lại với con người hiện đại, nhất là tại Âu Mỹ. Ở thành phần trung lưu, thật sự họ có thiếu cái gì đâu! Vậy mà họ cảm thấy thiếu thường xuyên, càng có càng thiếu. Y hệt như người khát nước cứ uống nước mặn, càng uống càng khát. Cái tâm lý ấy, tình trạng ấy, là tâm lý gì, tình trạng gì? Là thất vọng. Là không thỏa mãn. Bao giờ cũng không thỏa mãn. Có rồi vẫn thất vọng.
Đó là cái tâm lý, cái tình trạng mà đức Phật diễn tả trong chữ “khổ” Khổ ấy mênh mông, mà bây giờ người trung lưu phương Tây thấy rõ hơn ai hết. Các bạn trẻ đừng sợ khi nghe nói: con người trầm luân trong biển khổ. Cái biển khổ ấy, người phương Tây thấy mình ngụp lặn trong đó, rồi từ đó họ chứng nghiệm thông điệp của đức Phật. Không ai cải đạo họ cả, chính họ tìm đến đức Phật.
Vậy, Phật giáo là đạo của giải thoát, đạo của từ bi, đạo của hòa bình. LHQ tuyên bố, qua miệng của nguyên Tổng thư ký Perez de Cuellar trong ngày Phật Đản 1986: “Triết lý ấy nằm chính trong tim của Hiến chương LHQ và phải được biểu dương trong mọi suy nghĩ của chúng ta”.
Với sự lớn mạnh của ảnh hưởng Phật giáo trên thế giới, LHQ bước thêm bước nữa: năm 1999, Đại hội đồng LHQ biểu quyết công nhận ngày Phật Đản là ngày của quốc tế, được làm lễ kỷ niệm tại trụ sở LHQ và tại tất cả các cơ quan của LHQ. Từ năm 2000, lễ Phật Đản mỗi năm đều được cử hành trong khung cảnh đó.
Năm 2007, đặc biệt lễ Phật Đản trùng hợp với ngày đăng quang thứ 60 và ngày sinh nhật thứ 80 của Nhà Vua, Thái Lan tổ chức “Ngày Phật Đản của LHQ” một cách trọng thể chưa hề thấy. Việt Nam là nước thứ hai sau Thái Lan lãnh vinh dự này năm nay, và Hà Nội, sau Bangkok, trở thành thủ đô Phật giáo của thế giới trong mùa Phật Đản năm 2008. Đó là điểm thứ nhất mà tôi vừa nói: Phật giáo đang lớn mạnh trên thế giới.
Điểm thứ hai: Việt Nam lớn mạnh trên thế giới
Không phải tôi bênh gì nước tôi, nhưng tôi phải nói ngay: Việt Nam hơn Thái Lan. Hơn chỗ nào? Ở chỗ Việt Nam là nước đầu tiên, chứ không phải nước thứ hai như tôi vừa nói. Lý do là thế này: Bắt đầu từ 2005, “Ngày Phật Đản của LHQ” được tổ chức tại Cơ quan châu Á - Thái Bình Dương của LHQ, mà trụ sở đặt tại Bangkok. Như vậy, Phật Đản 2007, tuy trọng thể, vẫn không có ý nghĩa gì đặc biệt đứng về mặt quốc gia đăng cai.
Thái Lan, vì có trụ sở của LHQ tại kinh đô, nên đương nhiên được hưởng lộc Phật Đản. Việt Nam, không có trụ sở của LHQ, mà được LHQ trao lộc cho, thế mới đáng nói. Như vậy mà không phải là nước đầu tiên thì là gì?
Chúng ta nên hãnh diện cho đất nước của chúng ta về sự kiện lịch sử này. Hãnh diện về nhiều mặt.
Trước hết, uy tín của Việt Nam trên thế giới lên cao. Năm qua, Việt Nam là thành viên của Hội đồng bảo an LHQ. Việt Nam đã tổ chức thành công những hội nghị quốc tế quan trọng.
Thứ hai, Việt Nam nhận ra được gốc gác của mình mà ngôn ngữ nhà Phật gọi là bản lai diện mục. Như một người trở về lại nhà mình, Việt Nam tìm lại được bộ mặt thật của Việt Nam. Phật giáo không muốn chiếm độc quyền trong bản lai diện mục đó.
Nhưng hãy xem: ai đã tạo ra văn hóa, ai đã tạo ra đạo đức, ai đã tạo ra tâm hồn cho dân tộc ngày hôm nay? Nhờ đâu mà chúng ta đã không rơi hẳn vào quỹ đạo văn hóa của Trung Hoa, với thầy Khổng, thầy Mạnh, tứ thư, ngũ kinh thuộc lòng như húp cháo của cả tầng lớp nho sĩ nắm quyền?
Nhờ đâu mà chúng ta đã không hướng về phương Bắc để lạy như một thánh địa? Tất nhiên có người sẽ nói: tại vì chúng ta có văn hóa bản địa. Nhưng văn hóa bản địa thì khó thấy; văn hóa Phật giáo thì sờ sờ trước mắt. Như một chất xúc tác, Phật giáo đã dung hóa tất cả, góp phần tạo ra bộ mặt văn hiến mà Nguyễn Trãi, một người uyên thâm Phật giáo, đã xác quyết ngay trong những câu đầu của Bình Ngô Đại Cáo: “Nước ta là một nước văn hiến”. Để tuyên ngôn độc lập với phương Bắc, Nguyễn Trãi tôn văn hiến lên hàng đầu, văn hóa là linh hồn của một dân tộc.
Bây giờ đây, nước ta đã hết Bắc thuộc, đã hết Tây thuộc, hết chiến tranh, hết ngoại thuộc, bây giờ đây, chủ quyền đã được củng cố, phần xác đã tạm ổn, hãy lo phần hồn cho dân tộc, bởi vì đó mới chính là sức mạnh trường tồn.
Làm nước đầu tiên không có trụ sở của một cơ quan LHQ đăng cai tổ chức Phật Đản, Việt Nam xác nhận long trọng trước thế giới gốc gác của mình và cả hướng đi của mình. Hướng đi đó mở ra một chân trời ngoại giao đầy thiện cảm với thế giới và nhất là với lân bang.
Thứ ba, và đây là điểm quan trọng nhất, Việt Nam lớn mạnh cho nên không ngần ngại đối mặt với những vấn đề nhạy cảm nhất của thời đại. Đó là những vấn đề đặt ra cho Việt Nam trong chính chủ đề của “Ngày Phật Đản của LHQ” 2008.
Chủ đề của LHQ ghi rõ: “Đóng góp của Phật giáo vào việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và dân sự”. Vấn đề đặt ra trong ngày lễ trọng đại như thế này, trên đà tiến như thế này của đất nước, chúng ta có bổn phận phải trả lời như một người trưởng thành.
Thế nào là công bằng trước mắt Phật giáo? Muốn trả lời một cách cụ thể, không gì bằng nhìn hình ảnh của chính đức Phật và xã hội chung quanh Ngài. Thầy và trò sống như nhau, không khác: một bình bát, ba tấm y. Trò đi khất thực, Thầy cũng đi khất thực, Thầy cũng bưng bình bát đứng trước cửa nhà dân, không phân biệt giàu nghèo sang hèn. Thầy không bắt trò mang thức ăn về cho mình, Thầy đội chung giờ ngọ và mặt trời trên đầu cùng với trò.
Hành động khất thực cũng là một hành động công bằng: ở đây không có kẻ xin người cho, ở đây ai cũng cho, một bên cho thực phẩm, một bên cho phước đức. Đức Phật tự mình đi khất thực, chính cũng vì muốn cho, tự mình cho, và đức Phật mà cho thì phước đức lớn không lường được.
Công bằng là như vậy: không phải chỉ biết đòi mà còn biết cho. Trong một xã hội mà ai cũng chỉ đòi, không ai biết cho, thì dù xã hội đó có thực hiện được công bằng đi nữa, trước sau gì cũng mất tự do.
Công bằng nằm trong cái nhìn của đức Phật về con người: con người ai cũng có Phật tính như ai, cho nên mọi sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn, nam nữ, giai cấp, đều không có nghĩa. Ngài A Nan, đại đệ tử của Phật, đã nói một câu nhẹ nhàng mà triệt để cách mạng với cô thiếu nữ hạ tiện không dám múc nước giếng dâng ngài, sợ bàn tay hạ tiện làm bẩn nước: “Tôi xin nước chứ không xin giai cấp”.
Tôi kể thêm: ai cạo tóc cho đức Phật? Bác thợ cạo Upali, giai cấp hạ tiện! Vậy mà bác cũng đã trở thành đại đệ tử, bác đã chứng A-la-hán!
Nhưng công bằng có phải là ai cũng ngang nhau, bằng nhau tuyệt đối hay không? Chắc chắn là không, không bao giờ có tình trạng đó. Đức Phật thấy ai cũng có Phật tính như ai, nhưng Ngài cũng thấy ai giác ngộ sớm hơn ai. Gặp người đã chín muồi giác ngộ, dù người đó là tướng cướp, Ngài chỉ dạy thêm một lời là người đó chứng A-la-hán.
Trong hàng đệ tử của Ngài, đâu có phải ai cũng là A-la-hán? Ngang nhau nhưng không giống nhau, bình đẳng nhưng không đồng đẳng, đó là căn bản của công bằng. Bởi vậy, sự phân biệt duy nhất trong Phật giáo giữa người với nhau là sự phân biệt dựa trên khả năng giải thoát, dựa trên đức hạnh.
Luật của nhà chùa y theo quan niệm công bằng như thế mà xử. Người có đức hạnh lớn không bị xử ngang hàng như người có đức hạnh nhỏ. Tỷ như bỏ một nắm muối vào chén nước, nước mặn uống không được; bỏ nắm muối vào chum nước, nước uống được, chẳng sao.
Người ít đức thiện ví như chén nước: nếu người ấy làm thêm một điều bất thiện nữa, nào có khác gì bỏ muối vào chén. Người có nhiều đức thiện, ví như nước trong chum, lỡ lầm làm một điều bất thiện, muối ấy đâu có làm mặn nước. Đó là phẩm “Hạt Muối”, áp dụng trong luật nhà chùa. Ngang nhau nhưng không giống nhau. Tất nhiên, đây là tội về đức hạnh, không phải tội ngoài đời.
Áp dụng quan niệm ấy vào đời trong tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo tàn nhẫn hiện nay, tất nhiên Phật tử chúng tôi đau xót cho tình trạng bất nhẫn này và mong được cải thiện, nhưng chúng tôi cũng đi đến cùng một kết luận với nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ông viết gần đây: “Kinh nghiệm sau hơn hai thập kỷ đổi mới cho thấy, không thể có “công bằng” đúng nghĩa trong một xã hội mà tất cả đều nghèo. Cũng không thể “cào bằng” bằng cách “điều tiết” hết lợi ích của người giàu để chia cho người nghèo. Xã hội sẽ không phát triển nếu không có chính sách kích thích một bộ phận dân chúng vươn lên làm giàu chính đáng”.
Công bằng là như thế. Là Nhà nước phải giải phóng những lực lượng nào có khả năng làm phát triển đất nước, đừng kìm hãm họ lại. Những lực lượng đó, hiện nay có hai: một là doanh nhân tư nhân độc lập; hai là trí thức. Một bên là của cải lương thiện, một bên là cái đầu sáng tạo. Không có hai lực lượng đó, Âu châu đã chẳng bao giờ làm được cách mạng kỹ nghệ và thế kỷ Khai Sáng, đưa họ lên địa vị hàng đầu thế giới.
Tôi chỉ xin mượn câu viết của ông Võ Văn Kiệt để nói thêm một lời về lãnh đạo. Dân thường nghe nói: lãnh đạo phải cao hơn người khác một cái đầu. Quá đúng! Thế nhưng, cao hơn một cái đầu không có nghĩa là mình cứ lùn và đè đầu mọi người khác xuống để mình cứ cao hơn.
Thế nào là lãnh đạo cao hơn một cái đầu? Tôi lại kể chuyện Phật. Có một người Bà la môn nghe nói thân Phật cao 1 trượng 6 thì không tin, bèn vào rừng chặt một cây trúc dài để đem đến đo Phật. Ông càng đo thì Phật càng cao. Vác cái thang đến, leo lên thang để đo, vẫn thế, sào cao đến đâu, Phật cao hơn sào đến đó. Lãnh đạo là như vậy, là tự mình cao mãi hơn, cao hơn cả chính mình, cao về tài năng, cao về đạo đức. Đó là công bằng.
Bây giờ là dân chủ. Tôi lại kể chuyện đức Phật. Luật của nhà chùa buộc tăng ni phải họp nhau có định kỳ để chỉ lỗi cho nhau và để sửa lỗi. Luật đó có từ lúc nào? Có từ đời đức Phật. Cứ sau ba tháng an cư, Phật lại họp tăng chúng để “tự tứ”, nghĩa là để sửa lỗi cho nhau và cùng sám hối lỗi.
Phật trải tọa cụ ngồi giữa khoảng đất trống, tỷ kheo ngồi chung quanh. Phật hỏi tăng chúng: “Hôm nay tôi tự tứ: tôi có lỗi với ai không? Thân, miệng, ý của tôi có phạm lỗi gì không?” Phật hỏi ba lần như vậy. Đã ai thấy một vị giáo chủ của một tôn giáo nào có tư tưởng, hành động và tập quán như vậy chưa?
Lãnh đạo mà cư xử như thế, thế gian cũng không thấy. Từ đó suy ra: dân chủ là lãnh đạo không phải chỉ thường xuyên biết nghe ý kiến của dân, mà còn tổ chức, thành lập, áp dụng định chế để dân chỉ lỗi, sửa lỗi. Phát triển ý đó, thiếu gì biện pháp để thực hiện dân chủ!
Tôi lại kể thêm chuyện đức Phật. Trong “Mười bổn phận của vua” mà Ngài khuyên, điều thứ 8 nguyên văn như sau: “Kiên nhẫn, biết tha lỗi, khoan dung, hiểu biết. Vua phải có khả năng chịu đựng những thử thách, những khó khăn, và những lời nhục mạ mà không giận”.
Nhục mạ mà còn không giận, huống hồ chỉ là phê bình, chỉ trích! Chỉ là phê bình, chỉ trích xây dựng! Điều thứ 10 nói tiếp theo: “Không chống lại, không làm bế tắc. Nghĩa là vua không được chống lại ý muốn của dân, không ngăn cản một biện pháp nào có lợi cho hạnh phúc của dân chúng. Nói một cách khác, vua phải hòa hợp với dân”. Đó là nguyên văn điều 10.
Từ đó mà suy ra, cũng không thiếu gì biện pháp để cụ thể hóa lời khuyên “đừng chống lại ý muốn của dân”. Chỉ chừng đó thôi, chừng đó thôi, quá đủ để thực hiện dân chủ mà không cần phải vay mượn lý thuyết của ai, dưới áp lực của ai, từ chân trời nào khác.
Nhưng muốn nói thêm nữa thì tôi kể thêm. Lúc nhập diệt, Phật không chỉ định ai để thay thế Ngài thống lĩnh tăng chúng. Ngài nói: “Sau khi ta nhập diệt, hãy lấy Pháp và Luật làm Thầy”. Pháp là lời Phật dạy. Giới luật là đạo đức và luật áp dụng trong đời sống của tăng ni. Ai nghiên cứu giới luật của Phật giáo đều ngạc nhiên về tính cách dân chủ trong đó.
Ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điểm này thôi: lấy Pháp và Giới Luật làm thầy nghĩa là gì? Nghĩa là bản thân của lãnh đạo cũng chịu ở dưới Pháp và dưới Luật như tất cả mọi người. Ngôn ngữ ngày nay gọi đó là “Nhà nước pháp quyền”, điều kiện tất yếu của dân chủ.
Tôi nói thêm nữa. Tinh hoa của đạo Phật là gì? Là chống giáo điều. Tinh hoa ấy toát ra từ mỗi lời dạy của đức Phật. Bài kinh Kalama chẳng hạn đã làm thế giới kinh ngạc về tư tưởng chống giáo điều, chống việc tin mà không hiểu.
Phật dạy: đừng tin bất cứ ai, bất cứ điều gì mà tự mình không hiểu rõ. Thậm chí Phật còn dạy một vị tăng phải quan sát, xem xét chính Ngài thật kỹ cho đến khi nào hoàn toàn được thuyết phục. Hiểu cho rõ rồi mới tin. Cho đến phút cuối, trước khi nhập diệt, Phật còn khuyến khích đệ tử hỏi những chỗ nào chưa hiểu rõ trong giáo lý của Ngài để Ngài giảng lại lần cuối. Không ai hỏi, Ngài thúc: “Nếu vì kính trọng ta mà không ai tự mình đặt câu hỏi, cứ nhờ người khác hỏi thế cho”.
Cái gì chứa đựng trong những câu nói đó? Không phải chỉ là tự do tư tưởng mà còn là tư tưởng rốt ráo về tự do, tư duy rốt ráo về tự do: đó là tự do căn bản, tự do nằm trong tinh túy của mọi nền dân chủ. Không thể có dân chủ nếu ta bị bắt buộc phải nghe mà không tin, nghe những điều mà ta thấy là không đúng, là trái với sự thực trước mắt.
Cũng không thể có dân chủ nếu ta buộc người khác không được nói. Đức Phật căn dặn trước khi nhập diệt: “hãy đặt câu hỏi”. Đặt câu hỏi, tức là thúc dục người khác nói. Và người khác dám nói là vì ta biết nghe. Nghe và nói trong tinh thần đó tức là khoan dung, và cả thế giới đều xưng tụng tinh túy khoan dung trong giáo lý của Phật. Tinh thần khoan dung đó, văn hóa khoan dung đó, vua A Dục ngày xưa đã cho khắc vào trụ đá vá áp dụng triệt để.
Vua A Dục là Phật tử thuần khiết, vậy mà dưới triều đại A Dục, mọi tôn giáo đều được tôn trọng trong vương quốc rộng lớn của vua. Ông không tuyên truyền; ông không nhồi sọ. Đức Phật không bao giờ phán. Bất cứ ai đến chất vấn, Ngài đều dùng đối thoại để thuyết phục. Phật là ông thầy giảng bài một cách khoa học.
Tôi lại xin nói thêm nữa, và đây cũng là căn bản của đạo Phật. Giáo lý của đức Phật dạy sự chừng mực, vừa phải. Mà vừa phải, chừng mực, là căn bản của dân chủ. Bất cứ sự thái quá nào đều làm hỏng dân chủ. Tự do thái quá thì hỗn loạn. Tập trung quyền lực thái quá thì chuyên chế.
Dân chủ là tránh cả hai thái cực, và tránh như thế nào là tùy óc sáng tạo của mỗi dân tộc. Dân tộc ta có văn hóa Phật giáo, văn hóa ấy phản ánh hình ảnh của đức Phật trước giờ chứng ngộ. Phật từ bỏ lối tu ép xác, nhận bát sữa cúng dường của cô gái chăn cừu, xuống sông tắm, rồi lên ngồi dưới cây bồ đề.
Bát sữa đã giúp Ngài tĩnh tọa cho đến khi Ngài chứng ngộ chân lý. Sau này, có lần Phật nói với một người đang đói hãy đi ăn cho hết đói rồi Ngài mới giảng cho. Trong lý thuyết, cũng như trong tu tập, đạo Phật không bao giờ cực đoan, trung đạo là con đường Phật dạy do chính kinh nghiệm chứng ngộ của Ngài. Trung đạo của Phật giáo, đó cũng chính là nền tảng của dân chủ.
Tôi vừa nói xong công bằng và dân chủ. Điểm cuối trong chủ đề của “Ngày Phật Đản của LHQ” 2008 là xã hội dân sự. Tôi sẽ trình bày điểm này trong phần thứ ba và cũng là phần cuối của buổi nói chuyện hôm nay.
Điểm thứ ba: Phật giáo Việt Nam lớn mạnh
Chúng ta đang lớn mạnh, không phải chỉ vì số chùa chiền được xây nhiều, xây to hơn. Nếu như vậy mà lớn, thì đó là lớn vỏ, lớn xác, không lớn cái hồn. Chúng ta đang lớn, kể cả phần hồn, và khí thế ngày hôm nay chứng minh sự xác quyết đó.
Phật Giáo chúng ta lớn trong xã hội nào? Không phải trong xã hội chính trị mà ta không ham. Chúng ta lớn trong xã hội dân sự. Xã hội chính trị là xã hội quyền lực. Xã hội dân sự là xã hội của dân gian.
Phật giáo không làm chính trị và không bao giờ muốn dính dáng đến chính trị với nghĩa quyền lực. Phật giáo chỉ muốn sống với dân. Giữa xã hội chính trị và xã hội dân sự, đường phân chia rạch ròi hay không là tùy theo chế độ chính trị của mỗi nước.
Ở nước ta, đường phân chia đó không rạch ròi, nhưng chắc chắn càng ngày càng sẽ rạch ròi hơn. Mặt Trận Tổ Quốc chẳng hạn là cơ quan của xã hội chính trị, nhưng có trách nhiệm quan hệ với xã hội dân sự.
Ở đây, chúng ta không đề cập đến vấn đề trọng đại này. Ở đây, chúng ta chỉ muốn nói: dù có MTTQ hay không, Phật giáo chỉ có một con đường duy nhất thôi là trung thành với Nhà nước Việt Nam, phụng sự dân chúng. Có hay không có MTTQ, nhiệm vụ của Phật giáo bao giờ cũng vẫn thế: phát triển văn hóa dân tộc, chấn hưng đạo đức, làm nhẹ nỗi khổ của cô quả, nghèo đói, bệnh tật.
Thế nào là văn hóa dân tộc? Thế nào là đạo đức dân tộc? Để cho các nhà học giả thông thái tranh luận với nhau, chúng ta chỉ cần nói với họ thế này: điều gì mà chỉ cần bật ra một tiếng là dân gian hiểu ngay và nhận ra ngay rằng đó là tư tưởng của chính mình, dù là người dân ít học nhất, điều ấy nằm trong văn hóa của dân tộc, đạo đức của dân tộc. Điều gì vậy?
Một ví dụ thôi: ba chữ tham sân si. Nói ra, ai cũng hiểu, ai cũng nhận, ai cũng nghĩ là chân lý. Khi nãy, tôi có nhắc đến bài kinh “Ngọn lửa”. Lửa gì đang đốt cháy thế giới? Lửa chiến tranh, lửa hận thù, lửa bạo lực, lửa cuồng tín, lửa tiêu thụ chủ nghĩa. Dân ta nói gọn: lửa tham sân si. Là vì tư tưởng ấy của Phật giáo đã thấm sâu vào đầu của dân!
Cái gì cắt nghĩa tham nhũng, cái gì cắt nghĩa tình trạng giàu nghèo chênh lệch tàn bạo hiện nay, cái gì cắt nghĩa những cản trở trong phát triển? Dân ta nói gọn: tham sân si.
Vậy thì Phật giáo làm gì? Đời đời kiếp kiếp làm mỗi cái chuyện dẹp lửa ấy mà thôi. Dẹp lửa ấy trong lòng chính mình. Dẹp lửa ấy trong vòng nội bộ. Dẹp lửa ấy trong lòng xã hội.
Chúng ta làm công việc ấy càng độc lập càng tốt. Chính quyền càng nên ủng hộ chúng tôi độc lập. Bởi vì chúng tôi không có tham vọng chính trị. Bởi vì chúng tôi không nhận lệnh từ một thánh địa quyền lực nào.
Độc lập, chúng tôi sẽ giải quyết được những mâu thuẫn nội bộ. Can thiệp, lửa tham sân si từ bên ngoài càng bén vào mâu thuẫn giữa chúng tôi, không có lợi cho chính quyền, cũng không có lợi cho xã hội. Chúng tôi tốt thì chính quyền tốt, xã hội tốt. Chúng tôi xấu thì cả đất nước này sẽ mất phần hồn.
Trong Phật giáo có một tín ngưỡng cũng đã thấm vào ngôn ngữ và tư tưởng của dân gian: tin có hộ pháp. Hộ pháp bảo vệ cho chùa. Hộ pháp bảo vệ cho chánh pháp. Hộ pháp bảo vệ cho những nơi chốn linh thiêng. Đứng trong xã hội dân sự, Phật giáo là hộ pháp của Nhà nước để Nhà nước thực sự xứng đáng là Nhà nước của dân. Trong lịch sử đã thế, ngày nay lại càng phải thế.
Một nhà lãnh dạo có tầm cỡ lớn sẽ không nhìn Phật giáo như bất cứ đoàn thể quần chúng nào. Phật giáo không phải là một đoàn thể, lại càng không phải là một phong trào. Phật giáo là hộ pháp của Nhà nước, một Nhà nước hết lòng lo cho dân. Phật giáo làm nhiệm vụ mà Bình Ngô Đại Cáo đặt ngay nơi câu đầu tiên: nhiệm vụ an dân, “việc nhân nghĩa cốt ở an dân”. “Quốc thái dân an” là nhiệm vụ của Phật giáo từ những bước đầu của lịch sử.
Hôm nay, chúng ta đi trong ánh nến từ Diệu Đế đến Từ Đàm là để nhắc nhở cho tất cả và cho chính chúng ta nhiệm vụ thiêng liêng đó. Chúng ta là hộ pháp. Chúng ta phải hiểu chúng ta là như thế để đừng làm nhục vai trò đó của tổ tiên.
Và như vậy, chúng ta, hôm nay, hãy cùng với chính quyền, hãy cùng với chính quyền, tay trong tay, tay trong tay, ăn mừng “Ngày Phật Đản của LHQ” 2008.
Cao Huy Thuần
Friday, May 23, 2008
Cao Huy Thuần - Ý nghĩa lễ Phật đản 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment