Thursday, November 8, 2007

Trần Chung Ngọc - Phần I - Vài Nét Về 'Cụ Diệm'

Ngày 2 tháng 11 vừa rồi là ngày ông Ngô Đình Diệm bị những sĩ quan trong quân đội của ông ta bắn chết trong xe bọc thép cùng với em trai ông ta là ông Ngô Đình Nhu. Nhân dịp này tôi xin post một bài viết dựa trên sách vở của một số tác giả phương tây nghiên cứu về ông Diệm do tác giả Trần Chung Ngọc biên soạn để hiểu thêm về một số vấn đề xung quanh con người này.
----------------------------------------------------------
VÀI NÉT VỀ “CỤ DIỆM”
(Trần Chung Ngọc)
Đã viết về “Cụ Hồ” mà lại không viết về “Cụ Diệm” thì quả là một điều thiếu sót, vì dù sao ông Diệm cũng đã là Tổng Thống của miền Nam trong 9 năm . Nhưng bài này tuyệt đối không phải để đối chiếu so sánh “Cụ Diệm” với “Cụ Hồ” vì không ai có đôi chút hiểu biết lại đi làm công việc vô trí này. Tại sao? Vì một đằng suốt đời sống gian khổ, tổ chức, tập họp những người yêu nước chống Pháp, mong giành lại độc lập và thống nhất cho đất nước [Cụ Hồ], một đằng làm quan cho Pháp, bắt người yêu nước chống Pháp tra khảo, rồi nằm yên vị trong các Trường Dòng Công Giáo ở Mỹ, Bỉ trong khi nước nhà sôi bỏng vì chiến tranh, kháng chiến chống Pháp trở lại Đông Dương, rồi phút cuối trở về làm “chí sĩ cứu tinh dân tộc” [Cụ Diệm]. Đã có nhiều sách viết về biến cố ông Ngô Đình Diệm về chấp chánh ở miền Nam. Và không ai có thể phủ nhận là chính cựu Hoàng Bảo Đại đã bổ nhiệm ông Diệm về làm Thủ Tướng. Nhưng những chi tiết từ đâu mà cựu Hoàng Bảo Đại bổ nhiệm ông Diệm thay vì không phải ai khác thì rất ít được viết đến. Có chăng chỉ là sơ sài như ông Diệm được Hồng Y Spellman ủng hộ hay được chính giới Mỹ ủng hộ, tuy rằng dân Việt không có ủng hộ, vì khi đó chẳng có mấy người biết đến ông Diệm .

Chúng ta biết rằng Ông Ngô Đình Diệm không phải là một khuôn mặt chính trị có tầm vóc ở Việt Nam, được nhiều người biết đến trước khi được đưa về Việt Nam làm Thủ Tướng vào tháng 6, 1954. Thành tích của ông trong thời Pháp thuộc không lấy gì làm sáng sủa, chưa kể ông thuộc dòng họ ba đời làm Việt Gian. Thành tích “yêu nước” nổi bật nhất của ông là trong thời Pháp thuộc, khi làm Tri Phủ Hòa Đa, ông đã dùng đèn cầy đốt hậu môn của những người yêu nước chống Pháp để tra khảo. Chúng ta cũng biết, từ năm 1950, ông đã rời quê hương đất tổ của ông để sống trong các Trường Dòng Công Giáo ở Mỹ và ở Bỉ. Vì những thành tích này mà khi ông về cầm quyền, những người Công giáo đã tôn ông lên làm “chí sĩ”, và người dân miền đã Nam bị cưỡng bức phải ca bài “Toàn dân Việt Nam biết ơn Ngô Tổng Thống; Ngô Tổng Thống, Ngô Tổng Thống muôn năm”. Cuối cùng, “muôn năm” chỉ có vỏn vẹn “chín năm”, và ông đã yên nghỉ cùng Chúa và ông bạn vàng Torquemada (một Đại Phán Quan Tây Ban Nha giống như ông Diệm đã từng tự nhận), tới nay được 43 năm rồi.

Một câu hỏi được đặt ra: với một thành tích “yêu nước” và chính trị không có gì, với một khả năng rất giới hạn, tài và đức đều không có, vậy tại sao ông Diệm lại được chọn để làm Thủ Tướng ở miền Nam? Có lẽ những chi tiết trong cuốn “The American Pope: The Life and Times of Francis Cardinal Spellman”, A Dell Book, NY, 1985, của John Cooney, tạm gọi là đầy đủ nhất. Để viết cuốn sách này, tác giả Cooney đã xử dụng những nguồn tài liệu từ chính Nhật Ký của Spellman, những hồ sơ mật của FBI, và qua những cuộc phỏng vấn, nên tác phẩm của Cooney là một nguồn tài liệu rất có giá trị [By using Spellman’s personal diary, FBI classified files, and interviews, Cooney’s volume is an engrossing, valuable document]. Vậy sau đây, tôi xin trích dẫn vài đoạn trong phần nói về ông Diệm trong cuốn sách trên, từ trang 307 đến trang 314.
“Tuy rằng không có mấy người biết điều này, Hồng Y Spellman đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên sự nghiệp chính trị của một người đã ở trong một Trường Dòng ở New York trước đây, vừa trở thành Thủ Tướng của miền Nam Việt Nam: Ngô Đình Diệm. Ở Diệm, Spellman nhìn thấy những đặc điểm mà ông ta muốn có trong mọi người lãnh đạo: Công Giáo nồng nhiệt và chống Cộng điên cuồng.
Spellman đã gặp Diệm ở New York vào năm 1950, khi người Việt Nam này ở trong Trường Dòng Marykoll ở Ossining, New York. Một tín đồ Công giáo trung thành, sinh ra từ một gia đình gia giáo, Diệm ở trong Trường Dòng do sự cầu xin của người Anh, Ngô Đình Thục, một Giám mục Công giáo. Là một người độc thân rất sùng tín, Diệm đã tự tách mình ra khỏi thế giới, đặc biệt là ra khỏi quốc gia tan tác bởi chiến tranh của ông ta. Và ông ta chỉ được biết đến bởi một nhóm nhỏ hoạt động chính trị ở Mỹ. Ở Việt Nam tên ông ta không gây nên một hứng thú nào. Trên chính trường Mỹ, ông ta không được ai biết đến, một tình trạng mà Spellman giúp ông sửa đổi. Lai lịch của Diệm không tránh được sự chú ý của Spellman.
Người đưa Diệm đến Spellman là Linh mục Fred McGuire. Một cựu thừa sai ở Á Châu, kiến thức về Viễn Đông của McGuire được biết rõ ở Bộ Ngoại Giao. McGuire nhớ lại, một ngày nọ ông được Dean Rusk, khi đó làm trưởng ban Á Châu vụ, nhờ dàn xếp để Giám mục Thục, sắp đến Mỹ, tới gặp các viên chức của Bộ Ngoại Giao. Rusk cũng tỏ ý muốn gặp Diệm.
McGuire tiếp xúc với người bạn lâu đời, Giám Mục Griffiths, vẩn còn là chuyên viên ngoại vụ của Spellman. Hắn ta yêu cầu sẽ để cho Thục được tiếp kiến đúng nghi thức bởi Hồng Y. Trong dịp này Diệm đã từ Trường Dòng đến nhà riêng của Spellman. Cuộc gặp gỡ giữa Spellman và Diệm có thể là một cuộc gặp gỡ lịch sử. Joseph Buttinger, một người hoạt động cho những người tị nạn Việt Nam, tin rằng Hồng Y Spellman là người Mỹ đầu tiên nghĩ đến việc đưa Diệm về lãnh đạo Nam Việt Nam.
Tháng 10 1950, hai anh em Diệm đã gặp các viên chức Bộ Ngoại Giao ở khách sạn Mayflower, có cả Rusk. Diệm và Thục được tháp tùng bởi McGuire và ba giới chức chính trị của giáo hội khi đó đang hoạt động để ngăn chận Cộng Sản: Linh mục Emmanuel Jacque, Giám mục Howard Carroll, và Edmund Walsh ở đại học Georgetown. Mục đích của cuộc gặp gỡ này là hỏi hai anh em Diệm Thục về đất nước của họ và xác định những niềm tin chính trị của họ. Điều rõ ràng sau đó là cả Thục và Diệm đều tin rằng Diệm sẽ cai trị đất nước của họ. Sự kiện là Việt Nam chỉ có 10% Công Giáo không đáng quan tâm đối với hai anh em Diệm.
Khi bày tỏ ý kiến trong bữa ăn tối, hai lập trường Diệm tin tưởng nhất đã rõ ràng. Hắn ta tin vào quyền năng của Giáo hội Công Giáo và hắn ta thù địch dữ dội và quyết liệt chống Cộng. Điều này chắc đã phải gây ấn tượng trên các viên chức Bộ Ngoại Giao. Quan tâm đến Việt Nam từ khi Truman bắt đầu giúp tài chánh cho Pháp ở đó (Việt Nam), những viên chức Bộ Ngoại Giao đã luôn luôn để ý đến những người lãnh đạo chống Cộng cực đoan vì ảnh hưởng của Pháp đã phai nhạt. Sau Điện Biên Phủ, Eisenhower muốn ủng hộ một chính phủ mở rộng hơn là chính phủ của ông Vua, người không được quần chúng ủng hộ mấy vì đã từ lâu bị coi như là một bù nhìn của Pháp và Mỹ. Do đó Mỹ muốn có một người Quốc Gia ở địa vị cao ở Nam Việt Nam để làm giảm sự hấp dẫn của Hồ Chí Minh. Kết quả là Bảo Đại đã cho Diệm một chức vụ mà Diệm mà Diệm vẫn muốn – Thủ Tướng. [[Về chuyện này Bernard Fall viết trong The Two Viet-Nams, trang 244: “Ý thức được rằng mình đang ném ngai vàng đi, Bảo Đại bắt Diệm phải thề (Theo Stanley Karnow, trang 218, Bảo Đại bắt Diệm thề trước cây Thánh Giá [before the crucifix]) trung thành với ông, và nhiều nhân chứng có thẩm quyền quả quyết là Diệm cũng còn quỳ xuống trước Hoàng Hậu Nam Phương là sẽ làm hết sức trong phạm vi quyền lực của mình để “giữ ngai vàng cho Hoàng Tử Bảo Long, con của Bảo Đại” (Fully realizing that he was throwing his throne away, Bao Dai allegedly made Diem swear a solemn oath of allegiance to him, and several authorative witnesses affirm that Diem also swore on his knees to Empress Nam-Phuong that he would do everything in his power “to preserve the throne of Viet-Nam for Crown Prince Bao-LOng”, son of Bao Dai.) Nhưng chúng ta đã biết, chỉ hơn 1 năm sau, Diệm đã dùng tiền của CIA để tổ chức cuộc Trưng Cầu Dân Ý gian lận để phế bỏ Bảo Đại và lên làm Tổng Thống. Về vụ này Bernard Fall cũng viết, trang 257: “Trong hầu hết các nơi bỏ phiếu, có nhiều ngàn phiếu nhiều hơn là số cử tri đã bỏ cho Diệm . Thí dụ, Ở vùng Saigon-Chợ Lớn, đếm được 605,205 phiếu trên số 450,000 cử tri ghi danh”. (In nearly all electoral areas, there were thousands more “Yes” votes than voters. In the Saigon-Cholon area, for example, 605,025 votes were cast by 450,000 registered voters)]]
Diệm trở về Saigon ngày 26 tháng 6, 1954, sau Edward Lansdale vài tuần. Lansdale là trùm CIA về quân sự ở Saigon, đặc trách cuộc chiến không theo quy ước [có nghĩa là đánh phá ngầm]
Lập trường của Spellman về Việt Nam phù hợp với những mong ước của giáo hoàng. Malachi Martin, một cựu tu sĩ dòng Tên phục vụ tại Vatican trong những năm Mỹ leo thang chiến tranh ở Việt Nam, nói rằng giáo hoàng muốn Mỹ ủng hộ Diệm vì giáo hoàng đã bị người anh của Diệm, Tổng giám mục Thục, ảnh hưởng. “Giáo hoàng quan tâm đến sự càng ngày càng thắng lợi của Cộng sản do đó làm suy yếu giáo hội,” Malachi xác nhận rằng: “Giáo hoàng ra lệnh cho Spellman khuyến khích Mỹ tham chiến ở Việt Nam.”
Do đó Spellman xếp đặt một chiến dịch hòa điệu kỹ càng để dựng lên chế độ Diệm. Qua báo chí và vận động trong hậu trường ở Washington, vấn đề đối đầu chống Cộng ở Đông Dương được phổ biến rộng rãi ở Mỹ.
Spellman và Kennedy cũng còn giúp lập lên một nhóm vận động hậu trường Washington. Chủ trương của sự đồng minh này là chống Cộng và phát huy ý hệ Công Giáo.
..Do đó, rất nhiều người Mỹ tin rằng Việt Nam là một quốc gia phần lớn là Công Giáo. Một phần của cái ấn tượng sai lầm này là kết quả của việc Diệm lên cầm quyền. Với sự giúp đỡ của CIA tổ chức cuộc bầu cử gian lận năm 1955, Diệm hủy bỏ chế độ quân chủ và Bảo Đại bị cưỡng bức phải sống trong cảnh lưu đầy. Cái màu sắc Công Giáo đậm đà trong cuộc vận động hậu trường Việt Nam cũng góp phần tạo nên quan niệm sai lầm trên. Còn một yếu tố khác là sự đặt mình vào trong đường lối trên của Spellman.
Rồi còn có vai trò hấp dẫn của một bác sĩ Công giáo trẻ hoạt động ở Việt Nam tên là Tom Dooley. Một Trung Úy hải quân hoạt động ở Hải Phòng, Dooley làm việc với các người tị nạn.
Là con cưng của Spellman, có một lúc Dooley tổ chức được 35,000 tín đố Công Giáo Việt Nam ở miền Bắc đòi di cư. Có lẽ những nỗ lực của Dooley thành công ở Mỹ hơn là ở Việt Nam. Hắn viết ra những bài trong nhật báo và tuần báo và 3 cuốn sách bán chạy nhất để tuyên truyền cho Công Giáo và chống Cộng theo những niềm tin của hắn. Hắn dựng lên những chuyện người Công Giáo bị khổ nạn trong tay của những người Cộng Sản đã đánh đập vào bộ sinh dục của các linh mục trần truồng, chọc thủng màng tai của những đứa trẻ bằng đũa để cho chúng không nghe được về Thiên Chúa, và mổ bụng phụ nữ có thai. Tốt nghiệp đại học Notre Dame ở Indiana [thực ra Dooley không tốt nghiệp bác sĩ từ đại học Notre Dame mà từ đại học St. Louis. Trường Notre Dame có tiêu chuẩn cao nên Dooley không theo được và phải bỏ Notre Dame theo học ở St. Louis. Nhưng ngay ở đây, Dooley cũng học rất kém, phải học lại năm cuối, và khi làm nội trú cũng phải làm thêm 6 tháng. Nhưng vì những công việc chống Cộng bịp bợm nên Dooley đã trở thành nổi tiếng như là một bác sĩ tận tụy giúp người di cư và chống Cộng cực đoan. Vì vậy năm 1960, trường Notre Dame trao tặng cho Dooley chức bác sĩ hàm] , Dooley đi khắp nước Mỹ để quảng cáo những cuốn sách của mình và hô hào chống Cộng, rồi chết năm 1961, khi mới có 34 tuổi. Người cuối cùng đến bên giường bệnh của Dooley là Hồng Y Spellman, người đã tôn ông bác sĩ trẻ như là nguồn cảm hứng cho mọi người – một thánh tử đạo khác. Tiếng tăm của Dooley không suy giảm cho đến khi Ủy Ban phong Thánh của Công Giáo La Mã điều tra năm 1979 và khám phá ra rằng Dooley có liên hệ với CIA. [Muốn biết sự thực về con người của Tom Dooley, xin đọc bài “Doctor Tom Dooley” của Peter Brush trong mục các bài tiếng Anh]
Dooley đã giúp CIA tạo loạn cho Bắc Việt qua những chương trình tị nạn của hắn. Những người Công Giáo đổ vào miền Nam đã mang đến cho Diệm một hậu thuẫn chính trị lờn và được hứa hẹn của Mỹ giúp đỡ để tái định cư. Quần chúng Mỹ phần lớn tin rằng hầu hết những người Việt Nam đều khiếp sợ sự độc ác và khát máu của Việt Minh và tìm đến ông Diệm sợ Chúa để được giải thoát. Nhiều người tị nạn chỉ sợ bị trả thù vì mình đã ủng hộ Pháp.
...Sự tuyên truyền của Spellman về bản chất Công Giáo của chính quyền Diệm đã làm rõ rệt thêm hình ảnh không đẹp về vị thế của giáo hội ở Việt Nam. Cái bản chất tôn giáo của chính quyền Diệm và những vấn đề chính quyền đó tạo ra đã được ghi nhận bởi Graham Greene, một tín đồ Công Giáo, trong một bài viết từ Saigon, in trong tờ London Sunday Times ngày 24 tháng 4, 1955:
“Chính cái giáo thuyết Công Giáo đã làm cho chính quyền Diệm sụp đổ, vì sự sùng tín của ông ta đã bị những cố vấn Mỹ khai thác cho đến khi giáo hội ở trong nguy cơ làm mất lòng dân như Mỹ. Một cuộc viếng thăm không thích hợp của Hồng y Spellman (Hồng Y Spellman đến Việt Nam để nâng uy tín của Diệm đồng thời bi thảm hóa của cuộc di cư lớn lao của người Công Giáo “dramatizing once more the great exodus of refugees from the North, the greater part of whom are Catholics.”) Một linh mục Việt Nam nói: Ông ta (Spellman) nói nhiều về con bò vàng [mà một số người Do Thái thờ phụng như được viết trong Cựu ước. TCN] hơn là về Mẹ Thiên Chúa] đã được tiếp nối bởi những cuộc viếng thăm của Hồng y Gillroy và Tổng Giám mục ở Canberra. Những số tiền lớn lao đã được dùng để tổ chức những cuộc biểu tình đón tiếp những vị khách này, đưa ra một ấn tượng là giáo hội Công Giáo là của Tây phương và là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh. Trong những trường hợp hiếm hoi mà ông Diệm thăm viếng những vùng của Việt Minh trước đây, bao giờ cũng có một linh mục đứng bên, và thường là một linh mục Mỹ.
...Nam Việt Nam, thay vì đối đầu với chế độ toàn trị của miền Bắc bằng những bằng chứng về tự do, lại rơi vào một chế độ độc tài bất hiệu lực: dẹp bỏ báo chí, kiểm duyệt chặt chẽ, lưu đầy bằng lệnh của chính quyền thay vì phải được xét xử ở tòa án. Thật là bất hạnh khi một chính quyền như vậy lại đồng nhất hóa với một đức tin. Ông Diệm rất có thể đã để lại trên đất nước đầy tinh thần khoan nhượng này một di sản chống-Công Giáo.”
Trong cuộc viếng thăm, Spellman đã trao một ngân phiếu 100,000 đô-la cho Tổ Chức Cứu Trợ Công Giáo, một tổ chức hoạt động tích cực trong chương trình tái định cư những người di cư và sau đó cai quản chương trình viện trợ của Mỹ, chứng tỏ Tổ Chức này sát cánh với nỗ lực chiến tranh của Mỹ và đưa tới sự nghi ngờ là Tổ Chức có liên hệ với CIA. Dùng Giáo hội để làm chức vụ như vậy đã được thi hành ở Châu Mỹ La-Tinh, ngoài nhiều nơi khác, nhưng ở Việt Nam có vẻ đúng như những lời khuyến cáo của Graham Greene là Giáo hội và Mỹ đã cùng nhau thi hành một đường lối thất nhân tâm đối với những người Việt Nam.
Khả năng tham nhũng ở Việt Nam rất cao và cũng làm hại tới uy tín của Tổ Chức Cứu Trợ. Drew Parson ước tính chỉ trong năm 1955 chính quyền Eisenhower đã bơm vào Việt Nam trên 20 triệu đô-la viện trợ giúp người tị nạn Công giáo. Không thể tránh được, có quá nhiều gắn ghép và tham nhũng trong việc phân phối thực phẩm, thuốc men, và các đồ dùng khác tới các làng mạc. Tờ National Catholic Reporter đã phúc trình những sự lạm dụng của Tổ Chức Cứu Trợ Công Giáo trong nhiều bài mà một bài có đầu đề là: “Việt Nam 1965-1975. Vai Trò của Tổ Chức Cứu Trợ Công Giáo: Công Trình Của Chúa – Hay Của CIA?” Những sự lạm dụng bị phanh phui gồm có: dùng viện trợ để truyền đạo, chỉ giúp những người Công Giáo tuy viện trợ là cho tất cả mọi người, đồng nhất hóa với quân lực, và đem cho binh lính Mỹ và Việt thay vì cho dân sự như mục đích của viện trợ. [Những người ở Việt Nam thời đó đều biết rõ các Linh mục Công Giáo Việt Nam và tổ chức Công Giáo được giữ độc quyền để phân phát viện trợ. Sự phanh phui trên là từ một tờ tuần báo của chính Công Giáo] 1

Qua tài liệu trên, và phối hợp với nhiều tài liệu khác, thí dụ như của Joseph L. Daleiden, một học giả Công Giáo trong cuốn The Final Superstition, chúng ta thấy rõ vai trò then chốt của Vatican đã dự phần đưa tới việc Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Chúng ta cũng còn biết, Hồng Y Spellman đã đến Việt Nam nhiều lần, đi tới các tiền đồn để khuyến khích lính Mỹ chiến đấu cho Chúa: “Trong một bài học thuộc Giáo hội thời Trung Cổ, Spellman bảo với binh sĩ Mỹ là họ là những “thánh chiến quân” tham gia vào cuộc chiến của Chúa Ki Tô chống Việt Cộng và dân chúng Bắc Việt” (John Cooney, p.384: In a lesson from the medieval Church, Spellman told the troops they were “holy crusaders” engaged in “Christ’s war against the Viet-cong and the people of North Vietnam). Nhưng tại sao Chúa lại chống Cộng ở một nước nhỏ bé như Việt Nam, sao Chúa không chống Cộng ở Nga, ở Tàu, hay ở Ba Lan, Tiệp Khắc ngay bên Âu Châu? Vatican, thêm một lần nữa, đã mang tội với dân tộc Việt Nam và các tín đồ Công Giáo Việt Nam phải gánh cái hậu quả này. Chúng ta cũng thấy rõ, Ngô Đình Diệm chẳng qua chỉ là một con cờ của liên minh Mỹ-Vatican. Và Ngô Đình Diệm không thể ngờ được rằng về sau, vì quyền lợi của Vatican và của Mỹ, cả Vatican và Mỹ đều bỏ rơi mình, đưa đến một kết quả quá bi thảm cho chính bản thân. Thật là tội nghiệp. Dưới hình thức nào thì thực dân cũng đều như nhau. Ngày nay, những tàn dư của Cần Lao còn cố gắng “phục hồi tinh thần Ngô Đình Diệm” mà không biết rằng họ đang phục hồi tinh thần Trần Ích Tắc.

Để cho công bình, chúng ta cũng còn phải xét thêm việc từ khi về làm Thủ Tướng và rồi tự lên làm Tổng Thống, “Cụ Diệm” đã làm gì cho đất nước? Đã có nhiều sách viết về nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa: Đỗ Mậu, Lê Trọng Văn, Hồ Sĩ Khuê, Nguyệt Đam & Thần Phong, Nguyễn Mạnh Quang, Vũ Ngự Chiêu v..v... Nhưng xin đọc Phần II để biết người Tây Phương đánh giá ông Ngô Đình Diệm như thế nào.

No comments:

Post a Comment