TP - Ngay sau “Tuyên bố Cebu về An ninh Năng lượng Đông Á” được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN 12 vừa kết thúc ở Philippines, một nhà khoa học Việt Nam công tác lâu năm ở Đức đề nghị xem xét tiềm năng xây dựng các trạm điện sử dụng sức gió ở nước ta.
Một trạm phong điện gần thành phố Freiburg (Đức) |
Đáng tiếc, chúng ta chưa có bất cứ kế hoạch nào với lý do tiềm năng ở Việt Nam không cao và, vì vậy, đầu tư nhiều mà hiệu quả thấp. Tuy nhiên, từ CHLB Đức, TS Nguyễn Thế Việt - chuyên gia về năng lượng cho rằng cách nhìn như thế là không thực tế, nhất là với Việt Nam địa hình chia cắt, trải trên nhiều vĩ độ và đi lại vô cùng khó khăn.
Dự kiến đến năm 2020, khi nhà máy điện nguyên tử đầu tiên ở Việt Nam bước vào hoạt động, sản lượng điện cả nước mới đáp ứng 80% nhu cầu. Cũng tới năm 2020, theo TS Việt, nước Đức sẽ dỡ bỏ các nhà máy điện nguyên tử, theo yêu cầu của đa số nhân dân Đức.
Một trong những bất lợi của các loại hình phát điện hiện hành là phải xây dựng các đường dây tải điện với chi phí rất lớn, đặc biệt khi cần cung cấp điện cho các vùng sâu, vùng xa, nơi còn hàng trăm ngàn đồng bào chưa một lần thấy ánh điện.
Các máy phát điện lợi dụng sức gió (trạm phong điện) thời gian qua được sử dụng ngày càng nhiều ở các nước Âu, Mỹ và các nước công nghiệp phát triển khác, đặc biệt từ sau cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973.
Riêng tại Đức, theo TS Việt, sản lượng phong điện nước này vượt xa sản lượng thủy điện và trở thành nguồn năng lượng quan trọng trên đất nước có nền kinh tế thứ ba thế giới. “Đi trên mỗi nẻo đường nước Đức ai cũng thấy những trạm phong điện, rải rác từ một vài trạm tới những cụm vài chục trạm”, TS Việt nói.
Riêng trên quãng đường 500 km từ Frankfurt tới Hamburg có thể thấy hàng ngàn trạm phong điện với công suất hàng triệu kw. TS Việt nhận định nước Đức đang dẫn đầu thế giới về công nghệ phong điện và ông tin Việt Nam hoàn toàn học tập kinh nghiệm này với điều kiện các nhà vạch chính sách năng lượng có cái nhìn thực tế.
Thiếu thông tin trữ lượng gió
Gió là dạng năng lượng vô hình và mang tính ngẫu nhiên rất cao nên khi đầu tư vào lĩnh vực này cần có các số liệu thống kê đủ tin cậy. Rào cản chủ yếu đối với việc phát triển phong điện ở Việt Nam chính là sự thiếu thông tin về trữ lượng gió.
Tại hội nghị tổng kết chương trình nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên tổ chức ở Hà Nội giữa năm ngoái, cố GS.VS Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Tự nhiên, thừa nhận Việt Nam thiếu rất nhiều dữ liệu cơ bản về các tiềm năng tự nhiên trong đó có tiềm năng gió.
Thế mới có chuyện khi xây dựng một số công trình ven biển miền Trung nước ta, các nhà thầu Singapore và Úc phải sử dụng dữ liệu về gió và sóng biển trước đây của người Mỹ.
Gần đây, một số công ty nước ngoài đến Việt Nam để tìm cách khai thác phong điện. Nhưng vì chưa đủ số liệu cần thiết nên họ chưa có sự đầu tư nào đáng kể nào.
Một hãng Đức từng xây dựng tại Ấn Độ và Brazil hàng ngàn trạm phong điện, có cơ sở thường trực giám sát hoạt động các trạm qua hệ thống vệ tinh viễn thông, xử lý kỹ thuật ngay khi cần thiết cũng đến Việt Nam tìm thị trường nhưng chưa quyết định đầu tư vì chưa có đủ cứ liệu để xây dựng trên quy mô lớn. Một công ty khác chuẩn bị xây dựng 12 trạm phong điện với công suất 3.000 kw trên huyện đảo Lý Sơn, v.v..
Thật ngạc nhiên là, trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách năng lượng của ta tỏ ra rất thờ ơ với nguồn “vàng trong gió” này.
So sánh chi phí đầu tư giữa phong điện và thủy điện Toàn bộ chi phí cho một trạm phong điện 4.800 kw khoảng 3.000.000 euro. Với 500 trạm phong điện loại 4.800 kw sẽ có công suất 2,4 triệu kw, bằng công suất nhà máy thủy điện Sơn La. Tổng chi phí sẽ là: 500 x 3.000.000 euro = 1,50 tỷ euro = 1,875 tỷ USD, Chi phí này nhỏ hơn 2,4 tỷ USD, dự toán xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La. Giá thành mỗi kwh Giá thành một kwh điện trong 10 năm đầu có thể tính như sau: Sản lượng điện của trạm trong một năm là 4800kw x 2200 giờ = 10.560.000 kwh (chỉ tính trạm đủ gió để hoạt động 2.200 giờ - khoảng ¼ thời gian một năm) Một trạm 4.800 kw trong 10 năm có sản lượng điện là: 105.600.000 kwh Chi phí để xây dựng trạm là: 3.000.000 euro Chi phí duy tu bảo dưỡng trong 10 năm là: 240.000 euro Toàn bộ chi phí trong 10 năm đầu là: 3.240.000 euro Chi phí cho 1 kwh là: (3.240.000: 105.600.000 =) 0,031 euro Tính ra tiền Việt Nam (tỷ giá 20.000 đồng/euro) là: 0,031 x 20.000 = 620 đồng/kwh Giá thành 1 kwh điện trong 10 năm tiếp theo: 10 năm tiếp theo chỉ phải chi cho việc duy tu bảo dưỡng, giá thành sẽ là: 240.000 euro: 105.600.000 kWh = 0,0023 euro/1 kWh Tính ra tiền Việt Nam, 0,0023 x 20.000 = 46 đồng/kwh |
No comments:
Post a Comment