Trong khi tôi dịch tiếp những chuyện về bàn tay lông lá của Mỹ xin mời các bạn đọc một bài rất hay của bác Trần Chung Ngọc.
http://giaodiemonline.com/2007/08/caoky.htm-------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Tôi và ông Nguyễn Cao Kỳ vốn là bạn đồng khóa, khóa I Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định, nhưng chỉ là trên danh nghĩa, chứ chưa bao giờ là bạn. Tuy là bạn đồng khóa nhưng tôi chưa bao giờ nói chuyện với ông Kỳ. Sau khi ra trường, chỉ có một lần thấy ông trong một cuộc họp Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định ở Câu Lạc Bộ Sĩ Quan ở trong Tân Sơn Nhất, và một lần khác loáng thoáng thấy ông trong cuộc họp Cựu Sĩ Quan Trừ Bị Khóa I, Nam Định và Thủ Đức, cách đây vài năm ở Cali. Ngoài ra, chỉ thấy hình ông trên báo chí, TV. Hồi còn ở Việt Nam, tôi biết ông Kỳ làm lớn, nhưng tính của tôi lại rất kỵ các quan lớn, cho nên cũng chẳng bao giờ lân la đến làm quen, dù tôi có quen vài người bạn thân của ông Kỳ, thí dụ như Phạm Dung [cùng đơn vị, cùng đóng đồn Tuy Lộc ở Hạt Lệ Thủy, miền Trung], và Phó Quốc Chụ [thường đấu Ping Pong nhưng bao giờ tôi cũng thua]. Vì vậy, chắc chắn là ông Kỳ không biết tôi là ai, nhưng không sao, tôi "biết" ông là đủ rồi.
Tôi viết bài này là vì tình bạn đồng khóa, nhưng không phải là bạn, vì tôi chưa từng là bạn, và cũng không có ý định làm bạn với ông Kỳ. Sở dĩ tôi phải viết lên bài này là vì những vụ việc xảy ra xung quanh những chuyến ông về nước vào dịp Tết Giáp Thân 2004, một chuyến khác sau đó 2 năm, và gần đây ông đã bay từ Việt Nam về Mỹ để đón tiếp ông Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết công du Mỹ, trong những dịp này ông đã đưa ra một số ý kiến cá nhân về Việt Nam. Do đó ông đã bị cả một chiến dịch mạ lỵ, chống đối, nhiều khi rất hạ cấp, ở hải ngoại. Tôi muốn chia xẻ vài ý kiến về việc này để ông thấy rằng đa số thầm lặng tuy không lên tiếng nhưng không hẳn là đồng ý với những hành động hung hăng chống đối ông chỉ vì ông đã vượt họ một khoảng khá dài về tình người và tình tự dân tộc..
Rất có thể tôi không đồng ý với vài điểm nào đó trước những ý kiến của ông về Việt Nam nhưng tôi hoàn toàn tôn trọng quyền tự do phát biểu ý kiến đó của ông, và bài viết này có mục đích bày tỏ sự tôn trọng quyền đó. Nếu tôi không đồng ý với ông ở điểm nào đó, tôi sẽ phân tích vấn đề và nêu rõ ý kiến của tôi là tại sao tôi không đồng ý. Nhưng tôi không thể, và không có quyền, lên án ông hay chụp lên đầu ông bất cứ một nhãn hiệu nào thuộc loại "tố Cộng" của thời Ngô Đình Diệm, cũng như tôi không thể nào dùng những lời lẽ hạ cấp để mạ lỵ cá nhân ông chỉ vì tôi không đồng ý với ông.. Đó không phải là phong cách ứng xử của người trí thức, đúng nghĩa là một trí thức, trong tinh thần đối thoại nghiêm chỉnh. Đây là bài học rất sơ đẳng về nhân quyền, tự do, và dân chủ cho những người nào thực sự muốn tranh đấu cho nhân quyền, tự do và dân chủ. Và tôi mong những người chống đối những việc làm của ông cũng nên bắt đầu học bài học sơ đẳng này càng sớm càng tốt. Việc học hành để tăng gia hiểu biết và trở thành văn minh hơn có thể nói là điều cần thiết cho tất cả mọi người.
Nhưng có vẻ như những người chống đối ông, tuy sống ở trên những đất nước tự do nhất thế giới, nhưng chưa bao giờ biết đến câu: "Tôi không chấp nhận những điều anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền của anh nói như vậy." (I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it), mà theo một tác giả trên Internet, thực ra là của Beatrice Hall, bí danh là S.G. Tallentyre, nói năm 1907, câu mà người ta thường lầm lẫn cho là của Voltaire. [???] Họ không hiểu được nội dụng của điều này chính là căn bản của tự do và dân chủ. Thay vì bảo vệ quyền của ông Kỳ nói những gì ông ấy muốn nói, có vẻ như, qua văn phong của một số người chống đối, họ muốn ăn tươi nuốt sống ông Kỳ nếu họ có thể.
Tuy cái mũ Cộng Sản đã rách bươm từ lâu, nhưng một số người ngày nay vẫn còn sử dụng nó như là một vũ khí với niềm hoang tưởng rằng nó có một tác dụng gì trong giới hiểu biết, hoặc có thể gây thêm hận thù trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Cái mũ "Cộng Sản" đã được sử dụng như là một vũ khí để giữ độc quyền ăn nói và bịt miệng những người không đồng quan điểm với mình, nhưng càng ngày càng trở nên lố bịch vì ngày nay mọi người đều coi nó như một trò hề chính trị của những kẻ hạ căn, ít giáo dục, cho nên không gây nên một tác dụng nào. Những lời lẽ rất hạ cấp mà thực ra không thích hợp và không nên đăng trên bất cứ một diễn đàn truyền thông nào đáng gọi là diễn đàn truyền thông, để mạ lỵ và hạ thấp cá nhân ông, đã quật ngược lại các tác giả, chứng tỏ tư cách của họ không đáng để ai phải quan tâm. Cho nên ông Kỳ không nên để tâm vào những hạng người này mà nên thương hại họ, vì họ có một kẻ thù lớn nằm vùng trong chính bản thân họ, đúng như lời Đức Phật đã dạy: "Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình". Qua những việc ông làm, bất kể với mục đích gì, tôi cũng mừng cho ông đã thành công xua đuổi được kẻ thù lớn của chính mình : kẻ thù lớn đó là lòng thù hận Quốc-Cộng của nhiều năm về trước.
Lẽ dĩ nhiên tôi không có lý do gì để phản đối lập trường "nghĩ tới tương lai dân tộc" của ông cả, vì tôi rất đồng ý với ông là, cuộc chiến Quốc-Cộng đã chấm dứt cách đây trên 30 năm rồi, và tôi cũng không có lý do gì để truyền lại cho con cháu, làm ô nhiễm, đầu độc đầu óc của chúng bằng những thù hận của lớp người như tôi và ông mà tôi biết rõ do nghịch cảnh lịch sử gây ra. Đối với tôi, tất cả những chức vụ của ông trước đây ở miền Nam: Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, Tư Lệnh Không Quân, Thủ Tướng, Phó Tổng Thống v..v.. cũng đã chấm dứt với mốc lịch sử 30/4/75. Cho nên tôi không nghĩ ông là đại diện cho bất cứ ai, cho bất cứ đơn vị, tổ chức, hội đoàn nào, vì tất cả đều đã tan hàng, chẳng còn cái gì để mà đại diện. Những tổ chức, hội đoàn v..v.. hiện nay ở hải ngoại, mang những tên vang bóng một thời, với những tên đầu cơ chính trị khoác lên mình những chức vụ như chủ tịch, đại diện v..v.., thực chất chỉ là những cái vỏ che đậy niềm cay đắng của một thiểu số đứng trước thực tế lịch sử nhưng lại không đủ can đảm để chấp nhận nó như là thực tế lịch sử. Tôi không có viết chơi, vì thực chất những tổ chức, hội đoàn này đã được Quỳnh Thi mô tả trong bài "Vài Kinh Nghiệm Về Chiến Tranh VN" trên Đàn Chim Việt như sau:
Trong những ngày lễ hội ở đây, như ngày "Quốc hận 30/4", ngày Quân lực Việt Nam Cộng hòa, ngày kỷ niệm thành lập binh chủng này, binh chủng nọ… người ta thấy những bộ đồ lính rằn ri của lính "Nhẩy dù", "Thủy quân Lục chiến", "Sinh viên sĩ quan" Đà Lạt, Thủ Đức hay "Hải quân", được nhiều người lính già mặc vào như để cổ võ chiến tranh? Có phải họ nuối tiếc những ngày "oanh liệt", "vàng son" một thời đã qua? Hay họ cay đắng vì cuộc chiến tranh mà họ nghĩ rằng, họ có thể giành được chiến thắng, nhưng vì người Mỹ đã phản bội, bức tử để miền Nam thất thủ, rơi vào tay cộng sản?
[Chắc lớp người này đã quên đi những hình ảnh "tháo chạy" (từ của Nguyễn Tiến Hưng) từ Cao Nguyên, từ Vùng I Chiến Thuật, và trong khi tháo chạy quân đội đã làm gì với những người dân, cùng cảnh quân trang quân dụng vứt đầy xa lộ Biên Hòa. Hồ sơ và hình ảnh còn đó. Nhiều hình ảnh về cuộc tháo chạy này chúng ta có thể thấy trên trang nhà nhandanvietnam.org, trong bài "Những Hình Ảnh Tháo Chạy….", tháng 7, 2007]… Cuộc chiến đã quá tang thương. Hàng triệu người chết, xác người đã chất thành núi, máu chảy thành sông... Vợ mất chồng, con mất cha, người thân thất lạc Bắc Nam, nhà cửa đổ nát bị thiêu rụi vì bom đạn chiến tranh cày xới, làng xã tan hoang, nhân tâm chai cứng. Cuộc chiến tranh hơn hai mươi năm đã quá dài, quá đẫm máu, cần phải chấm dứt.
Tôi chưa hề nghe thấy những tiếng kêu như thế cất lên ở đây. Mà tôi chỉ nghe thấy những lời ai oán căm hờn, sắt máu, nhồi nhét vào đầu óc lớp trẻ (trên đài TV STBN Dallas), trong những ngày lễ hội vừa qua. [Tôi cho rằng đây là điều tệ hại nhất của một số người trong cộng đồng người Việt hải ngoại, đã đầu độc đầu óc của lớp trẻ qua hành động vô trí: truyền lại những mối hận cá nhân của lớp trước cho lớp sau]Chúng ta đã thua, và một thiểu số muốn tiếp tục cuộc thánh chiến chống Cộng ở hải ngoại,
chống Cộng vì những mất mát cá nhân về quyền thế, về tôn giáo, hay tài sản, hay người thân v..v.., nói chung, với lý do chúng ta là "nạn nhân của Cộng Sản". Nhưng trong chúng ta, có ai đặt câu hỏi: "Thế nạn nhân của Mỹ và của phía Quốc Gia thì sao?" Ai có can đảm trả lời trung thực câu hỏi này. Nên nhớ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã giết khoảng 300,000 người vô tội trong chính sách "tố Cộng", cộng với những thảm bom trải từ B52, vùng oanh kích tự do, chiến dịch Phụng Hoàng, Agent Orange, Mỹ Lai v..v.. Và sự thật là, trong cuộc chiến, số người chết, bị thương của miền Bắc gấp mấy lần của miền Nam. Khoan nói đến những sự tàn khốc của chiến tranh, những người chết và thân nhân gia đình họ ở phía bên kia có phải là người không, và những người còn sống có đau khổ trước những sự mất mát to lớn đã đến với họ không? Họ có quyền thù hận chúng ta không?Vậy nếu họ cũng kéo dài thù hận như chúng ta, thì sự thù hận này bao giờ mới chấm dứt, oan oan tương báo. Nhưng trên thực tế, chúng ta chỉ thấy những thái độ thù hận một chiều, đúng ra là ngược chiều, từ phía những người quốc gia ở hải ngoại. Có vẻ như những người đi buôn thù hận này nghĩ rằng, những người bên phía CS không phải là người, không có cha mẹ, vợ chồng con cái, bạn bè thân thuộc v..v.. nên những mất mát tổn thất của họ không đáng kể, chỉ có những tổn thất của phía chúng ta mới đáng để thù hận. Những người chống Cộng chỉ đưa ra những luận điệu một chiều để chứng minh chỉ có CS là ác, còn QG hay Mỹ thì không. Họ cố tình lờ đi và không bao giờ nhắc đến những hành động đối với dân, với kẻ thù, của người lính Quốc Gia cũng như của người lính Mỹ mà CS cũng phải chào thua. Nhưng cũng may là sự thù hận này phần lớn chỉ có một chiều, tập trung trong một thiểu số ở hải ngoại mà đa số trong đó thuộc thế lực đen, một thế lực đã nổi tiếng trong dân gian, mà lịch sử đã ghi rõ, là "mất gốc" và "hễ đã phi dân tộc thì thể nào cũng phản dân tộc", đang nắm những phương tiện truyền thông ở hải ngoại nhưng thiếu khả năng, thiếu trí tuệ và giáo dục, nên chỉ có thể đưa ra những hành động và lời lẽ chống Cộng phi lý làm nhục lây đến cả cộng đồng người Việt di cư. Ở Việt Nam, chúng ta không thể kiếm đâu ra một sự thù hận dai dẳng và dễ kích động như ở hải ngoại. Chúng ta đã thua về quân sự, nay chúng ta lại thua về tình người. Phải chăng vì vậy mà ông Kỳ đã có những hành động nhằm mục đích vớt vát mặt mũi của phe quốc gia, khi ông nhắc khéo là bây giờ không còn vấn đề Quốc-Cộng.
Vì một thiểu số muốn tiếp tục cuộc thánh chiến chống Cộng, trong số này không thiếu gì những kẻ vô liêm sỉ, trốn tránh nghĩa vụ và nhiệm vụ trong thời chiến, hay tìm cách tránh động viên, tránh quân dịch v..v.., bây giờ cũng nổi tiếng là "vô thượng thiên tài chống Cộng", và thiểu số này lại là những người nắm phương tiện truyền thông nhiều nhất, là những người lớn tiếng nhất, cho nên, chắc ông Kỳ không lấy gì làm ngạc nhiên khi người ta nấp sau danh nghĩa những hội đoàn, tổ chức hữu danh vô thực để mà gay gắt lên án những việc làm của ông. Thực chất những hành động chống đối lố bịch này, phần lớn là của những kẻ đầu cơ chính trị, chỉ là khai thác lòng thù hận chưa thể dứt bỏ của một thiểu số người Việt sống ở nước ngoài cho những mục đích cá nhân hoặc phe nhóm khác. Để chứng minh, tôi xin ông Kỳ hãy cùng tôi đọc đoạn văn sau đây, có kèm theo vài lời phê bình của tôi:
Bản văn số: 012/HÐÐD/VP
Tuyên Cáo của Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại về những lời phát biểu của cựu Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ ở Việt Nam.
Chúng tôi, toàn thể cựu quân nhân QLVNCH, Cảnh Sát Quốc Gia, Lực Lượng Bán Quân Sự và thế hệ Hậu Duệ trong Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại đã vô cùng công phẫn khi được tin ông Nguyễn Cao Kỳ, một sĩ quan cấp Tướng đã từng làm Tư Lệnh Không Quân, và cũng là người đứng trong hàng ngũ Lãnh Đạo Quốc Gia trong nền Đệ Nhị Cộng Hoà Việt Nam, đã xin được cấp chiếu khán để về Sài Gòn xưng tụng chế độ độc tài của bạo quyền cộng sản Việt Nam.
[Những lời thuộc loại đao to búa lớn này chứng tỏ tác giả viết bậy, nếu không muốn nói là ngu. Thứ nhất, không một cá nhân nào, không một tổ chức hay hội đoàn nào có thể nhân danh "toàn thể cựu quân nhân QLVNCH, Cảnh Sát Quốc Gia, Lực Lượng Bán Quân Sự và thế hệ Hậu Duệ trong Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại". Dĩ nhiên là tôi cũng như không thiếu gì cựu quân nhân QLVNCH không hề nằm trong cái "toàn thể" này. Vả chăng, không ai có quyền và tôi cũng không cho phép bất cứ ai làm đại diện cho tôi để vơ tôi vào cái tập thể chỉ có tên trên mặt giấy của họ. Sự tiếm danh trơ trẽn này đã khiến cho toàn thể bản văn trở nên vô giá trị. Những người ra tuyên cáo này có hiểu được như vậy không? Thứ nhì, con cái tôi và bạn bè cùng trang lứa của chúng không dính dáng gì đến chuyện Quốc-Cộng, chúng không thuộc thế hệ Hậu Duệ trong Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại của các ông, và các ông đừng có hòng làm ô nhiễm đầu óc chúng với sự thù hận của các ông. Thứ ba, tại sao lại phải công phẫn khi được tin ông Nguyễn Cao Kỳ xin được cấp chiếu khán để về Sài Gòn, trong khi hàng trăm ngàn người khác cũng đã xin được cấp chiếu khán về Saigon? Ông Kỳ về nước với tư cách cá nhân, một Việt kiều như tất cả mọi Việt kiều khác, không đại diện cho ai, và chắc chắn không phải với tư cách của một "cựu" nào khác. Và thứ tư, ông Kỳ có quyền đưa ra những ý kiến của ông ta về chính quyền hiện nay ở Việt Nam không? Ai nói không, xin lên tiếng! Chúng ta có thể không đồng ý với ông Kỳ nhưng chúng ta không thể và không có quyền tước bỏ quyền tự do phát biểu ý kiến của ông Kỳ qua những thủ đoạn mạ lỵ, lên án cá nhân ông. Đoạn văn sau đây hiển thị những thủ đoạn có thể gọi là hạ cấp này]
Vì gặp thời thế mà ông Nguyễn Cao Kỳ đã lên tới địa vị chỉ huy trong quân đội và lãnh đạo quốc gia. Nhưng ông vốn dĩ là người không có căn bản học vấn và ngoài tài lái máy bay, lại không có kiến thức chuyên môn về tổ chức và lãnh đạo Không Quân, thêm vào tính tình phản phúc, ngạo ngược, nên đã không đứng vững lâu dài ở những cương vị chỉ huy và lãnh đạo.
[Đoạn văn này không dính dáng gì tới (irrelevant) chuyện ông Kỳ về nước và đưa ra vài ý kiến. Đây có phải là bày tỏ sự bất đồng ý kiến trong tinh thần đối thoại nghiêm chỉnh, trí thức, hay chỉ là thủ đoạn mạ lỵ, hạ thấp cá nhân [character assassination] một cách bỉ ổi, hạ cấp, rất quen thuộc trên những diễn đàn truyền thông hải ngoại, chống Cộng có môn bài và chống Cộng cho Chúa. Thủ đoạn "ám sát tư cách cá nhân" này thực ra đã hạ thấp tư cách của chính Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại rất nhiều nếu có cái gọi là Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại.]
Từ ngày sang Hoa Kỳ, vì là người không có tài năng thực sự, nên ông Nguyễn Cao Kỳ làm gì cũng thất bại. Hiện nay ông là người bị khánh kiệt tài sản nên kiếm cơ hội về làm ăn với cộng sản Việt Nam.
[Ở cái tuổi đã quá tuổi "cổ lai hi" tôi không hiểu ông Kỳ sẽ làm ăn gì với Cộng sản. Nhưng vấn đề đặt ra là ông Kỳ có quyền về làm ăn với "Cộng sản VN" (sic) không? Đã có biết bao "Việt kiều" về làm ăn với Cộng sản VN, khoan kể đến các nước Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn v.. v.. và các nước ở Âu Châu và Mỹ. Vậy về làm ăn với Cộng Sản phải chăng là một cái tội, tội đối với ai, và ai có quyền cho đó là tội. Câu viết trên cũng lại không phải để đối thoại, mà chỉ để hạ thấp cá nhân ông Kỳ một cách không chính đáng]Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà Hải Ngoại long trọng tuyên bố rằng những lời phát biểu vô trách nhiệm của ông Nguyễn Cao Kỳ, khi xưng tụng chế độ cộng sản độc tài, là một hành động của kẻ hèn nhát, vô liêm sỉ, đi ngược lại nguyện vọng của toàn dân Việt Nam.
[Đây là điều vu khống trắng trợn, vì ông Kỳ không hề xưng tụng chế độ cộng sản độc tài, ông ta chỉ đưa ra một số ý kiến cá nhân, như tôi sẽ trình bày trong một phần sau, và đây không phải là một hành động hèn nhát, vô liêm sỉ, mà trái lại rất can đảm vì đã nói thẳng ra những ý nghĩ của mình mà không sợ sệt, dù đang sống trong vùng "gió tanh mưa máu". Vô liêm sỉ là làm những việc hèn hạ như chụp mũ, muốn tước bỏ tự do, quyền ăn nói của người khác. Mà cái gì là vô trách nhiệm? Trách nhiệm gì, và trách nhiệm đối với ai? Ở ngoại quốc mà nói đến chuyện "nguyện vọng của toàn dân" mới chính là chuyện láo lếu, vô liêm sỉ. Cái Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cọng Hoà Bolsa nầy đã đi hết 64 tỉnh thành để hỏi nguyện vọng của 84 triệu dân Việt Nam chưa mà biết đó là "nguyện vọng của toàn dân" ? ]Như trên đã nói, sự tiếm danh bừa bãi ở trên đã làm cho bản văn "tố khổ" ông Kỳ không có bất cứ một giá trị nào. Do đó tôi không muốn phí thêm thì giờ để phê bình tiếp. Nhưng có một chuyện rất cần phải nói tới. Đó là, bản văn được ký như sau:
Làm tại Hoa Kỳ ngày 16 tháng Giêng năm 2004
Tập Thể Chiến Sĩ/VNCH/Hải Ngoại
Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện
Bây giờ, chúng ta hãy thử xem ông Kỳ đã tuyên bố, đúng ra chỉ là những ý kiến cá nhân, vì ông ta không có đối tượng tuyên bố, những gì. Chúng ta hãy đọc vài ý kiến điển hình của ông Kỳ trong bài "Cựu lãnh tụ Nam Việt Nam, Khi Về Nước, Ủng Hộ Đảng Cộng Sản" (Former South Vietnamese leader endorses Communist Party on his return) của Ben Rowse, ngày 15/1/2004:
Cựu Tướng Không Quân nói rằng một chính quyền độc đảng mang đến "sự ổn định và kỷ luật" thì cần thiết cho Việt Nam để ra khỏi sự nghèo khổ.. Vấn đề ưu tiên là xây dựng nền kinh tế, từ đó có một lớp trung lưu trong nước rồi sau đó tính đến chuyện cải cách chính trị.. Tôi cho rằng thật là sai lầm khi một số người, đặc biệt là một số người Việt ở Mỹ, ngày nay đòi hỏi Việt Nam phải chấp nhận và thực hiện một nền dân chủ giống như nền dân chủ họ đang hưởng ở Mỹ. Quan niệm của tôi là, đó là một sự sai lầm. Nền dân chủ đó không thích hợp với Việt Nam trong tình thế hiện nay."Những người muốn trở về quá khứ, nói lên những điều không tưởng, chỉ là một thiểu số rất nhỏ, và hầu hết không lâu cũng sẽ qua đời"
[The former air force general said a strong one-party government that provided "stability and discipline" was essential for Vietnam to escape the clutches of poverty.. "The priority is to build the economy, to have a middle class in the country and then later on think about political reform," "I think it is very wrong that some, especially some Vietnamese overseas in America, today are asking, demanding that Vietnam has to adopt some sort of democracy like they have in America. "My personal opinion is that it is wrong. It does not fit Vietnam in the present situation," "The people who want to return to the past and talk about the so-called utopia are a very small minority, and mostly they will die soon," said Ky.]
Theo ông Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện Tập Thể Chiến Sĩ/VNCH/Hải Ngoại thì ông Nguyễn Cao Kỳ không có căn bản văn hóa. Nhưng cái căn bản văn hóa (sic) của ông Chủ Tịch đã giúp gì được cho quốc gia dân tộc ngoài chuyện hám danh ra làm chủ tịch của một tập thể hữu danh vô thực mà không biết ngượng? Qua những nhận định của ông Kỳ về chính trị, thời thế, thì tôi thấy hiểu biết của ông ấy vượt xa sự hiểu biết về chính trị và thời thế của ông Chủ Tịch, vì ông Chủ Tịch, bất kể bằng cấp cao đến đâu, lại không có tầm nhìn xa hơn cái mũi chống Cộng cuối mùa, khi không còn Cộng và ở nơi không có Cộng, của mình.
Thật vậy, tôi hiểu rằng "cải cách chính trị" mà ông Kỳ nói đến là tiến trình dân chủ. Tiến trình dân chủ hóa và tự do hóa (tôi nhấn mạnh chử "tiến trình") trong một nước tùy thuộc rất nhiều yếu tố xã hội, không thể nhập cảng nguyên si và ngay tức khắc từ ngoài vào được. Yếu tố chính là trình độ dân trí. Người dân phải ý thức được thế nào là tự do và dân chủ trong tinh thần trách nhiệm và chỉ có được ý thức này qua một nền giáo dục hợp lý để nâng cao dân trí. Trong cuốn "Bàn Về Tự Do" (On Liberty, 1859), John Stuart Mill có viết: "Giáo dục phổ quát phải đi trước quyền công dân, đặc biệt là quyền bỏ phiếu phổ quát" [Universal teaching must precede universal enfranchisement], và "Tự do chỉ có thể trở thành hiện thực trong một cộng đồng văn minh" Vậy những tổ chức, hội đoàn, cá nhân v..v.. đang "tố khổ" ông Kỳ đã hiểu thế nào là tự do, dân chủ chưa, và đã có thể họp thành một cộng đồng văn minh chưa? Đặc biệt là những người Việt Nam theo Ca-Tô Giáo Rô-ma còn lệ thuộc Vatican thì không nên nói đến chuyện tự do và dân chủ, vì họ đang nằm trong một cấu trúc tôn giáo toàn trị của Vatican, dù là toàn trị về vấn đề tâm linh, được nền thần học Ca-Tô Giáo ngụy biện để tạo quyền lực cho giới giáo sĩ, nhốt tín đồ vào cảnh tù ngục tâm linh. Người Việt Nam theo Ca-Tô giáo không thể đến thẳng với Chúa hay sao mà cứ phải tuân phục một ông giáo hoàng ngoại quốc ngồi ở nước ngoài mà họ bị nhồi sọ để tin đó là vị "đại diện của Chúa trên trần", có quyền phép cho họ đến với Chúa sau khi chết. Đó là chưa nói đến chuyện lịch sử đã ghi rõ là không thiếu gì giáo hoàng vô đạo đức, là những kẻ sát nhân, hoang dâm, loạn luân v..v.. [Xin đọc bài "Đây! Những Đức Thánh Cha" trên giaodiemonline.com]. Ngay giáo hoàng tiền nhiệm John Paul II và giáo hoàng đương nhiệm Benedict XVI cũng không thể coi như là những người có đạo đức tôn giáo. Có cần tôi phải chứng minh không?
Còn tiếp.....
No comments:
Post a Comment