Sunday, December 20, 2015

ELSIN, SÓNG GIÓ NƯỚC NGA VÀ BÓNG DÁNG NGƯỜI MỸ

Thứ hai - 16/11/2015 10:00


(Hồ sơ)- Tờ “Lenta.ru” tiếp tục loạt bài phòng vấn những nhân vật từng giữ những chức vụ quan trọng trước kia về một thời kỳ lịch sử cách đây chưa xa của Nga.

Nắm quyền bất hợp pháp?

Người viết đã có dịp chuyển tới bạn đọc bài phỏng vấn ông Nhikolai Ruzkov, nguyên chủ tịch Hồi đồng bộ trưởng Liên Xô 1985-1991 qua bài “ Người trong cuộc nói về Gorbachev” trên ĐVO tháng 3/2015- xin đừng nhầm giữa Nhikolai Ruzkov và Aleksandr Rutskoi.

Để tiếp nối dòng thời gian, - tức thời kỳ cầm quyền của Boris Elsin trong những năm 90 , ngày 13/11/2015, “Lenta.ru” đã phỏng vấn ông Aleksandr Rutskoi – Phó tổng thống Nga duy nhất thời kỳ B.Elsin làm tổng thống.
 
m

Aleksandr Rutskoi và Kirsan Iliumzimov tại toà nhà Xô Viết Liên Bang Nga (Ảnh.Vitali Arutiunov / RIА Novosti)

Trong bài này chúng ta sẽ nghe “người trong cuộc” kể lại lý do tại sao từ một người ủng hộ nhiệt thành, A.Rutskoi lại trở thành đối thủ không khoan nhượng của B. Elsin, về những sự kiện chủ yếu trong năm 1993 và về việc “11 va ly chứa chứng cứ buộc tội ” nối tiếng đã biến đi đâu.

Có lẽ có một số thông tin ít người biết tới về những bí mật cung đình cùng một số điều đáng suy ngẫm có thể rút ra qua bài trả lời phòng vấn này.

Đầu tiên là mấy thông tin rất ngắn gọn về ông:

A.Rutskoi sinh ngày 16/9/1947 tại Proskurov (nay là Khmelnhitski ,Ucraine) trong một gia đình nhiều đời là quân nhân. Thiếu tướng Không quân Liên Xô, Anh hùng Liên Xô, Tiến sỹ kinh tế, Phó tiến sỹ khoa học quân sự, Phó tổng thống Liên Bang Nga từ 10/7/1991 đến 25/12/1993, Quyền Tổng thống Liên Bang Nga từ 22/9 đến 4/10/1993.

Xin được chuyển tới bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn (cả cách gọi – có tên, có tên đệm hoặc không – thể hiện mức độ tôn trọng), phần mở ngoặc đơn là để làm rõ, phần in nghiêng là câu hỏi của “Lenta.ru”.

Lenta.ru:- Tại sao ông, một con người với những quan điểm yêu nước, lại nằm trong đội hình của Elsin trên cương vị phó tổng thổng?

Ông Aleksandr Rutskoi:- Vào thời kỳ đó, những người yêu nước trên toàn nước Nga đều mong muốn các cải cách dân chủ, mong muốn xây dựng một hệ thống các mối quan hệ kinh tế mới. Bạn hãy xem và dùng bút chì dò từng chữ trên chương trình tranh cử của Boris Elsin mà xem – chương trình đó vẫn còn nguyên tính thời sự cho đến tận ngày nay.

Vấn đề nằm ở chỗ khác: chương trình đó được thực hiện như thế nào và có được thực hiện hay không? Tôi trả lời: có, nó đã được thực hiện, nhưng thực hiện ngược lại 100% . Tôi – cũng không phải là ngoại lệ, (họ) đã lừa dối tôi, cũng như lừa dối toàn thể nhân dân của đất nước chúng ta.

Vào lúc đó ai có thể hình dung được là đứng sau các cải cách ở Nga là “ Cấp ủy Washington”? Bởi vì toàn bộ dàn nhạc các nhà cải cách, kể cả Elsin đều cử nhạc theo chiếc gậy chi huy từ đấy (Washington).

Khi đề nghị tôi tham gia vào cuộc bầu cử tổng thống với cương vị phó tổng thống (liên danh với B.Elsin), Elsin đã hứa là tôi sẽ phụ trách mảng cải cách các tổ hợp công nghiệp quốc phòng và các lực lượng vũ trang.

Sau bầu cử, như sau này đã thấy, để tôi không gây khó khăn cho việc tàn phá các tổ hợp công nghiệp quốc phòng và các lực lượng vũ trang, ông ta (B.Elsin) đã giao tôi phụ trách nông nghiệp, đấu tranh chống tội phạm và tham nhũng – những lĩnh vực mà nói chung tôi hầu như không có chút am hiểu gì.

Tính toán (của B.Elsin) rất đơn giản: trong khi tôi tìm hiểu và làm quen với những vấn đề này (theo chỉ thị của ông ta tôi chịu trách nhiệm cá nhân về những hướng công việc được giao), họ thành lập ê kíp từ những kẻ bất tài và phản bội, sau đó triển khai chương trình phá hoại đất nước.

Để làm được điều đó (họ) đã mời 30 cố vấn đến từ Mỹ, 30 nhân viên trong biên chế của CIA đến làm việc cho chính phủ (Nga). Chính từ đó bắt đầu sự đối đầu, xung đột của tôi với Elsin và các thuộc hạ của ông ta.

Tôi đã 3 lần đệ đơn từ chức lên Elsin. Khi nào tôi đệ đơn từ chức ông ta cũng đưa một câu hỏi y hệt nhau: “Ông sẽ giải thích lý do xin từ chức tại đại hội đại biểu nhân dân chứ?”. Tôi trả lời: “Vâng”.

Sau đó đơn của tôi bị xé toạc và ném vào sọt rác. Theo Hiến pháp Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Liên Bang Nga thì chỉ có Cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước – Đại hội đại biểu nhân dân căn cứ vào quyết định của Tòa án tối cao mới có quyền cách chức phó tổng thống – và khi (phó tổng thống) phạm tội.

Sau đó, vào năm 1993, sau vụ bắn vào tòa nhà Quốc hội (Xô Viết tối cao), Elsin đã nhổ toẹt vào Hiến pháp và ra sắc lệnh cách chức tôi.
Lenta.ru:- Có nghĩa là ông muốn nói rằng trong các văn phòng của chính phủ Nga, những người có tên tuổi cụ thể đến từ Mỹ đã tiến hành các hoạt động phá hoại của mình?

Ông Aleksandr Rutskoi:- Việc trong chính phủ Liên Bang Nga giai đoạn đó có các nhân viên CIA làm việc dưới bình phong là các cố vấn đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định. Tôi nghĩ rằng, một sự khẳng định như vậy là đủ, không nên nghi ngờ gì nữa về tính xác thực của khẳng định này.

Lenta.ru: Trong một số bài phát biểu của mình ông có nói rằng, trong số những người thân cận của Boris Elsin và Mikhail Gorbachev có rất nhiều người được gọi là “điệp viên ảnh hưởng”. Có những “đề nghị” (cộng tác) nào được chuyển tới ông không?

Ông Aleksandr Rutskoi:- “Điệp viên ảnh hưởng” có nhiều. Của Gorbachev – đấy là Eduard Shevardnadze (cựu Bộ trưởng ngoại giao Liên Xô), Aleksandr Iakovkev (Bí thư ĐCS Liên Xô), Vadim Batakin và một số khác. Còn của Elsin – Andrey Kozyrev, Genadi Burbulis, Anatoli Chubais, Egor Gaidar (sau làm Thủ tướng Nga), Xergey Shakhrai, Andrey Nhechaev, Evghenhi Iasin, Gavriil Popov. Dĩ nhiên, tôi cũng được đề nghị làm tay sai để đổi lấy những quyền lợi như trong chuyện cổ tích.

Lenta.ru:- Trong những năm 90, trong một thời gian dài lan truyền tin về “11 chiếc va ly chứa chứng cứ cáo buộc” các quan chức thân cận của Elsin mà ông đã thu thập được khi còn là Chủ tịch Ủy ban chống tham nhũng. Cái gì đã xảy ra với những chiếc valy đó? Số phận của chúng ra sao? Có câu trả lời chính thức nào từ Viện kiểm sát hay không?

Ông Aleksandr Rutskoi:- Đấy không phải là 11 valy chứa chứng cứ buộc tội, mà là tài liệu điều tra sơ bộ. Ủy ban liên ngành do tôi đứng đầu không làm việc thu thập các bằng chứng buộc tội. Nó (ủy ban) phân tích và điều tra sơ bộ theo sắc lệnh, chỉ thị của tổng thống, nghị quyết của chính phủ có liên quan đến những vấn đề vật chất- kỹ thuật và tài chính. Nói ngắn gọn, toàn bộ những trò đen tối mà những nhân vật cải cách và các kẻ tòng phạm đã làm.

Hàng tuần tôi báo cáo với Elsin về sự cướp đoạt một cách trắng trợn và man rợ tài sản của đất nước. Ông ta đã không hề áp dụng một biện pháp nào. Tất cả tài liệu của Ủy ban chúng tôi được cất giữ trong những chiếc tủ chịu nhiệt tại văn phòng của tôi ở Điện Kremlin.

Sau vụ bắn tòa nhà Xô Viết tối cao và sau khi Elsin ra lệnh tống giam tôi vào phòng cách ly ở Lefortovo (nhà tù nổi tiếng ở Matxcova – kiểu như Hỏa lò của ta ngày trước), chỉ huy lực lượng bảo vệ của Elsin là Aleksandr Korzakov đã phá tủ và mang toàn bộ tài liệu đi. Vì vậy mà các tài liệu đó không đến được tay Viện kiểm sát.

Lenta.ru: Mối quan hệ của ông với các thành viên khác trong đội hình Elsin, ví dụ như Viktor Chernomyrdin (sau là thủ tướng Nga), Pavel Grachev và những người khác như thế nào?

Ông Aleksandr Rutskoi: - Chẳng sao cả, và đặc biệt với Gaidar. Làm sao có thể có những mối quan hệ với những con người cố tình phá hoại nền kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, khả năng phòng thủ của đất nước?

Lenta.ru:- Ông có biết là Elsin cùng thê đội của ông ta chuẩn bị Thỏa thuận Belovezkoe (thỏa thuận thành lập cộng đồng các quốc gia độc lập, chấm dứt sự tồn tại của Liên Bang Xô Viết - do người đứng đầu Nga Boris Elsin, Ukraine (Leonhid Kravchuc) và Belarus (Stanislav Shushkevich) ký tại khu rừng Belovezkoe, Belarus ngày 8/12/1991) không?. Thái độ của ông đối với vấn đề đó như thế nào?

Ông Aleksandr Rutskoi: - Khi tôi tiễn Elsin đi Minsk (thủ đô Belarus) theo quy định, tôi hỏi ông ta về mục đích chuyến đi. Câu trả lời (của Elsin) là: ký thỏa thuận với Stanislav Shushkevich (Chủ tịch Xô Viết tối cao Belarus) về hợp tác kinh tế với Belarus. Tôi thậm chí không thể hình dung là (người ta) đang chuẩn bị tiến hành một hành động tội ác nhằm tiêu diệt Liên Xô.

Tôi chỉ biết về điều này vào buổi sáng hôm sau, cũng như đã biết là ngay sau khi ký thỏa thuận, người đầu tiên được Elsin báo cáo về việc Liên Xô đã không còn tồn tại nữa chính là G.Bush. Tại Xô Viết tối cao Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Liên Bang Nga với sự có mặt của Elsin, Gorbachev, tôi đã kêu gọi các đại biểu không phê chuẩn thỏa thuận tội lỗi này .

Lúc đó chỉ có 7 đại biểu ủng hộ tôi, còn những người khác, kể cả phái Đảng Cộng sản Liên Bang Nga với đầy đủ các đại biểu cũng nhất trí phê chuẩn thỏa thuận. Đấy, Liên Bang Xô Viết bị hủy diệt như thế đấy.
 
m

Tổng thống Liên Bang Nga Boris Elsin và Tổng thống Mỹ George Bush sau khi ký các văn kiện Nga- Mỹ (Ảnh Aleksandr Sentsov , Aleksandr Chumichev / TASS)

Lenta.ru: Trên đống đổ nát của Liên Bang Xô Viết bùng nổ các cuộc xung đột vũ trang và ông có tham gia tích cực vào các cuộc xung đột này. Xin hãy kể lại vai trò của ông trong các cuộc xung đột Gruzia- Oxetia và Pridnhestrovsk trong năm 1992?

Ông Aleksandr Rutskoi: - Những người có lỗi gây ra tình trạng nhùng nhằng và đổ máu trong các cuộc xung đột Gruzia- Oxetia và Moldova- Pridnhestrovsk lại vẫn chính là Elsin, Kozyrev, Burbulis, Shakhrai. Vì hiểu được mọi việc sẽ kết thúc (bi thảm) như thế nào, Elsin giao cho tôi toàn quyền giải quyết.

Chỉ trong vòng mấy ngày đêm, cả hai cuộc xung đột đều chấm dứt. Tôi chấm dứt sự lộng quyền đó hoàn toàn không phải bằng ngoại giao, mà bằng cách sử dụng sức mạnh một cách cứng rắn và không thỏa hiệp. Làm gì có thể có thứ ngoại giao nào, nếu như những tên đê tiện chính trị đó giết hại những người dân lành hoàn toàn không có một tội tình gì?

Lenta.ru: - Tại sao không thể nhanh chóng giải quyết cuộc xung đột ở Chesnia, - một cuộc xung đột đã biến thành một cuộc chiến tranh? Nhân tiện xin hỏi là quan hệ của ông với Dzhokhar Đudaev như thế nào (Dzhokhar Đudaev- Tổng thống Cộng hòa tự xưng Chesnia từ 11/1991 đến 4/1996-nguyên Thiếu tướng Không quân Liên Xô (là viên tướng người Chesnia duy nhất trong Quân đội Xô Viết))?

Ông Aleksandr Rutskoi:- Lại vẫn những kẻ mà tôi liệt kê ở trên có lỗi trong cuộc xung đột ở Chesnia. Tôi đã cực lực phản đối việc gây ra các vụ thảm sát. Tôi có một kế hoạch khác để chấm dứt cuộc xung đột, nhưng (họ) đã không cho phép tôi thực hiện.

Lúc đầu Elsin và Gorbachev đồng ý với đề nghị của tôi, nhưng sau đó ra lệnh chấm dứt chiến dịch và lệnh (cho mọi người) không được thực hiện các mệnh lệnh của Rutskoi (tôi) nữa. Hậu quả sự điên rồ của cuộc chiến tranh Chesnia – hàng trăm nghìn người chết.

Ai chịu trách nhiệm? Không ai cả. Nếu như tôi được phép thực hiện kế hoạch của mình và chiến dịch được tiến hành thì đã không có một cuộc chiến tranh và một một cuộc tàn sát nào xảy ra.

Quan điểm của tôi về Dudaev là tiêu cực. Tôi đã có nhiều cuộc đàm phán với ông ta cho tới khi tình hình trở nên quá xấu. Nếu nói một cách cụ thể thì tôi đề nghị tiến hành đồng thời cả cuộc bầu cử Nghị viện và bầu cử tổng thống nước Cộng hòa Chesnia một cách văn minh.

Ông ta (Dudaev) đồng ý với đề nghị của tôi, hơn thế nữa, còn khẳng định rằng đó là lối thoát duy nhất ra khỏi tình hình (khủng hoảng) lúc đó , nhưng đã không giữ lời hứa của một sỹ quan. Còn mọi việc đã kết thúc như thế nào – mọi người đều biết.

(Còn nữa)

Lê Hùng / datviet

No comments:

Post a Comment